Thứ bảy, 18/01/2025 | 16:59
RSS

Rác thải bủa vây nông thôn: Nam Định, trăm lò rác có nguy cơ phát thải dioxin

Thứ năm, 27/02/2020, 13:16 (GMT+7)

Tôi giật mình khi nghe một anh trưởng phòng cấp huyện kể mẹ vợ, anh vợ và vợ đều mất vì ung thư, còn anh phó trưởng phòng thì có bố, chị và anh rể.

Rác thải bủa vây nông thôn: Nam Định, trăm lò rác có nguy cơ phát thải dioxin - [Bài III] Ung thư

Đưa rác vào một lò đốt ở huyện Xuân Trường. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cây quất để cả năm không rụng quả

Đó chỉ là những trường hợp cá biệt hay phổ biến ở một huyện nông thôn mới điển hình toàn quốc rất xanh và đẹp như Hải Hậu? Tôi tự hỏi rồi ngửa mặt nhìn bầu trời xanh ngằn ngặt, cúi mặt nhìn dòng sông trong văn vắt, ngước mặt nhìn cánh đồng lúa mơn mởn mà không thể tìm được câu trả lời.

Khi nghe tôi kể lại, anh Đỗ Văn Vận - Giám đốc Trung tâm Y tế Hải Hậu cũng gật gù công nhận và cho nhân viên thống kê ngay số tử vong được giám sát trong chương trình bệnh không lây nhiễm. Cụ thể năm 2018 trong 481 ca tử vong có 168 trường hợp ung thư, chiếm tỷ lệ 35%, còn năm 2019 trong 591 người tử vong  có 157 trường hợp ung thư, chiếm gần 27%.

Năm 2005, tôi là người đầu tiên viết loạt bài “Làng ung thư Thạch Sơn” ở tỉnh Phú Thọ. Làng gần một số nhà máy hóa chất lớn và 89 lò gạch thủ công nên ô nhiễm nặng nề. Theo Viện Y học Lao động và Vệ sinh Môi trường, từ năm 1991 - 2005 ở đây có 106 bệnh nhân ung thư, số chết vì bệnh này chiếm tỉ lệ khoảng 34%/ tổng số ca tử vong, trong đó có 9 gia đình chết cả vợ lẫn chồng, 7 gia đình có bố, mẹ và con đều chết…

Hơn 10 năm sau, theo khảo sát ngẫu nhiên của tôi ở một số xã thuần nông tại Hưng Yên và Hải Dương tỉ lệ chết vì ung thư khoảng 25 - 27% trong tổng số ca tử. Nay, một huyện gần như không có công nghiệp lại ven biển như Hải Hậu mà có tỷ lệ cao hơn thế thì rất lạ.

Anh Vận - người có bố vợ và mẹ của bố vợ đều ung thư hạch - nhận định: Có mấy nguyên nhân có thể gây ung thư, thứ nhất là thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất, thứ hai là môi trường ô nhiễm, thứ ba là di truyền. Nói rồi anh kéo tôi ra hành lang chỉ vào chậu cây quất cảnh và bảo: “Những quả này có từ tết năm ngoái qua tết năm nay vẫn còn đỏ tươi. Trước đây tôi vẫn thường ăn quất nhưng kể từ khi mua cây này thì không. Chậu cây còn được tôi đưa vào làm ví dụ trong các bài giảng về tác hại của thuốc bảo vệ thực vật”.

Rác thải bủa vây nông thôn: Nam Định, trăm lò rác có nguy cơ phát thải dioxin - [Bài III] Ung thư

Quả của cây quất cảnh ở Trung tâm Y tế Hải Hậu để hơn 1 năm mà không rụng, màu sắc còn rất đẹp. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Phạm Văn Hinh - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hải Minh thống kê năm 2015 có 15/64 ca tử vong là ung thư, 2016 có 25/80, 2017 có 11/65, 2018 có 21/81, 2019 có 26/83, hiện xã còn 15 người ung thư đang sống, đa số đều phát hiện ở giai đoạn cuối. Về nguyên nhân gây ung thư, anh nhận định có thể tích lũy từ thời đốt gạch thủ công hay do nghề mộc dùng nhiều hóa chất, do nghề lúa dùng lắm thuốc ốc, thuốc sâu giờ đây mới phát…

Anh Trần Văn Cường - nguyên Chủ tịch xã Hải Phương đặt cho tôi câu hỏi đầy day dứt rằng: “Tại sao dân tôi thuần nông mà lại ung thư nhiều thế chú?”. Khác với Hải Minh là xã nghề, Hải Phương chỉ làm ruộng nhưng mấy năm gần đây có nhiều người chết vì ung thư, đặc biệt là năm 2019 tới 15 người. Bản thân anh Cường cũng vừa thoát chết trở về sau khi điều trị ung thư thận, giờ phải nghỉ dạng “một cục”.

