Thứ bảy, 18/01/2025 | 18:58
RSS

Tại sao “của quý” trong lễ hội Ná Nhèm lại thay đổi kích thước hàng năm?

Chủ nhật, 12/02/2017, 19:46 (GMT+7)

Trong lễ hội Ná Nhèm, điểm đặc biệt nhất là màn rước Tàng thinh (sinh thực khí nam) và Mặt nguyệt (sinh thực khí nữ). Tuy nhiên, Tàng thinh và Mặt nguyệt luôn được thay đổi mẫu mã và kích thước qua mỗi năm.

Sáng 11/2 (tức 15 tháng Giêng) vừa qua, Lễ hội Ná Nhèm của người Tày đã được tổ chức tại xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Lễ hội Ná Nhèm trong tiếng Tày có nghĩa là “mặt nhọ”, được phục dựng từ năm 2012 đến nay. Trải qua 6 năm tổ chức lễ hội, lễ hội ngày càng thu hút sự quan tâm của người dân địa phương và du khách thập phương.

Lễ hội Ná Nhèm 1

Lễ hội Ná Nhèm thu hút sự tham gia của người dân và du khách thập phương

Trong lễ hội, các diễn viên tham gia đều bôi mặt nhọ với lý do nhằm đánh lạc hướng những linh hồn giặc, để không còn con ma nào biết ai diễn lại hình dạng và thất bại của chúng trước dân làng mà bắt về gây tai họa dịch bệnh. Lễ hội Ná Nhèm nhằm phát huy những nét truyền thống lâu đời, mang đậm bản sắc dân tộc và đáp ứng nhu cầu văn hóa lễ hội của cộng đồng.

Trao đổi với PV, bà Hoàng Thị Luân, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) - Trưởng ban tổ chức Lễ hội Ná Nhèm 2017 cho biết, Lễ hội Ná Nhèm là nghi thức, nghi lễ thờ cúng Thành Hoàng, đức thánh Cao Sơn Quý Minh, thờ Đức vua Miêu Tĩnh và Đức vua Cao Quyết, gắn liền với sự tích đánh giặc giữ làng và các hoạt động văn hóa, trò chơi, trò diễn của người Tày.

Tháng 11/2016, UBND huyện Bắc Sơn đã tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia Lễ hội Ná Nhèm” với 27 tham luận của các nhà nghiên cứu văn hóa uy tín. Hội thảo đã chứng minh khoa học về sự tồn tại của lễ hội Ná Nhèm cách đây 50 trước, bao gồm nhiều nghi lễ độc đáo trong đó có màn rước Tàng thinh và Mặt nguyệt.

Từ năm 2012 sau khi lễ hội được phục dựng, mỗi năm Tàng thinh và Mặt nguyệt đều được làm mới, thay đổi. “Tàng thinh Mặt nguyệt là lễ vật dùng để cung tiến cho Đức vua, có từ khi lễ hội được hình thành. Kết thúc lễ hội, Tàng thinh Mặt nguyệt sẽ được “hóa” để Đức vua nhận, nên hàng năm mới có sự thay đổi mẫu mã, từ đó có thể thấy được nhiều nét văn hóa ứng xử đặc biệt tại lễ hội này”, bà Luân nói.

Lễ hội Ná Nhèm 2

Tàng thinh năm 2016 có chiều dài 1 mét, nặng khoảng 80kg, có màu hồng

Ông Hoàng Văn Khể (62 tuổi, thôn Làng Mỏ, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn) chia sẻ, kể từ khi lễ hội được phục dựng từ năm 2012 đến nay, Tàng thinh Mặt nguyệt được thay đổi liên tục, mỗi năm một khác.

Năm 2012, Tàng thinh to bằng cổ chân, dài 80cm, Mặt nguyệt làm bằng cái mẹt to bằng miệng thúng. Năm 2013 và 2014, kích thước Tàng thinh và Mặt nguyệt có thay đổi, Tàng thinh to bằng cái phích, chiều dài vẫn 80cm, Mặt nguyệt to bằng cái mâm.

Đến năm 2015, Tàng thinh có hình thù giống bộ phận sinh dục của nam, to bằng cái phích, chiều dài 80cm, Mặt nguyệt không thay đổi so với trước. Năm 2016, Tàng thinh to bất thường, giống bộ phận sinh dục của nam, chiều dài khoảng 1m, nặng 80kg.

“Mọi người nói đất nước đổi mới, con người cần đổi mới nên mới làm Tàng thinh to bất thường. Phần nữa có một số ý kiến nói do du khách thập phương đến đông nên việc làm to cũng giúp khách tham quan dễ nhận biết hơn”, ông Khể nói.

Lễ hội Ná Nhèm 3

Tàng thinh năm 2017 có chiều dài 1 mét, nặng khoảng 60kg, được thợ mộc ở Bắc Sơn làm trong nửa tháng

Trong khi đó, ông Hoàng Minh Chuẩn (61 tuổi, ở Làng Mỏ, xã Trấn Yên) cho hay: “Mỗi năm Tàng thinh sẽ có một mẫu riêng, không có một mẫu nào cố định cả. Mấy năm trước Tàng thinh bé hơn nhưng năm 2016 Tàng thinh to đột xuất, năm 2017 Tàng thinh lại bé hơn năm 2016”.

Ông Chuẩn nói thêm, Tàng thinh năm 2017 được đặt làm từ một thợ mộc ở huyện Bắc Sơn. Thợ mộc làm theo mẫu mà ban tổ chức gửi cho và phải mất nửa tháng mới hoàn thành tàng thinh cho Lễ hội Ná Nhèm năm nay.

Theo lời kể của các bô lão, xưa có một toán giặc Tấc Tài Ngàn - hay còn gọi là giặc răng đỏ - đến chiếm đóng tại ngôi miếu thờ Thành hoàng Đức Cao Sơn ở sườn đồi Khau Dạ Háy (xã Trấn Yên, Bắc Sơn, Lạng Sơn). Chúng bắt con gái của dân làng lên giặt giũ, nấu ăn, ban đêm thắt miệng túi cho bọn chúng ngủ.

Lũ giặc còn làm một cái trống to. Đêm xuống, chúng bắt các cô gái dắt dê lên mặt trống để giẫm tạo ra âm thanh dồn dập như xông trận làm dân làng hoang mang lo sợ. Ban ngày, chúng xuống làng giết người, cướp bóc của cải khiến dân làng căm phẫn.

Để giết giặc, dân làng đã bày mưu cho các cô gái phục vụ buộc miệng túi thật chặt khi giặc ngủ, rồi làm ám hiệu cho dân làng biết để lên diệt giặc, quăng xuống suối Phai Huấn.

Sau khi bọn giặc chết không lâu thì trong làng xuất hiện dịch bệnh lạ, làm nhiều người và vật nuôi bị chết, hạn hán xảy ra liên miên. Tại gần ngôi miếu Xa Vùn xuất hiện một tổ ong chúa rất lớn, hễ người và gia súc đi qua đều bị ong đốt chết.

Thầy mo cho rằng giặc chết vào giờ linh lại không được cúng tế cho ăn nên chúng quậy phá. Thời gian sau, dân làng đã tổ chức lễ hội Ná Nhèm cúng tế Thành Hoàng và tục hèm đánh trận mô tả lại quá trình chống giặc của người dân.

PV
Theo Đời sống Plus