Thứ tư, 24/04/2024 | 14:55
RSS

Vì sao lại đau mắt đỏ, điều trị thế nào?

Thứ hai, 23/11/2020, 13:03 (GMT+7)

Đau mắt đỏ (viêm kết mạc) là bệnh lý thường gặp của mắt. Bệnh thường dễ lây lan và tạo thành dịch nếu không được điều trị và phòng ngừa đúng cách.

Nguyên nhân bệnh đau mắt đỏ

Vì sao lại đau mắt đỏ, điều trị thế nào

Nguyên nhân đau mắt đỏ (Ảnh minh họa)

4 nguyên nhân thường gặp nhất của đau mắt đỏ (viêm kết mạc):

- Nhiễm trùng (virus hoặc vi khuẩn)

- Dị ứng

- Kích ứng do các tác nhân trong môi trường

- Đeo kính áp tròng, đặc biệt là kính áp tròng một tuần (loại kính có thể đeo liên tục trong 7 ngày thay vì phải tháo bỏ trước khi ngủ).

Nhiễm siêu vi là nguyên nhân thường gặp của viêm kết mạc. Loại virus gây đỏ mắt và chảy nước mắt này cũng gây đau họng và chảy nước mũi ở bệnh cảm cúm thông thường. Những triệu chứng của viêm kết mạc do siêu vi có thể kéo dài từ vài ngày đến 2 tuần và sau đó sẽ tự khỏi. Tuy nhiên có thể làm giảm sự khó chịu ở mắt bằng cách chườm mát. Thuốc nhỏ mắt kháng sinh không giúp chữa khỏi viêm kết mạc do siêu vi.

Nhiễm trùng như nhiễm tụ cầu khuẩn (Staphylococcus) hay liên cầu khuẩn (Streptococcus), sẽ gây mắt đỏ với nhiều ghèn mủ. Mi mắt thường bị dính chặt khi thức dậy. Một số ít viêm kết mạc nhiễm trùng có ít hoặc không có dịch tiết trừ một ít ghèn khô dính trên mi mắt vào buổi sáng. Thuốc nhỏ mắt kháng sinh thường được chỉ định vì thuốc giúp bệnh mau khỏi và giảm lây lan.

Dị ứng: Thông thường rất khó để xác định được nguyên nhân gây ra dị ứng, có thể là do lông vật nuôi, thuốc, phấn hóa, bụi,.... Các triệu chứng của bệnh thường là ngứa và chảy nước mắt ở cả 2 mắt, có thể kèm theo viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên, đau mắt đỏ do dị ứng thì không có khả năng lây lan. 

Các chất kích ứng từ môi trường như là khói hay mùi hương cũng có thể gây viêm kết mạc. Những triệu chứng bao gồm mắt nóng rát, kích thích, không chảy nước mắt hoặc dịch tiết.

Điều trị đau mắt đỏ

Vì sao lại đau mắt đỏ, điều trị thế nào

Cách điều trị đau mắt đỏ (Ảnh minh họa)

Đau mắt đỏ được điều trị tùy theo tác nhân gây bệnh. Bác sĩ có thể sẽ lấy mẫu bệnh phẩm đem xét nghiệm để xác định mắt đỏ do vi khuẩn hay virus.

Điều trị viêm kết mạc do dị ứng

Việc điều trị thường bao gồm chườm mát lên mắt, nhỏ thuốc chống dị ứng và nước mắt nhân tạo đã được làm mát trong tủ lạnh.

Điều trị đau mắt đỏ do virus

Với viêm kết mạc do virus, các triệu chứng có thể sẽ kéo dài từ một đến hai tuần và sau đó thường sẽ tự hết. Có thể làm giảm sự khó chịu ở mắt bằng cách chườm mát mắt và nhỏ nước mắt nhân tạo. Đây là cách điều trị điển hình duy nhất thật sự cần thiết. Trong những trường hợp nặng, thuốc nhỏ mắt có chứa chất kháng viêm sẽ giúp cải thiện triệu chứng nhưng chỉ được sử dụng dưới sự kê toa của bác sĩ nhãn khoa.

Điều trị đau mắt đỏ do vi khuẩn

Với viêm kết mạc do vi khuẩn, bác sĩ thường kê toa thuốc nhỏ mắt có chứa chất kháng sinh để điều trị nhiễm trùng. Đôi khi cũng rất khó phân biệt giữa viêm kết mạc do vi khuẩn và virus, và những trường hợp này thường sẽ được chỉ định dùng thuốc nhỏ mắt có kháng sinh.

Cách phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ

Giữ gìn vệ sinh tốt có thể phòng ngừa lây lan bệnh đau mắt đỏ:

Rửa tay thường xuyên

Không chạm tay lên mắt

Không dùng khăn tắm, khăn mặt, khăn tay và khăn giấy đã qua sử dụng để lau mặt và mắt.

Thay vỏ áo gối thường xuyên

Thay mới những Mỹ phẩm dành cho mắt và không sử dụng chúng chung với người khác

Luôn vệ sinh kính áp tròng của bạn đúng cách. Trong trường hợp bạn sử dụng loại kính áp tròng dùng một lần rồi bỏ, hãy làm theo hướng dẫn trên hộp kính và bỏ kính đúng thời hạn.

Hoàng Ly
Theo GĐVN