Một ý nghĩ vẩn vơ trong đầu tôi, liệu những ống khói cao vút trời của các lò đốt rác có góp một phần nào trong số các bệnh nhân ung thư đó không?

Muôn hình, vạn trạng

Cách đây mấy năm, Đoàn Văn Đại đang quản lý một doanh nghiệp cơ khí trong Nam bỗng bỏ về quê ở xã Hải Hà (Hải Hậu) để đầu tư vào xử lý rác mặc cho người nhà ngăn cản mà gay gắt, nhất là ông bố.

“Ngày xưa bố chẳng bảo con rằng không học hành gì thì sau này chỉ có mà đi bốc cứt, hót rác. Giờ bốc cứt con đã từng trải qua là làm phân bón hữu cơ thì hót rác cũng phải cho con làm với chứ”, anh vừa cười xòa vừa trả lời quấy quá.

Lúc đó, cũng như nhiều xã thuộc Hải Hậu đang quá tải về bãi chôn lấp rác nhưng kêu gọi xã hội hóa thì chỉ có mỗi Hải Hà thành công bằng cách cho doanh nghiệp được sử dụng một phần đất của bãi rác sau khi cải tạo để làm nhà xưởng.

Thấy hướng đi hay, Đại tỉ tê rủ Nguyễn Văn Dũng - một doanh nghiệp kinh doanh vàng lập ra công ty Đại Dũng.

Rác thải bủa vây nông thôn: Nam Định, trăm lò rác có nguy cơ phát thải dioxin - [Bài III] Ung thư

Lò đốt rác của công ty Dũng Đại vì quản lý tốt nên rất sạch sẽ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Buổi đầu hai anh em ra bãi, thấy núi rác bốc mùi đã phải bịt mũi rồi bỗng thấy con lợn tạ chết, bị quẳng ra bỗng nhiên… động đậy liền toan bỏ chạy. Định thần, nhìn kỹ thì nó động đậy được bởi có cả ngàn, cả vạn con giòi đang thúc từ trong da, trong thịt. Ra khỏi bãi, Đại nôn thốc tháo, về đến đầu ngõ bị vợ bắt cởi… quần áo dài để giảm mùi rác rồi mới cho vào nhà, còn Dũng thì bị vợ chì chiết: “Bán vàng ngồi điều hòa mát cả ngày không muốn lại đâm đầu ra bãi rác”.

Cả hai định bỏ luôn 100 triệu đã đặt cọc để mua lò nhưng rồi lại động viên nhau tiếp tục. 6 cuốn sổ đỏ ra đi cuối cùng bãi rác đã biến thành một quả đồi nhỏ với thảm cỏ, cây xanh bao quanh, ao điều hòa, lò đốt và xưởng cơ khí.

Vận hành gồm đội ngũ 3 người thu gom, 3 người đốt lò kiêm rửa sân chứa mỗi ngày 1 lần, phun chế phẩm sinh học mỗi tuần 1 lần, 2 bảo vệ kiêm chăm sóc cây. Lương rồi xăng xe, điện tổng cộng 62 triệu mỗi tháng chưa tính khấu hao, sửa chữa. Trong khi đó với mức phí 7.000 đồng/người cả xã chỉ thu được 28 triệu mỗi tháng nên phải lấy lãi từ xưởng cơ khí để bù sang.

Với chi phí vận hành cao, công nghệ lò thuộc thế hệ thứ hai nên khá sạch. Trước đây những nhà gần bãi rác phải ăn cơm trong màn, nay vãn sạch ruồi mừng tới mức thỉnh thoảng lại mời anh em liên hoan như một sự ngầm trả ơn.

Đoạn đường ở cống Ba Cô vốn ô uế, không có đèn nên buổi tối ai cũng tránh giờ sáng rực, sạch sẽ đông người lưu thông. Đoàn Văn Đại bảo kết quả quan trắc vừa rồi đã đạt tiêu chuẩn, tuy nhiên tôi chỉ tiếc là chưa làm được hai chỉ tiêu quan trọng dioxin/furan.

Rác thải bủa vây nông thôn: Nam Định, trăm lò rác có nguy cơ phát thải dioxin - [Bài III] Ung thư

Ngược lại là lò của xã Hải Bắc với một "dòng sông rác" bao quanh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Trần Tân Dân - Trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Hải Hậu cho biết, 7 năm trước lò đốt rác đầu tiên công nghệ Nhật ở Thịnh Long đi vào hoạt động, sau đó lò của Đại học Bách Khoa và đặc biệt là của cty Tân Thiên Phú ngay trong tỉnh. Với giá rẻ, số lượng nhiều, đáp ứng ngay nên trong một thời gian ngắn Hải Hậu có 32 lò các loại nhưng công nghệ đó giờ đây đều cần nâng cấp.

Năm 2019 để phục vụ cho yêu cầu nông thôn mới nâng cao ở 14 xã, các lò đốt rác hàng năm đều phải quan trắc khí thải, cải tiến lọc qua bể nước vôi. Với các xã ngoài chương trình cũng cần nâng cấp, tuy nhiên Công ty Tân Thiên Phú đang bị quá tải nên thực hiện rất chậm. Hơn thế, yêu cầu quan trắc lần này chỉ có 4 chỉ tiêu rất đơn giản là SO2, NOx, CO và bụi tổng vì chỉ mất có 2,3 triệu đồng còn phân tích phức tạp hơn như dioxin/furan phải mất 20 - 30 triệu đồng. 

Anh Vũ Văn Phát - Chủ tịch xã Hải Thanh cho hay, quy định của tỉnh phí rác tối đa là 8.000 đồng/người nên mỗi tháng thu được chừng 40 triệu, 95% chi cho tổ vận hành, 5% cho xóm ngõ. Xã lắp tới 40 camera để theo dõi ở các tuyến đường, đã phân loại rác đến từng nhà nhưng với số tiền ít ỏi thành ra vẫn không thể như mong muốn được.

Khi tôi hỏi tại sao chưa có kết quả quan trắc dù mới nâng cấp thêm hệ thống xử lý khói bụi, anh Phát bảo: “Sạch như công viên bãi rác của Tân Thiên Phú bên Xuân Trường cũng chỉ là chỗ biểu diễn về công nghệ mà thôi. Hơn thế họ có quá nhiều người để vận hành một cách hoàn hảo nhất chứ làm gì có toàn “rác thơm”, rác khô như thế mà đốt?”

Nơi hỏng lò, nơi đốt lộ thiên

Lò đốt rác của xã Hải Phúc gần đó đi vào hoạt động từ đầu năm 2019, thuộc thế hệ thứ hai nhưng kết quả quan trắc gần đây vẫn không đạt bởi chỉ tiêu CO, quy chuẩn phải dưới 250 mg/Nm3, đằng này lại vọt lên 450mg/Nm3. Nguyên nhân là do hở ống dẫn khói vào bể lọc, phải sửa lên sửa xuống. Tồi tệ hơn, lò đốt rác của xã Hải Quang 2/4 chỉ tiêu bị quá nhiều, cụ thể CO 603mg/Nm3 so với chuẩn dưới 250mg/Nm3, bụi tổng 155mg/Nm3 so với chuẩn dưới 100mg/Nm3.

Rác thải bủa vây nông thôn: Nam Định, trăm lò rác có nguy cơ phát thải dioxin - [Bài III] Ung thư

Lò của thị trấn Yên Định đã bị bục buồng đốt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Rác thải bủa vây nông thôn: Nam Định, trăm lò rác có nguy cơ phát thải dioxin - [Bài III] Ung thư

Và trở thành một bãi đốt rác lộ thiên đồng thời kiêm luôn chăn bò. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lò của thị trấn Yên Định còn đang bị bục buồng đốt nên phải đốt bên ngoài. Bãi tràn rác và khói trở thành nơi chăn bò lý tưởng của chị Nguyễn Thị Bách - nhân viên vận hành lò xã Hải Bắc ở giáp ranh đó. Lò của Hải Bắc tuy chưa hỏng hẳn nhưng khuôn viên cũng ngập rác.

Rác thải bủa vây nông thôn: Nam Định, trăm lò rác có nguy cơ phát thải dioxin - [Bài III] Ung thư

Cây đu đủ kín đặc ruồi tại một bãi rác. Ảnh: Dương Đình Tường.

Với 2 người vận hành, 3 người thu rác, tháng được trả 3,5 triệu đồng nên chị Bách bảo chẳng ai chịu làm ngoài mấy người già. Nguyên tắc đốt của chị như sau, cứ cái gì nặng thì vứt ra ngoài bãi, nhẹ mới bỏ vào lò. Bởi thế khói từ lò bốc lên cũng đen chẳng kém gì khói đốt rác lộ thiên. 

Vấn đề rác của Nam Định cũng nan giải không kém gì Bắc Ninh dù ý thức của người dân khá tốt, chỉ khác rằng một nơi đốt rác lộ thiên khiến vài trăm làng chìm trong khói, một nơi cả trăm xã đốt lò đầy nguy cơ phát thải dioxin.
Dương Đình Tường
Theo Nông Nghiệp Việt Nam