Thứ sáu, 22/11/2024 | 10:54
RSS

Ghi nhận nhiều trẻ đau mắt đỏ, nguy cơ bùng phát dịch cao mùa tựu trường

Thứ ba, 05/09/2023, 16:16 (GMT+7)

Vào mùa tựu trường, các bệnh viện ở TP.HCM, Hà Nội ghi nhận nhiều trẻ đau mắt đỏ. Các bác sĩ cảnh báo bệnh có thể lây lan thành dịch, nhất là mùa tựu trường.

Chia sẻ với báo Tuổi Trẻ Online sáng ngày 5/9, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) - cho biết thời gian gần đây bệnh viện tiếp nhận một số trẻ (trong độ tuổi đi học) ở miền Tây đến bệnh viện thăm khám vì bị đau mắt đỏ.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bác sĩ Nguyễn Đình Trung Chính - chuyên khoa mắt, khoa liên chuyên khoa - cho biết mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 50-70 ca bệnh đau mắt đỏ đến khám, trong đó trẻ ở độ tuổi đi học chiếm đa số.

Các bác sĩ cảnh báo bệnh có thể lây lan thành dịch, nhất là mùa tựu trường khi trẻ giao lưu, tiếp xúc với bạn bè nhiều hơn nhưng không cách ly, điều trị trẻ bệnh kịp thời.

Ghi nhận nhiều trẻ đau mắt đỏ, nguy cơ bùng phát dịch cao mùa tựu trường

Trẻ tập trung quay lại trường đi học sau thời gian nghỉ hè là điều kiện thuận lợi khiến bệnh đau mắt đỏ ở trẻ lây lan nhanh hơn nếu không biết cách phòng bệnh - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Tương tự, báo VnExpress thông tin, tại Hà Nội 4 tuần vừa qua, các cơ sở y tế chuyên khoa mắt và Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận số ca đến khám vì đau mắt đỏ tăng đôi so với cùng kỳ. PGS.TS Lê Xuân Cung, Trưởng khoa Giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương nhận định hiện thủ đô và một số tỉnh lân cận xuất hiện dịch viêm kết mạc cấp.

Ghi nhận nhiều trẻ đau mắt đỏ, nguy cơ bùng phát dịch cao mùa tựu trường

Trẻ khám đau mắt đỏ tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: Nguyễn Tâm

Chia sẻ trên báo VnExpress, bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Tuyết, chuyên khoa Mắt, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết bệnh viêm kết mạc ở trẻ thường xảy ra vào thời điểm chuyển giao mùa, do thay đổi thời tiết virus và vi khuẩn gây bệnh. Bệnh lây lan nhiều hơn, nguy cơ bùng thành dịch, khi các trường học đồng loạt bắt đầu năm học mới.

Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh chủ động phòng ngừa cho trẻ bằng cách hướng dẫn trẻ hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay. Sử dụng nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) để rửa mắt khi đi bên ngoài về.

Khi có dấu hiệu của bệnh cần đến cơ sở y tế để sớm được thăm khám. Người mắc bệnh tránh tiếp xúc trực tiếp, gần gũi với mọi người xung quanh, đeo khẩu trang khi nói chuyện và hạn chế đến nơi đông người. Luôn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nhất là hai bàn tay, dùng riêng khăn, chậu rửa, kính mắt, vỏ gối. Khi khỏi bệnh, phải rửa sạch kính của mình bằng xà phòng tránh tái nhiễm trở lại.

Thúy Vũ (Tổng hợp)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại