Những ngày gần đây, cư dân mạng đang vô cùng xôn xao trước vụ tai nạn bỏng nước chè khiến một trẻ phải chịu những thương tật nặng nề, phần dưới cơ thể bị lột da nghiêm trọng và có thể để lại di chứng sau này. Chia sẻ về sự việc, người mẹ của trẻ bị bỏng cho biết, đến giờ vụ tai nạn vẫn khiến chị bị ám ảnh.
Theo lời bà mẹ này, con chị bị bỏng nước chè và đã phải điều trị suốt 2 tháng nay. Đi kèm câu chuyện thương tâm và những băn khoăn, lo lắng của mình, người mẹ đăng kèm hình ảnh con mình với làn da bị nước chè sôi hủy hoại.
Ngay sau khi xuất hiện trên mạng xã hội câu chuyện về vụ tai nạn bỏng của trẻ đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của các mẹ bỉm sữa. Nhiều người đã vào bình luận động viên, chia sẻ với nhân vật và mách nước nhiều kinh nghiệm chữa sẹo bỏng, địa chỉ thầy lang uy tín và cả những bài thuốc dân gian về trị bỏng.
Có thể thấy, mỗi người có một kinh nghiệm trị bỏng khác nhau. Tuy nhiên, đâu là cách trị bỏng đúng thì rất dễ khiến người trong cuộc lẫn những người theo dõi diễn đàn cảm thấy hoang mang.
Để giải đáp các thắc mắc của phụ huynh về việc xử lý khi trẻ bị bỏng, PV đã gặp BS Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) để tìm những lời khuyên hữu ích cho việc điều trị bỏng.
Nhiều yếu tố quyết định việc hình thành sẹo hay không
BS Nguyễn Thống cho biết, da là một cơ quan gồm rất nhiều lớp tế bào có cấu trúc và chức năng khác nhau. Khi tổn thương đến một lớp hoặc từng lớp tế bào thì quá trình diễn biến bệnh khác nhau và thời gian điều trị khỏi cũng khác nhau. Việc có sẹo hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đó là:
Loại tổn thương: Có những loại tổn thương bỏng không bao giờ để lại sẹo, bởi tổn thương chưa đến lớp tế bào gây thành sẹo. Nhưng trường hợp tổn thương đến những lớp tế bào có khả năng gây sẹo thì nguy cơ nạn nhân bị sẹo là rất cao.
Quá trình điều trị: Việc có sẹo hay không còn phụ thuộc vào quá trình điều trị. Nói chung, vết thương được điều trị càng nhanh liền thì khả năng gây sẹo càng ít.
Những yếu tố khác: Bệnh nhân đến viện sớm hay đến muộn, vết thương nhiễm trùng hay không nhiễm trùng; ăn uống, dinh dưỡng ra sao; có mổ xẻ ghép da hay không? Nếu như các bước xử lý đều tốt, từ cấp cứu ban đầu đến cả quá trình điều trị... thì sẽ hạn chế khả năng gây sẹo sau tai nạn bỏng.
Sẹo cũng một phần do yếu tố cơ địa. Tuy nhiên không phải cứ có cơ địa sẹo là sẽ bị sẹo (vì nếu không bỏng vào lớp tế bào có khả năng gây sẹo thì cũng không vấn đề gì).
Việc xử trí khi bỏng sẽ tùy theo tổn thương đến lớp tế bào nào. Còn vấn đề “Làm thế nào để hạn chế sẹo xấu”, BS Thống cho rằng: “Phải trao quyền cho bác sĩ”.
Cụ thể, phải để bác sĩ trực tiếp xem vết thương, từ đó mới cho thuốc phù hợp. Việc tự đi mua thuốc dùng thì kết quả đạt được chỉ tương đối. Bởi thuốc chỉ được sản xuất để dùng cho một giai đoạn nào đó, ở trường hợp nào đó, không thể áp dụng cho tất cả bệnh nhân ở mọi lứa tuổi, giai đoạn bệnh với những tổn thương khác nhau.
