Thứ ba, 03/12/2024 | 04:03
RSS

Rối loạn lo âu: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 

Thứ năm, 16/02/2023, 06:57 (GMT+7)

Rối loạn lo âu cực kỳ phổ biến trong cuộc sống hiện đại và ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Vậy nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị rối loạn lo âu ra sao, cùng đọc bài viết dưới đây để biết chính xác thông tin. 

Rối loạn lo âu là một hiện tượng rối loạn cảm xúc khiến cho người bệnh luôn cảm thấy khó chịu, căng thẳng, lo lắng nhưng không tìm ra nguyên nhân. Nếu tình trạng này không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, công việc của bệnh nhân, thậm chí có thể cướp đi tính mạng của họ. 

1. Rối loạn lo âu là gì?

roi-loan-au-lo-la-gi

Lo âu là một phần trong cuộc sống khi phải đối diện với một vấn đề, mối đe dọa rõ ràng của tự nhiên, xã hội mà con người phải tìm cách vượt qua. Đó là những lo âu thông thường có thể tạm thời hoặc mất đi sau khi các vấn đề được giải quyết.

Còn rối loạn lo âu lại khác, đó là khi lo âu quá mức hoặc kéo dài dai dẳng chúng xâm chiếm lấy người bệnh lo âu một cách không tương xứng trước những mối đe dọa không thực tế, rõ ràng, mơ hồ. Có thể kèm theo những ý nghĩ hay hành động vô lý hay quá mức. 

Rối loạn lo âu khiến cho người bệnh không điều chỉnh được bản thân của mình, ảnh hưởng lớn đến công việc và cuộc sống. Tình trạng rối loạn lo âu này thường gặp ở nữ nhiều hơn nam và phổ biến ở độ tuổi 25 - 44 tuổi. 

2. Các loại rối loạn lo âu thường gặp

2.1. Rối loạn lo âu lan tỏa

Là tình trạng lo lắng, sợ hãi kéo dài, bận tâm về mọi vấn đề trong cuộc sống như công việc, sức khỏe, gia đình mà không thể nào kiểm soát được. Khi rơi vào tình trạng này người bệnh thường có các triệu chứng như bồn chồn, hồi hộp, mất ngủ, giật mình, run rẩy, chóng mặt, buồn nôn, nôn, tiểu nhiều lần, rối loạn tiêu hoá, hội chứng ruột kích thích...

2.2. Rối loạn hoảng sợ

Là tình trạng nỗi lo sợ lặp đi lặp lại như sợ hãi một đối tượng hay một đối tượng nào đó: sợ đi máy bay, sợ tàu xe, sợ đi ngoài đường nhiều xe cộ…. Các nỗi lo lắng đột ngột sợ hãi đó thường đi kèm với các triệu chứng như khó thở, chóng mặt, đau ngực….

roi-loan-lo-au-so-hai

2.3. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Là khi người bệnh hằng ngày hằng giờ bị những suy nghĩ, hình ảnh ám ảnh, chẳng hạn như sợ bị nhiễm trùng, sợ bẩn, sợ bị mất tiền…. Điều này ép buộc họ thực hiện các hành vi lặp đi lặp lại nhằm giải tỏa sự lo lắng đó ví dụ như rửa tay thường xuyên, kiểm tra ví thường xuyên. 

2.4. Rối loạn lo lắng xã hội

Tình trạng này đôi khi được gọi là “ám ảnh sợ xã hội”. Đặc biệt là trong những tình huống phải trình diễn trước đám đông. Họ thường cảm thấy rất sợ hãi, xấu hổ, lo lắng, sợ bị người nhận chê bai phán xét xúc phạm mình. Lo lắng nhiều ngày, nhiều tuần trước khi có một sự kiện nào đó có đông người. 

3. Triệu chứng rối loạn lo âu

Thông thường triệu chứng rối loạn lo âu kéo dài ít nhất khoảng 6 tháng. Tùy thuộc vào mỗi loại rối loạn lo âu mà chúng ta thường gặp những triệu chứng điển hình như sau:

3.1. Lo lắng, căng thẳng thường xuyên

Đây là biểu hiện đặc trưng thường thấy ở người rối loạn lo âu. Người bệnh thường có tâm lý lo lắng, bất an đối với tất cả các hoạt động, sự kiện diễn ra xung quanh. Thường cảm xúc này sẽ không xuất phát từ bất kỳ nguyên nhân nào. Mức độ lo lắng tăng dần theo thời gian, về lâu dài sẽ gây ra một loạt các rối loạn cảm xúc, hoang tưởng tâm thần ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. 

