Tối 21/11, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục
Theo Bộ GD&ĐT, thời gian vừa qua, công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục đã được các địa phương quan tâm và kịp thời chỉ đạo, tạo sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tại một số cơ sở giáo dục vẫn xảy ra tình trạng không bảo đảm an toàn thực phẩm khi tổ chức bữa ăn học đường cho trẻ em và học sinh, sinh viên (người học) gây hậu quả nghiêm trọng.
Do đó, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các sở GD&ĐT, sở y tế…, các cơ quan liên quan tại địa phương hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Việc này nhằm bảo đảm sức khỏe tính mạng cho người học khi tổ chức bữa ăn học đường.
Ảnh minh hoạ
Cụ thể, Bộ GD&ĐT yêu cầu kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định. Sử dụng thực phẩm đã được nấu chín và nước đã được đun sôi. Nghiêm cấm không để các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác y tế, vệ sinh môi trường trường học để phòng, chống và ngăn chặn các bệnh lây truyền do nguồn nước không bảo đảm; huy động đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên tham gia vệ sinh khuôn viên sân trường, khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải xung quanh sân trường, vệ sinh khử khuẩn lớp học. Lập kế hoạch duy trì các hoạt động bảo hành, bảo dưỡng các công trình nước sạch, vệ sinh trong các cơ sở giáo dục.
Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương trong việc giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với độ tuổi, thể trạng của trẻ em, học sinh và điều kiện của gia đình trẻ em, học sinh để nâng cao sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh và các bệnh không lây nhiễm.
Ngoài ra, tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành Giáo dục - Y tế, huy động sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, an toàn thực phẩm, vệ sinh trường học tại các cơ sở giáo dục; phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh trong trường học nhằm bảo đảm sức khỏe cho trẻ em, học sinh.
Các em học sinh trường iSchool Nha Trang nhập viện cấp cứu nghi bị ngộ độc thực phẩm. Ảnh: Báo Thanh niên
Trước đó, như báo chí đã đưa tin, theo Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa, ngày 17/11, trường iSchool Nha Trang tổ chức bữa ăn trưa cho 880 học sinh được chia làm 2 suất lúc 10 giờ 30 phút và 11 giờ 30 phút; bữa ăn xế lúc 13 giờ 30 phút. Khoảng 5 giờ sau khi ăn (vào lúc 16g30 – 17g ngày 17/11), một số em xuất hiện các triệu chứng đau bụng, khó chịu, tiêu chảy nhiều lần. Đến khoảng 22 giờ ngày 17/11, xuất hiện thêm triệu chứng sốt, buồn nôn, nôn. Đến 22 giờ 30 phút ngày 17/11, các em được người nhà đưa đi nhập viện tại các bệnh viện trong TP.
Tính đến 11 giờ ngày 20/11, Sở Y tế báo cáo các bệnh viện đã tiếp nhận 600 học sinh Trường Ischool Nha Trang nghibị ngộ độc thực phẩm. Trong đó đã xử trí ổn định cho về theo dõi 240 trường hợp; 360 học sinh phải nhập viện điều trị nội trú, đã xuất viện 93 em. Hiện đang điều trị 266 học sinh. Một học sinh lớp 1 Trường Ischool Nha Trang đã tử vong.
Sự việc trên đã gây xôn xao dư luận, tạo tâm lý lo lắng cho các bậc phụ huynh và học sinh trong những ngày gần đây.