Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra mà nguyên nhân chính là do các phương tiện mất an toàn kỹ thuật. Để tránh tình trạng này, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã siết chặt công tác đăng kiểm phương tiện.
Việc siết chặt kiểm định xe cơ giới đường bộ là việc làm rất cần thiết, không chỉ góp phần nâng cao ý thức của chủ xe, lái xe trong việc bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện của mình mà còn ý thức hơn trong việc chấp hành đầy đủ các quy định về đảm bảo an toàn kỹ thuật xe, bảo vệ môi trường. Khi chất lượng kiểm định phương tiện xe cơ giới đường bộ được nâng lên, sẽ góp phần quan trọng trong đảm bảo an toàn giao thông.
Theo Cục Đăng kiểm, hiện cả nước có gần 4 triệu ô tô đang lưu hành, con số này còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Để đáp ứng nhu cầu kiểm định kỹ thuật, số lượng các trung tâm đăng kiểm cũng tăng chóng mặt, nhất là từ khi chủ trương xã hội hóa trung tâm đăng kiểm được thực hiện. Tính đến thời điểm này, cả nước có 227 trung tâm đăng kiểm, trong đó, chỉ tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, có thêm 23 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới được cấp giấy chứng nhận và đi vào hoạt động.
Ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm cho hay: Việc thực hiện xã hội hóa hoạt động kiểm định xe cơ giới đã huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực đăng kiểm, tạo thuận lợi hơn cho chủ phương tiện, lái xe khi đi đăng kiểm. Tuy nhiên, do số lượng trung tâm đăng kiểm gia tăng nhanh, nhiều vấn đề tiêu cực, ảnh hưởng đến chất lượng công tác đăng kiểm cũng đã phát sinh
Đáng chú ý, có không ít trung tâm vi phạm, thậm chí sai phạm liên tiếp trong 2 năm. Phòng Kiểm định xe cơ giới Cục Đăng kiểm vừa thông tin, từ đầu năm 2020 đến nay, Cục Đăng kiểm đình chỉ hoạt động có thời hạn 1-3 tháng đối với 29 đăng kiểm viên xe cơ giới.
Đình chỉ hoạt động có thời hạn 2 trung tâm và đình chỉ một phần hoạt động (đình chỉ dây chuyền đăng kiểm) đối với nhiều trung tâm khác. Hầu hết các trường hợp đăng kiểm viên vi phạm bị phát hiện chủ yếu qua công tác kiểm tra chuyên ngành, phúc tra đột xuất chất lượng kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm.
Cụ thể, các đơn vị bị đóng cửa có thời hạn gồm: Trung tâm Đăng kiểm 50-13D (TPHCM), Trung tâm 29-15D (Hà Nội). Đơn vị bị dừng hoạt động gồm: Trung tâm 34-02D (Hải Dương), 50-03S (TPHCM), 98-05D (Bắc Giang), 35-02D (Ninh Bình) và 88-03D (Vĩnh Phúc).
Đáng lưu ý, so với năm 2019, số lượng đăng kiểm viên bị đình chỉ giảm hơn (29/40 người), song số trung tâm đăng kiểm để xảy ra sai phạm tăng từ 10 lên 20 đơn vị. Trong đó, Trung tâm đăng kiểm 29-15D năm thứ hai liên tiếp bị đình chỉ hoạt động, với nguyên nhân do chậm nộp lại phí sử dụng đường bộ thu hộ ngân sách.
Trước thực trạng trên, Cục Đăng kiểm đã đưa ra nhiều giải pháp cấp bách nhằm kiểm soát chất lượng kiểm định phương tiện, bao gồm giám sát trực tuyến qua phần mềm quản lý, kết hợp phúc tra đột xuất kết quả đăng kiểm. Bên cạnh đó, Cục cũng đang thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ số, tự động hóa trong hoạt động đăng kiểm xe cơ giới và quản lý trung tâm đăng kiểm, hạn chế thấp nhất việc gian lận, vi phạm chất lượng đăng kiểm.
Nhận định hoạt động đăng kiểm nếu lơ là quản lý rất dễ xảy ra nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông, TS Đỗ Khắc Sơn, Trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng: Ý thức tự giác là quan trọng nhưng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để đảm bảo các đơn vị không vì mục tiêu lợi nhuận mà dễ dãi trong kiểm soát tiêu chuẩn phương tiện.
Theo quy định tại Nghị định 139/2018 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, thủ tục đầu tư trung tâm đăng kiểm khá thông thoáng, thuận lợi cho nhà đầu tư. Theo đó, chủ đầu tư được chủ động lựa chọn địa điểm xây dựng trung tâm đăng kiểm và không cần lập dự án đầu tư như trước. Trước khi xây dựng trung tâm, chủ đầu tư chỉ cần thông báo tới Cục Đăng kiểm Việt Nam về vị trí xây dựng và thời gian dự kiến hoàn thành.