3.2. Cơ thể mệt mỏi 

Suy nghĩ nhiều khiến cơ thể người bệnh thường xuyên mệt mỏi khó có thể ngủ ngon giấc, sâu giấc khiến cơ thể dường như không có năng lượng để thực hiện các công việc sinh hoạt hằng ngày dù là nhỏ nhất. 

3.3. Rối loạn giấc ngủ 

Đây là một trong những biểu hiện điển hình và cũng vô cùng nguy hiểm ở người bị rối loạn lo âu. Người bệnh thường cảm thấy trằn trọc mất ngủ, đôi khi cơ thể cảm thấy mệt mỏi muốn ngủ nhưng lại không thể ngủ được. Thậm chí là nhiều người còn thức trắng đêm trong thời gian dài ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần. Tình trạng này để lâu cũng tác động lại đến sức khỏe về mặt thể chất lẫn tinh thần, khiến tâm lý không ổn định;

roi-loan-lo-au-mat-ngu

3.4. Hay cáu gắt, dễ bị kích động 

Thống kê phải đến hơn 90% người bị rối loạn lo âu thường có xu hướng rất dễ kích động, cáu gắt hơn so với những người bình thường. Họ nhạy cảm, dễ bị kích động ngay cả đối với những vấn đề nhỏ nhất trong cuộc sống đời thường. 

3.5. Khó tập trung 

Cảm giác lo lắng kéo dài khiến người bệnh khó có thể tập trung vào công việc nào đó khiến cho việc học tập, sinh hoạt thường ngày bị ảnh hưởng, chất lượng cuộc sống suy giảm.

4. Nguyên nhân gây ra rối loạn lo âu

Y học hiện nay vẫn chưa đưa ra những nguyên nhân cụ thể dẫn đến tình trạng rối loạn lo âu. Dựa trên những số liệu thống kê chúng ta có thể thấy rằng rối loạn lo âu có thể xuất phát từ những nguyên nhân như sau:

4.1. Tình trạng stress, căng thẳng kéo dài 

Cuộc sống nhanh và ngày càng hiện đại khiến cho con người thường xuyên chịu những áp lực từ chính bản thân mình, công việc cuộc sống. Đây được coi là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến rối loạn lo âu. Đặc biệt thường xảy đến với những người gặp biến cố gia đình, thất nghiệp, sự mất mát người thân….

4.2. Lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc thường xuyên 

Những người thường xuyên sử dụng các loại thuốc an thần, thuốc ngủ hoặc chất gây nghiện thường có nguy cơ cao bị rối loạn lo âu. Nguyên nhân này cũng chiếm tỷ lệ cao các trường hợp về bệnh lý. 

4.3. Di truyền 

Yếu tố di truyền cũng khiến bạn có nguy cơ cao bị mắc các bệnh về tâm lý. Nếu người thân trong gia đình bạn có tiền sử bị các bệnh về tâm lý thì nguy cơ con cái cũng gặp phải tình trạng bệnh này. 

5. Chẩn đoán rối loạn lo âu

Để chẩn đoán một người có rối loạn lo âu mức độ ra sao, có kèm bệnh gì hay không, cần điều trị thuốc gì thì bác sĩ và bệnh nhân phải ngồi lại với nhau. 

Bác sĩ cần phải dành thời gian khai thác bệnh sử kỹ càng, đào sâu vào từng triệu chứng mới kết luận được là người bệnh thuộc nhóm bệnh nào, đồng thời cũng phải loại trừ những bệnh lý tổn thương cơ quan khác gây ra rối loạn tâm thần (như rối loạn nội tiết, bệnh lý ở não…). 

6. Phương pháp điều trị rối loạn lo âu

Sau khi được thăm khám và chẩn đoán chính xác mức độ của bệnh, các chuyên gia sẽ tiến hành tư vấn lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân. Hiện nay có các phương pháp điều trị rối loạn lo âu chủ yếu như sau: 

6.1. Trị liệu tâm lý

Trong điều trị rối loạn lo âu, liệu pháp tâm lý trị liệu là chọn lựa hàng đầu bởi hiệu quả, an toàn và được nhiều bệnh nhân tìm đến. Với phương pháp này người bệnh sẽ được trực tiếp các chuyên gia tâm lý, master coach trò chuyện, tâm sự và giải tỏa những vấn đề mà người bệnh gặp phải đồng thời hướng dẫn cách sinh hoạt khoa học, lối suy nghĩ tích cực để cân bằng cuộc sống. 

Biện pháp này có thể áp dụng song song với các biện pháp khác để mang lại hiệu quả toàn diện giúp người bệnh từng bước kiểm soát được các triệu chứng và dần phục hồi. 

roi-loan-au-lo-cam-xuc

6.2. Dùng thuốc Tây Y, Đông Y

Một số loại thuốc Tây có thể hỗ trợ chữa chứng rối loạn lo âu như: nhóm thuốc ức chế beta, nhóm thuốc chống trầm cảm, nhóm thuốc chống lo âu,….

Tuy nhiên thời gian để thuốc phát huy tác dụng chậm đòi hỏi người bệnh cần phải kiên trì. Khi sử dụng thuốc người bệnh cần phải được tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ, dùng đúng liều lượng phù hợp để tránh gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Người bệnh cũng cần phải tái khám định kỳ để kiểm tra chức năng gan, thận. 

Đông y cũng là phương pháp chữa trị an toàn, lành tính được nhiều người tìm đến. Tuy nhiên đa phần hiện nay trên thị trường chủ yếu là Đông y truyền thống được bào chế từ các loại thảo dược thông thường nên khó có thể mang lại hiệu quả cao nhất. Chưa kể những ảnh hưởng từ hóa chất lên các dược liệu bào chế thuốc còn gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe con người. 

7. Các thắc mắc về hội chứng rối loạn lo âu

7.1. Rối loạn lo âu có chữa được không?

Rối loạn lo âu là bệnh có thể chữa được, tuy nhiên người bệnh cần phải tích cực chữa trị sớm và cần phải chữa trị đúng cách thì mới phát huy được hiệu quả thực sự và ngăn ngừa bệnh tái phát.

Đôi khi việc chữa trị cũng cần phải kiên trì kết hợp nhiều phương pháp thì mới hiệu quả. Giai đoạn đầu chính là “thời điểm vàng”, do đó, khi nhận thấy cơ thể có những thay đổi bất thường về cảm xúc, hành vi và kéo dài trong một khoảng thời gian, bạn nên nhanh chóng tìm cách khắc phục. 

7.2. Rối loạn lo âu có nguy hiểm không?

Rối loạn lo âu là một bệnh lý nguy hiểm!

Nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị triệt để, tình trạng của người bị rối loạn lo âu có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường, phức tạp như: mất ngủ, lạm dụng rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích, đau đầu mạn tính, rối loạn tiêu hóa và một số bệnh lý liên quan, suy nhược cơ thể, cô lập xã hội, ảnh hưởng lớn đến các mối quan hệ xã hội, suy giảm năng suất lao động và chất lượng cuộc sống, trầm cảm, tự làm đau bản thân, thậm chí dẫn đến hành động tự sát...

7.3. Rối loạn lo âu có tự khỏi?

Bệnh rối loạn lo âu có tự hết không? Câu trả lời là không.

Để chữa khỏi bệnh lý này, bạn cần kết hợp nhiều phương pháp khác nhau trong một khoảng thời gian lâu dài, theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa. Để đạt được kết quả cao nhất, người bệnh phải thực sự kiên trì và chủ động sử dụng thuốc Tây, trị liệu tâm lý, thay đổi thói quen và điều chỉnh lối sống. 

7.4. Rối loạn lo âu uống thuốc gì?

Khi bị rối loạn lo âu, người bệnh có thể sử dụng Tây y có thể hỗ trợ chữa chứng rối loạn lo âu như nhóm thuốc ức chế beta, nhóm thuốc chống trầm cảm, nhóm thuốc chống lo âu,… Dùng thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn. chính vì thế trước khi sử dụng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.

7.5. Rối loạn lo âu xã hội là gì?

Tình trạng này còn được gọi là ám ảnh sợ xã hội, là một loại rối loạn tâm thần phổ biến. Người bệnh cảm thấy lo lắng sợ hãi trong mọi tương tác xã hội. Gặp khó khăn khi nói chuyện với mọi người, gặp gỡ và kết bạn với những người mới. Họ luôn sợ những ánh nhìn, sự soi mói phán xét của người khác đối với bản thân mình. 

thông tin tư vấn

 

Nhất Nhất 3
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại