Thứ bảy, 18/01/2025 | 20:16
RSS

So sánh 4 kỳ thi Đánh giá năng lực và Đánh giá tư duy áp dụng năm 2023

Chủ nhật, 01/01/2023, 08:02 (GMT+7)

Thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội và Đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội từ năm 2023 sẽ thế nào?

Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM 

TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo cho biết, kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM năm 2023 tiếp tục được phát triển theo hướng ổn định và bền vững. Cụ thể, đơn vị này tiếp tục giữ nguyên 17 địa điểm thi tại các tỉnh, thành phố như năm 2022 (TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ). Dự kiến, kỳ thi sẽ mở rộng thêm địa điểm thi tại tỉnh Lâm Đồng và một số tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long.


Thí sinh dự thi năm 2022. Ảnh: HUST

Về thời gian, năm 2023, kỳ thi này dự kiến tiếp tục tổ chức 2 đợt. Đợt 1 vào ngày Chủ nhật (26/3/2023) và đợt 2 vào ngày Chủ nhật (28/5/2023). Cổng đăng ký dự thi (đợt 1) sẽ được ĐH Quốc gia TP.HCM mở vào ngày 1/2/2023.

Bài thi được xây dựng dựa trên cách tiếp cận với các bài thi năng lực nổi tiếng trên thế giới như SAT (Scholastic Assessment Test) của Hoa kỳ và bài thi TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh.

Bài thi chú trọng kiểm tra các năng lực cơ bản của thí sinh như: Sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu và giải quyết vấn đề. Cấu trúc bài thi gồm 3 phần:

Phần 1: Ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Anh (40 câu)

Phần 2: Toán học, tư duy logic, phân tích số liệu (30 câu)

Phần 3: Giải quyết vấn đề (50 câu)

Về hình thức: Bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn trong thời gian làm bài là 150 phút. 

Thi Đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội

Để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 của Bộ GDĐT mới triển khai áp dụng từ năm 2022 và đảm bảo quyền lợi của học sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến điều chỉnh nội dung các phần thi của bài thi đánh giá tư duy theo hướng gọn nhẹ, xóa bỏ tư duy theo tổ hợp môn học. 

Theo đó, tổng thời gian của bài thi gồm 150 phút cho 3 nội dung thi gồm: Tư duy Toán học (60 phút), Tư duy Đọc hiểu (30 phút) và Tư duy Giải quyết vấn đề (60 phút) với hình thức thi là hoàn toàn Trắc nghiệm. Bài thi sẽ được tổ chức nhiều đợt thi trong năm, thí sinh dự thi sẽ được cấp Giấy chứng nhận kết quả thi và có thể sử dụng để xét tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước có nhu cầu. 

Kế hoạch tổ chức thi năm 2023: Sau khi thi xong, thí sinh sẽ được Đại học Bách khoa Hà Nội cấp Giấy chứng nhận về kết quả thi. Giấy chứng nhận có giá trị trong thời hạn 2 năm kể từ ngày cấp. Các cơ sở giáo dục đại học sẽ quyết định cách thức sử dụng kết quả của kỳ thi (xét tuyển trực tiếp, kết hợp, điều kiện...). Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ cung cấp dữ liệu kết quả thi cho các cơ sở giáo dục đại học để phục vụ cho công tác xét tuyển.

Dự kiến thời gian, địa điểm tổ chức kỳ thi năm 2023 thành 3 đợt:

Đợt 1: tháng 5/2023, tại Hà Nội

Đợt 2: tháng 6/2023, tại Hà Nội

Đợt 3: tháng 7/2023 (sau kỳ thi THPT), tại một số địa điểm (Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Đà Nẵng, Tuyên Quang, Thái Nguyên...)

Các khối ngành có thể sử dụng kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy để xét tuyển đại học năm 2023: Các khối ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ; kinh tế, tài chính, ngân hàng; thương mại, ngoại thương; công nghiệp, nông nghiệp; y, dược... 


Năm 2023 sẽ có thay đổi về nội dung bài thi. Ảnh: HUST

Thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội vừa phê duyệt Đề án tổ chức thi Đánh giá năng lực học sinh trung học phổ thông (HSA) áp dụng từ năm 2023.

Đề cương đề thi (bao gồm cấu trúc và dạng thức đề thi, phạm vi và tiêu chí đánh giá) phải được công bố cho thí sinh ít nhất 30 ngày trước khi thi. Thí sinh thực hiện bài thi trực tiếp trên máy tính. Bài thi chính thức có thể xuất hiện câu hỏi thử nghiệm không tính điểm thi với số lượng không vượt quá 4% tổng số câu hỏi của bài thi chính thức.

Thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến. Tài khoản đăng ký dự thi của thí sinh được duy trì 24 tháng kể từ thời điểm thí sinh hoàn thành thủ tục đăng ký dự thi. Thí sinh được đăng ký dự thi nhiều đợt trong năm nhưng thời gian giữa 2 đợt thi liên tiếp phải đủ tối thiểu là 28 ngày (bao gồm cả các ngày thi).

Khi đăng ký dự thi, thí sinh được quyền chọn đợt thi, điểm thi. Trong một số trường hợp đặc biệt, Giám đốc Trung tâm khảo thí có thể thay đổi ca thi và thông báo cho thí sinh.

Trung tâm khảo thí của Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến năm 2023 sẽ tổ chức các đợt thi từ tháng 3 đến tháng 6 với quy mô khoảng 100.000 lượt thi tại 8 tỉnh, thành phố trên cả nước như năm 2022, bao gồm Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa Nghệ An, Đà Nẵng, Hưng Yên.

Mỗi thí sinh sẽ được tham gia dự thi trực tuyến trên máy tính với 1 mã đề thi độc lập trong thời gian 195 phút. Đề thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội 2023 gồm có 3 phần (Tư duy định lượng, Tư duy định tính, Khoa học) với 150 câu hỏi trắc nghiệm (lựa chọn đáp án) khách quan và câu hỏi điền đáp án về các lĩnh vực Toán học, Văn học – Ngôn ngữ và Khoa học tự nhiên. 

Phần Tư duy định lượng gồm có 50 câu 

Phần Tư duy định tính gồm có 50 câu 

Phần Khoa học gồm có 50 câu   

Thi Đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm Hà Nội

Tại buổi Tọa đàm "Phương án tổ chức kỳ thi độc lập tuyển sinh đại học" diễn ra sáng 15/12, TS Trần Bá Trình – Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thông tin, theo dự thảo Đề án tổ chức kỳ thi độc lập đánh giá năng lực xét tuyển đại học hệ chính quy, kỳ thi được Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dự kiến tổ chức 1 hoặc 2 đợt hàng năm vào cuối tháng 4 và tháng 5 hàng năm.

Đối tượng thí sinh là sinh lớp 12 THPT hoặc đã tốt nghiệp THPT, có nguyện vọng: Đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo hệ chính quy của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo hệ chính quy của Trường đại học có sử dụng kết quả đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để xét tuyển.

Các môn thi gồm Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Đề thi gồm các câu hỏi trắc nghiệm, tự luận nhằm đánh giá năng lực học sinh ở mức độ thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao để xét tuyển đại học. Các câu hỏi có nội dung thuộc chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

Thí sinh có thể lựa chọn dự thi một số môn thi và sử dụng kết quả thi để đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo đại học hệ chính quy. Thí sinh sẽ thi tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Tào Nga
Theo Dân Việt