Thứ năm, 21/11/2024 | 21:37
RSS

Số ca mắc Covid-19 ở Mỹ, Brazil cao kỷ lục

Thứ sáu, 03/07/2020, 08:15 (GMT+7)

Về số ca tử vong, Brazil đứng đầu thế giới với 1.171 ca tử vong trong 24 giờ qua, tiếp đó là Mexico với 741 ca, Mỹ với 615 ca và Ấn Độ với 377 ca.

Sự kiện:
Covid-19

Số ca mắc Covid-19 ở Mỹ, Brazil cao kỷ lục
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm covid-19 cho người dân tại thành phố Miami, bang Florida, Mỹ ngày 16/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 6 giờ sáng 3/7 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trên thế giới đã là gần 11 triệu người, trong đó gần 523.000 người tử vong. WHO cảnh báo rằng dịch bệnh lây lan với tốc độ nhanh chóng tại nhiều nước.

Trong 24 giờ qua (tính tới 6 giờ sáng 3/7 - giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 195.540 ca mắc Covid-19 và 4.930 ca tử vong. Đa số ca mắc mới được ghi nhận tại Mỹ (50.492 ca), Brazil (43.489 ca) và Ấn Độ (21.948 ca). Đây là ba nước có số ca mắc thuộc hàng cao nhất thế giới.

Về số ca tử vong, Brazil đứng đầu thế giới với 1.171 ca tử vong trong 24 giờ qua, tiếp đó là Mexico với 741 ca, Mỹ với 615 ca và Ấn Độ với 377 ca. Xét về tổng số người chết vì Covid-19, Mỹ vẫn đứng đầu thế giới.

Trong bối cảnh Mỹ ngày 1/7 ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ cao chưa từng có: trên 52.000 ca, nhiều địa phương của nước này đã tăng cường các biện pháp ứng phó với dịch bệnh. 

Chính quyền bang California đã công bố một số biện pháp mới ứng phó với dịch bệnh Covid-19, theo đó cấm các hoạt động trong nhà tại các nhà hàng, rạp chiếu phim, viện bảo tàng và một số cơ sở khác tại 19 hạt trong vòng 3 tuần. Quy định này ảnh hưởng đến sinh hoạt của 70% dân số của bang California. Bang này cũng quyết định đóng cửa tất cả các bãi biển, tương tự bang Florida.

Các biện pháp trên có thể ảnh hưởng đến các sự kiện mừng Quốc khánh Mỹ (4/7). Nhiều thị trấn, thành phố trên khắp nước Mỹ cũng đã quyết định hủy các chương trình diễu hành truyền thống và bắn pháo hoa, tránh tụ tập đông người nhằm ngặn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh. 

Tại thành phố New York, Thị trưởng Bill De Blasio đã quyết định tạm hoãn kế hoạch mở cửa trở lại các nhà hàng dự kiến được thực hiện vào tuần tới. Ông khẳng định chưa đến lúc mở cửa lại dịch vụ này. 

Theo kế hoạch, thành phố New York bước vào giai đoạn 3 mở cửa vào ngày 29/6, tuy nhiên, giới chức thành phố đã tạm hoãn do lo ngại sự gia tăng các ca nhiễm mới ở nhiều địa phương khác có thể làm phức tạp tình hình dịch bệnh tại New York. 

Hiện các bang New York, New Jersey và Connecticut áp dụng quy định cách ly 14 ngày đối với người đến từ 16 bang chủ yếu ở phía Nam và Tây Nam nước Mỹ. Người vi phạm quy định này sẽ bị xử phạt 2.000 USD cho lần đầu vi phạm và 5.000 USD cho lần vi phạm thứ 2, cùng với việc phải tự chi trả các chi phí trong thời gian cách ly. 

Dịch bệnh Covid-19 đang lây lan mạnh tại các khu vực miền Nam nước Mỹ, trong đó các điểm nóng là các bang Texas, Florida và Arizona. Trước đó, ngày 30/6, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, Anthony Fauci cảnh báo số ca nhiễm trong ngày tại Mỹ có thể tăng gấp đôi lên 100.000 ca nếu nhà chức trách và người dân nước này không thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh. 

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đưa ra những con số thống kê trên trong bài phát biểu tại Geneva, Thụy Sĩ cảnh báo về tình trạng lây lan mạnh của dịch Covid-19 hiện nay.

Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh cách tốt nhất để kiềm chế dịch bệnh là thực hiện xử lý toàn diện, theo đó phát hiện, cách ly, xét nghiệm và chăm sóc từng ca bệnh; truy vết và cách ly tất cả những người có tiếp xúc người nghi ngờ nhiễm; trang bị phương tiện và đào tạo lực lượng nhân viên y tế; giáo dục khuyến nghị người dân tự bảo vệ mình và bảo vệ người khác. 

Theo ông Tedros, cần phải thực hiện đồng bộ các biện pháp này để ngăn chặn sự lây lan của virus. Ông khẳng định những nước triển khai rộng rãi các biện pháp này đã khống chế được dịch bệnh và cứu sống được nhiều người. 

Ông Tedros cho biết trong tuần này, trên 1.000 nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới sẽ tham gia thảo luận một loạt nghiên cứu về Covid-19, bao gồm nghiên cứu phát triển vaccine phòng bệnh và phương thức chữa trị cho bệnh nhân Covid-19.

Liên quan tới thuốc chữa Covid-19, quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RFPI) và Tập đoàn “ChemRar” đã bắt đầu xuất khẩu ra nước ngoài thuốc điều trị Covid-19 với tên gọi Avifavir. Cuối tháng 5 vừa qua, thuốc Avifavir đã chứng minh tính hiệu quả trong các thử nghiệm lâm sàng, được cấp giấy chứng nhận đăng ký của Bộ Y tế Nga và trở thành loại thuốc đầu tiên trên thế giới chữa Covid-19 có chứa hoạt chất favipiravir. 

Kim Hảo (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN