Chủ nhật, 28/04/2024 | 16:10
RSS

Số bệnh nhi khám đau mắt đỏ tăng 10 lần: Sở Y tế TPHCM đưa nhiều giải pháp

Chủ nhật, 17/09/2023, 12:11 (GMT+7)

Những ngày gần đây số lượt trẻ đến bệnh viện khám vì đau mắt đỏ tăng 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Sở Y tế TPHCM đã đưa ra nhiều giải pháp để ngăn chặn bệnh bùng phát trong trường học.

Số bệnh nhi khám đau mắt đỏ tăng 10 lần: Sở Y tế TPHCM đưa nhiều giải pháp

Số bệnh nhi khám đau mắt đỏ tăng 10 lần: Sở Y tế TPHCM đưa nhiều giải pháp. Ảnh: dantri.com.vn

Báo Dân trí thông tin, trong vài ngày qua, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) tiếp đón khoảng 200 lượt trẻ/ngày đến khám vì đau mắt đỏ, tăng gấp 10 lần lượt khám so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây cũng là vấn đề mà các bậc phụ huynh đang quan tâm và lo ngại cho con mình, trước tình hình bệnh lý đau mắt đỏ tăng lên và lây nhanh trong trường học, gia đình.

Đại diện Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, đau mắt đỏ (hay viêm kết mạc) là tình trạng viêm cấp tính của lớp kết mạc nhãn cầu và kết mạc mi mắt. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường xuất hiện vào mùa hè và mùa thu.

Nguyên nhân gây bệnh có thể do vi khuẩn, virus hoặc dị ứng. Trong đó, nguyên nhân thường gặp nhất là do Enterovirus.

Các dấu hiệu của bệnh bao gồm: Mắt đỏ, đổ ghèn nhiều, chảy nước mắt, sưng nề mi mắt, có cảm giác cộm xốn, đau mắt hoặc ngứa mắt, có thể kèm theo triệu chứng toàn thân như nổi hạch, sốt.

Thời gian kéo dài của bệnh có thể từ 7-14 ngày, tùy tình trạng bệnh và đáp ứng điều trị.

Để phòng trường hợp dịch đau mắt đỏ bùng phát đặc biệt là ở các trường học, báo sức khỏeđời sống cho biết, Sở Y tế TPHCM đã triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa. Cụ thể,

*Tăng cường truyền thông hướng dẫn người dân, giáo viên, phụ huynh học sinh về các dấu hiệu bệnh viêm kết mạc, khuyến cáo phòng ngừa lây lan, phân biệt với các bệnh lý về mắt khác, hướng dẫn chăm sóc tại nhà với các trường hợp nhẹ và dấu hiệu chuyển nặng cần nhập viện.

*Sở Y tế cũng đã có văn bản gửi Sở GD-ĐT và Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp, Ban Quản lý khu công nghệ cao về chủ động tăng cường các hoạt động phòng bệnh viêm kết mạc.

*Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tư vấn kỹ cho người bệnh và người nhà bệnh nhân về các dấu hiệu chuyển nặng cần phải nhập viện và ghi rõ trong toa thuốc ngoại trú, báo cáo theo quy định.

*Sở cũng đã chỉ đạo Bệnh viện Mắt và HCDC phối hợp OUCRU thực hiện nghiên cứu để tìm và xác định chính xác tác nhân gây bệnh viêm kết mạc.

Nhung Nguyễn (t/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại