Thứ sáu, 22/11/2024 | 02:21
RSS

Sắp khởi công nhà máy đốt rác phát điện công suất 2.000 tấn/ngày

Thứ hai, 26/08/2019, 21:01 (GMT+7)

Tính ưu việt của công nghệ đốt phát điện đó là biến rác trở thành nguồn năng lượng phục vụ đời sống và sản xuất. Đây cũng được coi là công nghệ của tương lai.


Buổi họp báo về tiến độ xây dựng nhà máy đốt rác phát điện.

Chiều 26/8, diễn ra buổi họp báo về tiến độ xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện. Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TP.HCM, cho biết trên cơ sở quy hoạch định hướng hệ thống quản lý chất thải thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, hướng đến quản lý môi trường xanh; trên cơ sở các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và thành phố, ứng dụng công nghệ đốt phát điện để xử lý chất thải, thành phố đã xác định phải đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp nhà máy, đổi mới công nghệ xử lý tại các nhà máy xử lý rác hiện hữu sang công nghệ đốt phát điện nhằm biến rác trở thành nguồn năng lượng phục vụ đời sống và sản xuất.

Theo đó, đến năm 2020, dự kiến tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt tại thành phố được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh tối đa là 50%... 

Trong giai đoạn 2020, có 3 nhà đầu tư trong lĩnh vực này gồm: Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa; Công ty cổ phần Vietstar; Công ty cổ phần Tasco. Thành phố sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng 2 nhà máy đốt rác phát điện trong năm 2020. 



Hệ thống dây chuyền thiết bị xử lý rác của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Tâm Sinh Nghĩa

Ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết hiện đã có 3 doanh nghiệp xử lý rác thực hiện chuyển đổi công nghệ xử lý rác từ tái chế sang đốt rác phát điện.

Cụ thể, 3 doanh nghiệp sẽ chuyển đổi công nghệ xử lý rác gồm: Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Tâm Sinh Nghĩa, Công ty cổ phần Tasco và Công ty cổ phần Vietstar. Hiện các chủ đầu tư đã hoàn thiện thủ tục pháp lý để sớm khởi công xây dựng nhà máy đốt rác phát điện.

Theo Sở TNMT TP.HCM, lượng rác ở thành phố HCM hiện khoảng hơn 8.000 tấn/ngày. Với công suất thiết kế các nhà máy dự kiến xây dựng, đến năm 2020 hoàn toàn có thể kéo giảm lượng rác chôn lấp xuống thấp hơn 50%.

Về phía đại diện doanh nghiệp, ông Ngô Xuân Tiệc, Tổng giám đốc Công ty Tâm Sinh Nghĩa, cho biết đặc thù rác ở thành phố là độ ẩm cao, lượng nhiệt thấp nên khó tìm công nghệ phù hợp. Nếu áp dụng công nghệ đốt rác nguyên bản từ các nước châu Âu hoặc Nhật Bản Hàn Quốc thì không thành công.

Phía doanh nghiệp đã khảo sát nhiều nhà máy đốt rác ở Trung Quốc quốc gia có điểm tương đồng về thành phần rác thải và nhận thấy rằng có thể học hỏi. Từ đó, doanh nghiệp thuê chuyên gia nước ngoài cải tiến công nghệ Martin (Đức) cho phù hợp với thành phần rác ở Việt Nam.

Ông Ngô Xuân Tiệc cho biết: "Dự kiến trong tháng 10, Công ty Tâm Sinh Nghĩa khởi công nhà máy đốt rác phát điện công suất 2.000 tấn/ngày".

Trong khi đó, Giám đốc Công ty Vietstar - ông Ngô Như Hùng Việt cũng cho biết, ngày 28/8/2019 doanh nghiệp sẽ khởi công nhà máy đốt rác phát điện có tổng vốn đầu tư khoảng 40 triệu USD.

Cùng tham khảo một số nhà máy xử lý rác của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Tâm Sinh Nghĩa:


Nhà máy Xử lý và tái chế rác thải Củ Chi, Tp. HCM.


Phòng điều khiển trung tâm tại Nhà tiếp nhận rác – Nhà máy xử lý và tái chế rác thải sinh hoạt Củ Chi.


Nhà máy xử lý rác Duy Tiên – Hà Nam.


Hệ thống tháp ủ – Nhà máy xử lý rác Duy Tiên – Hà Nam.


Nhà máy Xử lý rác thải Tp. Rạch giá – Kiên Giang.


Nhà máy Xử lý rác thải Thạnh Hóa – Long An.

PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN