Thứ bảy, 27/04/2024 | 23:29
RSS

Số trẻ em bị đau mắt đỏ tăng mạnh, TP.HCM truy tìm nguyên nhân

Thứ tư, 06/09/2023, 16:25 (GMT+7)

Số ca đau mắt đỏ tại TP.HCM đang có xu hướng tăng, đặc biệt tập trung khoảng 1/3 số người mắc là đối tượng trẻ em trong độ tuổi đi học. TP.HCM truy tìm nguyên nhân.

ố trẻ em bị đau mắt đỏ tăng mạnh, TP.HCM truy tìm nguyên nhân

Số trẻ em bị đau mắt đỏ tăng mạnh, TP.HCM truy tìm nguyên nhân. Ảnh minh họa

Ngày 6/9, báo Tuổi trẻ thông tin, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã chỉ đạo Bệnh viện Mắt TP, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) phối hợp với Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford (OUCRU) khẩn trương nghiên cứu tìm chính xác tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc) đang có xu hướng gia tăng trên địa bàn TP.

Đau mắt đỏ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó đáng lo ngại nhất là do vi rút vì có thể lây lan trong cộng đồng.

Theo báo cáo nhanh của các bệnh viện ở TP.HCM, số ca đau mắt đỏ từ đầu năm đến nay là 71.740. Đáng lưu ý, số ca mắc trong những ngày gần đây có xu hướng tăng. Trong đó có khoảng 1/3 trường hợp là trẻ em ở tuổi đi học, số còn lại là người lớn.

Theo báo cáo của Bệnh viện Mắt TP.HCM, đáng lo ngại là số trường hợp viêm kết - giác mạc (một dạng lâm sàng nặng của bệnh đau mắt đỏ) đã được phát hiện trong thời gian gần đây, tuy chưa phổ biến.

Để phòng chống dịch bệnh đau mắt đỏ, báo Dân trí thông tin hướng dẫn của Sở Y tế TPHCM cho biết sẽ triển khai nhiều giải pháp:

Thứ nhất, tăng cường truyền thông hướng dẫn người dân, giáo viên, phụ huynh học sinh về các dấu hiệu bệnh; khuyến cáo phòng ngừa lây lan, phân biệt với các bệnh lý về mắt khác; hướng dẫn chăm sóc tại nhà với các trường hợp nhẹ và các dấu hiệu chuyển nặng cần nhập viện.

Thứ hai, yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục triển khai hiệu quả công tác tiếp nhận và điều trị bệnh đau mắt đỏ. Trong đó, đặc biệt lưu ý dặn dò, tư vấn kỹ người bệnh và người thân về các dấu hiệu chuyển nặng, cần phải nhập viện và ghi rõ trong toa thuốc ngoại trú.

Thứ ba, yêu cầu các cơ sở y tế báo cáo nhanh khi có tình hình bệnh có diễn biến bất thường. Các đơn vị phải sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự, vật tư, thuốc điều trị và kế hoạch ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra.

Nhung Nguyễn (t/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại