Chủ nhật, 19/01/2025 | 06:08
RSS

Phẫu thuật nâng ngực, một phụ nữ gặp biến chứng đọng dịch, bao xơ

Thứ tư, 09/08/2017, 14:41 (GMT+7)

Một bệnh nhân phẫu thuật nâng ngực, nhưng sau đó ngực co cứng và biến dạng. Bệnh nhân đã phải phẫu thuật hai lần tiếp theo để tháo túi nâng ngực trước đây và xử lý tình trạng bao xơ, đọng dịch ở hai bên bầu ngực.

Theo GS.TS Trần Thiết Sơn, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, người phụ nữ nói trên là K.T.H, 45 tuổi, đã phẫu thuật nâng ngực cách đây hơn 1 năm.

Biến dạng "gò bồng đảo" sau phẫu thuật nâng ngực

Khi tìm đến các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, chị cho biết mình đã phẫu thuật nâng ngực ở một thẩm Mỹ viện tại Hà Nội Bác sĩ đã đặt túi tròn trơn theo đường quầng vú và đặt trước cơ để chị có khuôn ngực đầy đặn hơn.

Tuy nhiên, sau phẫu thuật 6 tháng, chị thấy ngực co cứng, hai bên dần biến dạng. Chị đã phải phẫu thuật để mổ tháo túi nâng ngực. Tưởng tháo túi nâng ngực ra là xong. Ai ngờ sau tháo túi một tháng, hai ngực của chị vẫn dần to căng, đau tức khó chịu. Lần này, chị phải vào bệnh viện để kiểm tra lại.

Phẫu thuật nâng ngực

Như bất kỳ phẫu thuật nào khác, phẫu thuật nâng ngực cũng có một tỷ lệ biến chứng. Ảnh minh họa: Internet

Kết quả siêu âm cho thấy: có tình trạng đọng dịch ở cả hai ngực kích thước 24x80mm. Bệnh nhân đã được phẫu thuật để “xả” dịch và máu tụ. Bác sĩ cũng phát hiện cả hai bên ngực bệnh nhân có bao xơ dày 4mm; khoảng 150ml dịch màu đỏ và máu tụ được chứa trong lòng bao xơ này.

Hình thành bao xơ là một biến chứng không mong muốn sau khi đặt túi độn ngực

GS.TS Trần Thiết Sơn cho biết: Bệnh nhân trên đã gặp phải biến chứng khi phẫu thuật viên không bóc bỏ bao xơ và không cầm máu kỹ khi rạch bao xơ. Cách xử trí tốt nhất ở các trường hợp này là lấy bỏ bao xơ, cầm máu kỹ, đặt lại túi độn nhám sau cơ ngực để tránh tái phát bao xơ.

Theo GS Sơn, hình thành bao xơ là một biến chứng không mong muốn sau khi đặt túi độn ngực. Nguyên nhân tạo bao xơ do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan.

Phau thuat nang nguc

Nhiều chị em rất phiền lòng khi vòng một nhỏ nên chọn cách phẫu thuật nâng ngực. Ảnh minh họa​

Nguyên tắc xử lý bao xơ bao gồm bỏ túi độn và loại bỏ bao xơ. Tuy nhiên, nhiều phẫu thuật viên chỉ thực hiện bước thứ nhất là loại bỏ túi, trong khi vẫn để lại bao xơ. Họ thực hiện thủ thuật này thông qua gây tê tại chỗ, với hy vọng bao xơ sẽ tự tiêu sau một thời gian. 

Có một nhược điểm của phương pháp gây tê tại chỗ là khiến việc cầm máu cho bệnh nhân sau khi lấy bỏ túi độn ngực trở nên khó khăn. Do bao xơ có rất nhiều mạch máu nên việc chảy máu có thể xảy ra tại đường rạch bao xơ và đọng lại trong bao xơ. Biến chứng chảy máu sau khi lấy túi độn tuy hiếm gặp nhưng khi xảy ra sẽ dẫn tới tiên lượng không tốt cho bệnh nhân.

Giữ dáng bầu ngực sau sinh, mẹ nhất quyết phải biết 5 điều này. Nguồn: Mẹo vặt sức khỏe

 

Diệp Lâm
Theo Đời sống Plus/GĐVN