Ảnh minh hoạ
Thông tin trên Báo Thanh niên ngày 22/11 cho biết, Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh Khánh Hòa cũng vừa có văn bản gửi Sở GD&ĐT yêu cầu chỉ đạo các trường học tăng cường giám sát việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong hoạt động chế biến thực phẩm tại bếp ăn tập thể, hoặc tại các cơ sở hợp đồng cung cấp suất ăn sẵn; tuyệt đối không được hợp đồng với các cơ sở chưa đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm để chế biến, cung cấp thức ăn cho nhà trường.
Người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm phải đội mũ, đeo khẩu trang; cắt ngắn móng tay, sử dụng găng tay dùng 1 lần khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay; tuyệt đối không tham gia chế biến thực phẩm khi bị mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, lao phổi, tiêu chảy cấp, viêm da nhiễm trùng (vết thương trên cơ thể có biểu hiện mưng mủ đặc biệt vết thương trên tay).
Thực hiện ăn chín, uống chín, ăn ngay sau khi chế biến (không quá 2 giờ sau khi chế biến nếu bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ phòng). Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu thực phẩm; nên sử dụng nguồn thực phẩm tươi sống, hạn chế cho trẻ sử dụng các thực phẩm đông lạnh, thực phẩm đóng gói sẵn.
Xây dựng kế hoạch, phương án phối hợp với ngành y tế và các cơ quan chức năng xử lý khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra, hạn chế sự ảnh hưởng đến việc giảng dạy và học tập tại nhà trường hoặc hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty.
Học sinh Trường Ischool Nha Trang nhập viện do ngộ độc thực phẩm. Ảnh: Báo Giao thông
Liên quan đến việc này, theo Báo VietNamNet, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, UBND tỉnh cũng vừa có chỉ đạo Sở GD&ĐT tổ chức các đoàn kiểm tra các bếp ăn tập thể tại các trường mầm non, tiểu học, trường có tổ chức bán trú, nhất là các trường tư thục, trường quốc tế đồng thời nhấn mạnh kiên quyết đình chỉ hoạt động bếp ăn bán trú không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Các đơn vị phải kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu thực phẩm; xây dựng kế hoạch, phương án phối hợp với ngành y tế và các cơ quan chức năng xử lý khi xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Bên cạnh đó, UBND cũng chỉ đạo Sở GD&ĐT theo dõi, hỗ trợ, chỉ đạo Trường Ischool Nha Trang sớm ổn định công tác dạy và học cho học sinh, đảm bảo đúng kế hoạch học tập sau vụ hàng trăm học sinh trường này bị ngộ độc thực phẩm.
Sở GD&ĐT phải chỉ đạo trường phối hợp với đơn vị liên quan xác minh nguyên nhân sự việc, tìm nhà cung cấp suất ăn uy tín phục vụ bán trú. Các trường học tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo an toàn trong hoạt động chế biến thực phẩm tại bếp ăn tập thể; không được hợp đồng với các cơ sở chưa đủ điều kiện để chế biến, cung cấp thức ăn.
Chiều 22/11, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ra thông cáo báo chí về vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường iSchool Nha Trang (phường Xương Huân, thành phố Nha Trang). Theo đó, hôm 17/11, Trường iSchool Nha Trang tổ chức bữa ăn trưa cho học sinh bán trú, gồm các món: Cơm gà, sốt trứng; gỏi gà (gà xé, cà rốt, bắp sú, rau răm), cánh gà chiên, canh (xương, cà rốt, cải thảo), dưa leo. Bữa ăn lúc 13 giờ 30 với bánh ngọt, uống nước tại hệ thống lọc nước của trường. Nhiều giờ sau, hàng loạt em có triệu chứng đau bụng, khó chịu, tiêu chảy nhiều lần. Đến khoảng 22 giờ, các em xuất hiện thêm triệu chứng sốt, buồn nôn, nôn, được người nhà đưa đến các bệnh viện trong thành phố cấp cứu, điều trị. Về tình hình sức khỏe của học sinh trong vụ ngộ độc, tính đến 11 giờ ngày 22/11, các đơn vị y tế đã tiếp nhận, xử trí 662 ca ngộ độc thực phẩm, trong đó có 388 ca phải điều trị nội trú. Đến nay, còn 137 ca đang điều trị và ghi nhận một ca tử vong. Về nguyên nhân khiến các học sinh nhập viện, kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang đã phát hiện 3 loại vi khuẩn: Salmonella spp, Escherichia coli, Bacillus cereus trong mẫu cánh gà chiên. Đồng thời, trong mẫu nước mắm cũng phát hiện vi khuẩn Bacillus cereus. |