Ngày 16/10, theo nguồn tin trên báo Dân trí, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi cho biết, toàn tỉnh đã ghi nhận 5 trường hợp dương tính với bạch hầu (4 ca có triệu chứng rõ ràng, 1 ca không có triệu chứng). Trong đó có 3 ca đang điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi, 1 ca đang được điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi và 1 ca đã được chuyển viện ra Bệnh viện Đà Nẵng.
Bên cạnh 5 ca dương tính bạch hầu kể trên, ngành Y tế tỉnh Quảng Ngãi cũng phát hiện 9 trường hợp có triệu chứng của bệnh bạch hầu. Các bệnh nhân đang được cách ly điều trị tại bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Quảng Ngãi. Hiện bệnh viện này đã gửi mẫu xét nghiệm cho Viện Pasteur Nha Trang và đang chờ kết quả xét nghiệm.
Trao đổi với SGGP Online, bác sĩ Nguyễn Đình Tuyến - Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi cho biết, tất cả các bệnh nhân này đều ở huyện miền núi Ba Tơ, nơi giáp ranh với tỉnh KonTum, địa phương từng là điểm nóng của dịch bạch hầu.
Theo bác sĩ Tuyến, độ tuổi mắc bệnh của các bệnh nhân từ 13 tháng tuổi đến 35 tuổi, trong đó có gia đình cả 2 người đều có triệu chứng mắc bệnh bạch hầu. Qua quá trình điều trị, hiện tại các ca bệnh đều đã tạm ổn.
Bệnh nhi đang được theo dõi, điều trị vì nhiễm bệnh bạch hầu. Ảnh: PN Online
Trước tình hình dịch bạch hầu bùng phát mạnh ở huyện miền núi Ba Tơ, để phòng, chống dịch bệnh bạch hầu, không để bệnh lây lan, UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ban hành văn bản chỉ đạo cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai công tác kiểm soát dịch bệnh tại các ổ dịch bạch hầu.
Cụ thể, đề nghị Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi triển khai các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, các trường học, lớp học, nhà trẻ đảm bảo môi trường thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; đặt biệt là các huyện miền núi.
Chỉ đạo tổ theo dõi sức khỏe của trẻ em tại các trường mầm non, trường tiểu học và trung học cơ sở, thông báo cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh (sốt kèm theo đau họng, ho hoặc khàn tiếng) để được cách ly, xử lý kịp thời, không để bùng phát ổ dịch.
UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu tăng cường các hoạt động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, ổ dịch mới phát sinh; cách ly kịp thời các trường hợp mắc, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài.
Bên cạnh đó, tổ chức điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần và có nguy cơ. Thực hiện tốt công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất số biến chứng nặng và tử vong.
Đồng thời, tổ chức tiêm vaccine phòng chống bệnh bạch hầu tại khu vực ổ dịch; rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu hoặc tiêm chưa đầy đủ để tổ chức tiêm bổ sung vaccine phòng bệnh bạch hầu, đảm bảo cho trẻ được tiêm đủ mũi, đạt tỷ lệ theo quy định.
Ngoài ra, tiến hành vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại khu vực ổ dịch. Hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện công tác phòng, chống bệnh bạch hầu theo đúng quy định. Chỉ đạo Trạm Y tế xã quản lý tốt từng cộng đồng; chủ động phối hợp với các trường học trên địa bàn để phát hiện, xử lý kịp thời.