Về các cách chữa bỏng mọi người hay mách nhau như dùng bã chè tươi hay giã nát lá bỏng đắp vào, BS Thống cho biết: Đây chỉ là phương pháp dân gian, chưa có nghiên cứu được kiểm chứng. Do dùng theo kinh nghiệm dân gian nên cũng rất... hên - xui. Có những tổn thương không vào tế bào gây sẹo, sau khi bôi thấy không có sẹo lại bảo thuốc tốt. Nhưng người khác bị tổn thương vào tế bào gây sẹo, không dùng thuốc đó và bị sẹo, người ta lại bảo: “Đấy, không dùng thuốc của tôi nên bị sẹo!!!”.
Về việc kiêng kị ăn uống để tránh sẹo, BS Thống cho rằng đây cũng chỉ là theo kinh nghiệm dân gian, chứ chưa có nghiên cứu, từ đó chưa thể có khuyến cáo cụ thể và chính xác.
BS Nguyễn Thống - Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội). Ảnh: HH
“Tôi thường khuyên bệnh nhân ăn uống theo chế độ đủ calo theo tiêu chuẩn bệnh lý. Chưa có công trình nào nghiên cứu về chất này hay chất kia gây ra sẹo. Không có chuyện ăn tôm hay thịt bò gây co rút thành sẹo. Tùy theo bệnh lý bỏng rộng, bỏng sâu, người bệnh là người già hay trẻ, có bệnh lý gì kèm theo hay không mà bác sĩ sẽ tính toán và có lời khuyên người bệnh nên ăn bao nhiêu đạm, đường, mỡ, vitamin, chất khoáng... trong một ngày” - BS Thống cho biết.
BS Nguyễn Thống cho biết: Bác sĩ chỉ có lời khuyên chung cho cộng đồng trong việc điều trị bỏng. Còn với từng người bệnh, khi có vấn đề điều trị cần trực tiếp gặp bác sĩ.
BS Thống chia sẻ: “Tôi thỉnh thoảng hay nhận được các cuộc điện thoại như "Em (cháu) bị bỏng, bây giờ bôi thuốc gì?”. Tôi chịu. Có bệnh mà lại không đến thầy thuốc thì tôi cũng chịu. Thực tế, nhiều người đi nghỉ mát thì sẵn sàng hỏi nghỉ khách sạn một tối hết bao nhiêu tiền, vài ba triệu họ cũng không tiếc nhưng đi khám lại ngại, tiếc tiền. Cũng đôi khi không phải người ta sợ tốn tiền khám mà do tư duy trị bệnh. Họ nghĩ vấn đề đơn giản, có thể hỏi lẫn nhau rồi chữa chứ không cần đến gặp thầy thuốc".
Lời khuyên trị bỏng từ cư dân mạng cho mẹ em bé. Ảnh Facebook
Là bác sĩ lâm sàng chuyên về bỏng, bác sĩ Thống từng gặp muôn vàn trường hợp bỏng. Có những ca nhẹ nhưng cũng có trường hợp thập tử nhất sinh.
Đầu năm 2017, khoa Bỏng Bệnh viện Xanh Pôn tiếp nhận một trẻ bị bỏng, nhưng do đắp thuốc linh tinh mà dẫn đến biến chứng nhiễm trùng, nhiễm độc. Bệnh nhân nôn ra cả bát máu! Nghe đâu người thân em bé làm y sĩ, học về Đông y, chẳng biết đắp thuốc gì mà khiến bệnh nhân bị như vậy.
Lại có trường hợp một nhóm các bạn trẻ làm từ thiện đưa một bệnh nhân nghèo từ Huế ra đây chữa bệnh nhưng lại đưa gặp thầy thuốc Đông y. Chỉ đến khi bệnh nhân nguy kịch mới đưa khoa Bỏng Bệnh viện Xanh Pôn. Bình luận về trường hợp này, BS Thống chỉ biết lắc đầu: “Tốt bụng nhưng giúp không đúng thì hại người ta thế đấy!”.
Theo BS Thống, không phủ nhận Đông y cũng có cái tốt nhưng trong chữa bỏng, chữa theo Đông y có nguy hiểm là dù độ nông sâu của vết bỏng khác nhau cũng đều đắp thuốc, không điều trị toàn thân (bỏng nông hay sâu, diện rộng hay hẹp, bỏng ở người già hay trẻ... phải điều trị khác và điều trị toàn thân). Thứ nữa, Đông y không kiểm soát được vết thương, cứ đắp đen như phân trâu; nhẹ thì ăn may, khỏi; nặng thì chết. Rất nguy hiểm!