Thứ bảy, 18/01/2025 | 16:59
RSS

Sốt xuất huyết tăng cao báo động ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Thứ tư, 12/10/2022, 06:00 (GMT+7)

Từ đầu năm đến nay, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao, có địa phương tăng gần 7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, số ca tử vong cũng tăng. Ngành y tế các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đẩy mạnh tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức phòng, chống sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết tăng cao báo động

Tỉnh An Giang là một trong những tỉnh từ đầu năm đến nay có ca mắc sốt xuất huyết tăng cao so với cùng kỳ năm 2021. Bác sĩ Trần Quang Hiền - Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 2/10, toàn tỉnh ghi nhận 13.973 ca sốt xuất huyết, tăng 623% (13.973/1.933 ca), trong đó có 3 ca tử vong, tăng 100% so với cùng kỳ năm 2021; tăng 210% so với trung bình 5 năm (2016-2020).


Bác sĩ Trần Quang Hiền - Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang phát biểu tại Hội nghị về tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết, tay chân miệng covid-19 trên địa bàn tỉnh An Giang. Ảnh: CTV

Có 10/11 huyện, thị, thành phố có số ca mắc tăng (trừ huyện Tri Tôn) vượt cao so với cùng kỳ. Trong đó có 5 huyện số ca sốt xuất huyết tăng trên 10 lần là Châu Phú tăng 18,4 lần, Tân Châu tăng 18 lần, An Phú tăng 18,8 lần, Tịnh Biên tăng 16 lần, Thoại Sơn tăng 14,5 lần.

Cùng là tỉnh đứng tốp đầu khu vực về số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay là 9.983 ca, tăng 9.091 ca so với cùng kỳ năm 2021. Nhiều nhất là TP.Cao Lãnh, huyện Cao Lãnh và huyện Lấp Vò, mỗi nơi từ 1.200-1.500 ca.

Đặc biệt 9 tháng đầu năm tỉnh có 12 ca tử vong vì bệnh sốt xuất huyết, tăng 1 ca so cùng kỳ năm 2021. Trong số 12 ca tử vong có 2 trường hợp trẻ em có tình trạng béo phì, 7 trường hợp người lớn có bệnh nền kèm theo là tăng huyết áp và bệnh đái tháo đường tuýp 2.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, vừa qua tỉnh xử lý 3.827/3.827 ổ dịch, đạt 100%. Hoạt động phun hóa chất chủ động và dập dịch diện rộng và tổ chức 3 đợt phun hóa chất diện rộng tại huyện Hồng Ngự (xã Thường Phước 1, xã Thường Lạc, thị trấn Thường Thới Tiền) và TP.Hồng Ngự (các phường An Bình A, An Lạc, An Lộc, An Thạnh); tổ chức 5 đợt ra quân chiến dịch diệt lăng quăng...


Báo động sốt xuất huyết tăng cao ở ĐBSCL. Ảnh: Cổng thông tin điện tử An Giang

Là thành phố trung tâm đồng bằng, TP.Cần Thơ cũng có ca mắc sốt xuất huyết tăng cao so với cùng kỳ năm 2021. Bác sĩ Huỳnh Minh Trúc - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Cần Thơ cũng cho biết, tính đến ngày 4/10, toàn thành phố ghi nhận 5.025 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 675% (năm 2021 là 743 ca). Trong đó quận Ninh Kiều có số ca tăng cao nhất, đến Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Bình Thủy…

Phân tích về nguyên nhân dịch sốt xuất huyết 9 tháng đầu năm 2022 tăng cao, bác sĩ Trần Quang Hiền - Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang đánh giá, năm 2022 là chu kỳ dịch của các tỉnh miền Tây Nam Bộ nên số ca mắc sốt xuất huyết ở khu vực này đang tăng cao trong nhiều tuần gần đây. An Giang là tỉnh có sự lưu hành các chủng virus sốt xuất huyết đã nhiều năm, nên tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong thời gian tới, nhất là trong ở các trường học...

Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng, chống sốt xuất huyết

Tuy nhiên, bác sĩ Trần Quang Hiền – Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang cho biết, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và ngành Y tế nên trong 1 tuần gần đây (ngày 26/9-2/10) số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh An Giang có chiều hướng giảm so với những tuần trước. Những tuần trước trung bình mỗi tuần tỉnh ghi nhận khoảng 600 ca mắc sốt xuất huyết, nhưng trong tuần vừa qua chỉ ghi nhận 315 ca, giảm 52,5%.


Ngành Y tế tỉnh An Giang phối hợp với các đoàn thể, địa phương ra quân thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường tích cực trong suốt 4 tháng qua nên tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm. Báo động sốt xuất huyết tăng cao ở ĐBSCL. Ảnh: Cổng thông tin điện tử An Giang

"Thời gian qua ngành Y tế phối hợp với địa phương đẩy mạnh tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức phòng, chống sốt xuất huyết bằng cách vệ sinh môi trường sống; ngủ mắc mùng, tránh bị muỗi đốt... Đặc biệt, ngành Y tế phối hợp với các đoàn thể, địa phương ra quân thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường tích cực trong suốt 4 tháng qua (từ tháng 6 đến tháng 10).

Bên cạnh, hàng tuần ngành Y tế phối hợp với Đài truyền hình tuyên truyền, khuyến cáo, nhất là những dấu hiệu nhận biết khi mắc sốt xuất huyết để người dân phát hiện kịp thời điều trị..." - Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang cho biết.

Để ngăn ngừa, giảm thiểu số ca sốt xuất huyết, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp cho biết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức tập huấn giám sát, phòng, chống bệnh sốt xuất huyết để củng cố năng lực cán bộ tuyến huyện. Bên cạnh đó, duy trì thường xuyên phát thanh trên loa, đài và tăng số lượt phát tại những nơi nguy cơ và khi triển khai các chiến dịch; lồng ghép hoạt động truyền thông tại cộng đồng vào hoạt động xử lý ổ dịch và chiến dịch diệt lăng quăng.


Ngành Y tế phun hóa chất diệt muỗi diện rộng, phòng sốt xuất huyết, tại Trung Thạnh, huyện Cờ đỏ, TP. Cần Thơ. Ảnh: CTV

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp nhận định, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh gần đây có chiều hướng giảm nhẹ, tuy nhiên vẫn còn duy trì ở mức cao. Mùa mưa còn tiếp diễn nên ca bệnh trong các tuần tiếp theo có khả năng vẫn duy trì ở mức cao, cho thấy cần quyết liệt hơn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch (diệt muỗi, diệt lăng quăng)...

Hồng Cẩm - Hoàng Quân
Theo Dân Việt