Thứ bảy, 18/01/2025 | 12:18
RSS

'Sờ mó' nơi công cộng: Nỗi ám ảnh của phụ nữ Nhật Bản

Thứ sáu, 19/07/2024, 07:05 (GMT+7)

"Chikan" - thuật ngữ chỉ hành vi chạm hoặc sờ mó không đồng thuận ở nơi công cộng, đặc biệt là trên những chuyến tàu đông đúc.

Một thực trạng đáng báo động vừa được phơi bày qua cuộc khảo sát của chính phủ Nhật Bản: cứ 10 thanh niên nước này, thì có một người từng là nạn nhân của nạn sờ mó nơi công cộng, mà phần lớn trong số đó là phụ nữ. Con số này gióng lên hồi chuông cảnh báo về một loại tội phạm thường bị bỏ qua, vốn đã đeo bám xã hội Nhật từ lâu bất chấp những nỗ lực ngăn chặn của chính quyền.
 
"Chikan" - thuật ngữ chỉ hành vi chạm hoặc sờ mó không đồng thuận ở nơi công cộng, đặc biệt là trên những chuyến tàu đông đúc - không còn là chuyện hiếm ở Nhật Bản Với mạng lưới đường sắt rộng khắp, mỗi ngày có hàng triệu hành khách di chuyển bằng tàu, và tình trạng chen chúc vào giờ cao điểm đã vô tình tạo điều kiện cho những kẻ xấu thực hiện hành vi đồi bại này.
 
"Sờ mó" nơi công cộng: Nỗi ám ảnh của phụ nữ Nhật Bản

'Sờ mó' nơi công cộng: Nỗi ám ảnh của phụ nữ Nhật Bản

"Chikan" - thuật ngữ chỉ hành vi chạm hoặc sờ mó không đồng thuận ở nơi công cộng, đặc biệt là trên những chuyến tàu đông đúc. Ảnh: JPTimes.
 
Cuộc khảo sát toàn quốc do Văn phòng Nội các thực hiện vào tháng Hai vừa qua đã vẽ nên bức tranh đáng buồn về thực trạng này. Trong số hơn 36.000 người được hỏi, có tới 10,5% thừa nhận từng là nạn nhân của nạn sờ mó hoặc các hành vi khiếm nhã khác. Đáng chú ý, gần 90% nạn nhân là phụ nữ, và phần lớn các vụ việc xảy ra trên tàu vào giờ cao điểm sáng và chiều.
 
Nhiều nạn nhân cho biết họ đã bị sờ mó nhiều lần, thậm chí có người còn bị tấn công "gần như hàng ngày" khi còn đi học. Một nạn nhân chia sẻ trong cuộc khảo sát: "Không hiểu sao giờ đây khi nhớ lại chuyện đó, tôi lại khóc nhiều hơn lúc nó xảy ra".
 
Từ đầu thế kỷ 21, chính quyền Nhật Bản đã bắt đầu triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn nạn chikan, như bố trí các toa tàu chỉ dành cho phụ nữ ở các thành phố lớn như Tokyo, lắp đặt thêm camera giám sát trên tàu và tại các nhà ga, tăng cường tuần tra của cảnh sát giao thông... Gần đây, nhiều giải pháp sáng tạo hơn cũng được áp dụng, như bán tem "chống sờ mó" để đánh dấu kẻ tấn công bằng mực vô hình, hay ứng dụng di động giúp người dùng báo cáo các vụ việc sờ mó.
 
Tuy nhiên, những nỗ lực này dường như vẫn chưa đủ. Nhiều người tham gia khảo sát kêu gọi chính quyền cần có những hành động mạnh mẽ hơn, như tăng cường giáo dục cộng đồng, hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân, và có các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với những kẻ phạm tội.
 
Thống kê của cảnh sát cho thấy gần 2.000 người đã bị bắt giữ vì nghi ngờ thực hiện hành vi chikan trong năm 2023. Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều, bởi phần lớn nạn nhân không trình báo sự việc với cơ quan chức năng. Có người không nhận thức được mức độ nghiêm trọng của hành vi quấy rối, có người lại cho rằng việc báo cáo là không cần thiết vì thủ phạm thường chỉ bị xử phạt nhẹ.
 
Jeffrey Hall, một giảng viên nghiên cứu Nhật Bản tại Đại học Nghiên cứu quốc tế Kanda, nhận định rằng kết quả khảo sát có vẻ "thấp đến ngạc nhiên", bởi thực tế cho thấy nạn sờ mó nơi công cộng rất phổ biến ở Nhật Bản. Theo ông, nhiều nạn nhân không dám báo cáo vì sợ ảnh hưởng đến công việc, học tập, hoặc do quy trình xử lý của cảnh sát quá rườm rà.
 
Vấn nạn sờ mó nơi công cộng đang là một vết nhơ trong xã hội Nhật Bản, gây ra nỗi ám ảnh âm ỉ cho không ít phụ nữ. Để giải quyết triệt để vấn đề này, cần có sự chung tay của cả cộng đồng và chính quyền, từ việc nâng cao nhận thức, đến việc xây dựng một môi trường an toàn hơn cho phụ nữ, và đặc biệt là áp dụng những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với những kẻ xâm hại.
Trọng Hà (Theo CNN)
Theo Báo Dân Việt