Chủ nhật, 19/01/2025 | 06:02
RSS

Quán ốc kỳ lạ giữa lòng Thủ đô nơi kẻ bán, người mua không nói một lời với nhau

Thứ tư, 14/06/2017, 07:03 (GMT+7)

Nằm trong phố ẩm thực Tống Duy Tân, quán nhỏ được nhiều người biết đến với món ốc nóng thơm ngon cùng vị nước chấm đặc trưng. Đặc biệt nhất, ở quán ốc này, người chủ và thực khách chỉ dùng cử chỉ để trao đổi với nhau.

Quán ốc người câm

Từ bao đời nay, người Hà Nội vốn được biết đến là những người nổi tiếng thanh lịch. Cái chất thanh lịch của người dân Hà Thành thấm đượm trong từng chi tiết nhỏ nhặt nhất, đặc biệt là trong nét văn hóa ẩm thực.

Chẳng thế mà mỗi món ăn của vùng đất kinh kỳ này chẳng thể lẫn vào đâu được trong vô vàn những món ăn ngon trên khắp mọi miền đất nước. Cũng từ rất lâu rồi, người Hà Nội coi việc nấu nướng và thưởng thức các món ăn là cả một nghệ thuật.

"Quán ốc người câm", nơi hơn 20 năm kẻ bán, người mua giao tiếp với nhau bằng cử chỉ. Clip: Duẩn.

Nằm ngay trên Phố Tống Duy Tân, quán ốc của gia đình cô Hàn Tuyết Khánh (SN 1960) và chú Diệp Tiểu Hùng (SN 1966) là điểm đến ưa thích của những người say mê ẩm thực của đất Hà thành.

Quán cóc nhỏ lôi cuốn thực khách bởi vị béo ngậy của những con ốc quyện lẫn với thức nước chấm đặc trưng. Và điều đặc biệt khiến quán nhỏ luôn luôn tấp nập kẻ ra, người vào đó là suốt 20 năm nay, kẻ bán, người mua chỉ có thể trao đổi với nhau thông qua cử chỉ, hành động.

Quán ốc người câm 1

Chỉ là một quán ốc khá nhỏ bé nằm trong phố Tống Duy Tân nhưng quán được rất nhiều người biết đên. Ảnh: Duẩn.

Sở dĩ có điều đặc biệt này là bởi vì từ chủ nhân cho đến những người nhân viên phục vụ của quán đều là những người không có khả năng nói hay nghe được.

Họ không thể trao đổi với thực khách thông qua lời nói nên buộc lòng phải sử dụng ngôn ngữ cơ thể để truyền đạt thông tin. Ở khu phố này, quán ốc nhỏ của gia đình cô Khánh, chú Hùng còn được thực khách nhớ đến với cái tên thân mật “quán ốc người câm”.

Quán ốc người câm 2

Chủ quán, nhân viên đều là những người không nói hoặc không nghe được nên việc giao tiếp với khách chủ yếu bằng cử chỉ. Ảnh: Duẩn.

Như đã quen thuộc với cách bán hàng kỳ lạ này nên nếu có thực khách nào ghé quán gọi món đều sử dụng tay để ra hiệu cho chủ quán hoặc chỉ vào tấm bảng in sẵn các món ăn đã được dựng ngay bên cạnh.

Những thực khách mới đến lần đầu sẽ có phần cảm thấy hơi bỡ ngỡ trước cách phục vụ khá độc đáo của chủ quán và nhân viên nhưng sẽ dễ dàng thích nghi và hứng thú bởi sự nhiệt tình, thân thiện.

Quán ốc người câm 3

Những món ăn được bài làm rất đẹp mắt và hợp vệ sinh. Ảnh: Duẩn.

Quán ốc đặc biệt của gia đình cô Khánh, chú Hùng nổi tiếng với hai loại ốc gồm ốc mít và ốc vặn cùng với thứ nước chấm đặc trưng của quán khiến cho mỗi thực khách đến với quán đều không thể cưỡng lại được.

Thông thường, mỗi suất ăn có giá từ 20.000 đồng đến 25.000 đồng sẽ bao gồm: 1 bát ốc, 1 bát nước chấm, 1 bát sung ăn kèm. Nếu thực khách nào có nhu cầu sẽ được phục vụ thêm một bát nước ốc kèm theo. Tất nhiên sẽ có cả một cốc trà đá miễn phí đi kèm.

Quán ốc người câm 4

Món ăn ngon, nhân viên vui vẻ, nhiệt tình giúp quán luôn làm hài lòng những thực khách khó tính nhất. Ảnh: Duẩn.

Ngoài thực đơn chính là ốc, quán còn có thêm nhiều món ăn ngon, lạ mắt khác như nem chua rán, ngao luộc, ngao hấp, chân gà sả ớt, trứng cút luộc cùng nhiều loại hoa quả dùng để ăn tráng miệng như củ đậu, xoài, cóc…

Không chỉ có những món ăn ngon, sạch sẽ, giá cả phù hợp, cách phục vụ độc đáo, điều làm nên tên tuổi của cho “quán ốc người câm” chính là sự phục vụ rất tận tình, chu đáo và gần gũi của cả nhân viên lẫn bà chủ quán.

Quán ốc người câm 5

Gia vị cho món ăn cũng được làm hết sức sạch sẽ. Ảnh: Duẩn.

“Khi có khách đến là họ ra tận nơi để dắt xe rồi đưa khách vào chỗ ngồi với một thái độ rất niềm nở. Đặc biệt, trong khi chờ đợi, thực khách có thể tận mắt chứng kiến chủ quán chế biến món ăn, pha nước chấm. Rất hợp vệ sinh”, bác Nguyễn Thanh Tuấn, một khách hàng quen của quán cho biết.

Quán ốc người câm 6

Nước chấm bằng công thức đặc biệt là nét riêng biệt ở "quán ốc người câm". Ảnh: Duẩn.

Không thể giao tiếp bằng lời nói như người bình thường được nên khi thanh toán, nhân viên của quán cũng sử dụng tay để ra kí hiệu cho khách. Thường với những bàn ăn ít món, nhân viên sẽ ra kí hiệu bằng tay để báo giá cho thực khách.

Tuy nhiên, với những bàn ăn gọi nhiều món, không thể ra hiệu bằng tay những người nhân viên này sẽ dùng điện thoại di động để tính tiền và báo lại cho thực khách.

Quán ốc kỳ lạ vượt khó từ gánh hàng rong

Với gia đình cô Khánh, chú Hùng, đằng sau mỗi đĩa ốc thơm ngon phục vụ thực khách xa gần là cả một câu chuyện đầy cảm động về tình yêu, nghị lực vươn lên trong cuộc sống của những con người bất hạnh.

Trước đây, khi còn chưa mở quán ốc, thời còn con gái cô Khánh gồng gánh mưu sinh bằng nghề bán miến cua dạo trên khắp mọi nẻo đường ở phố cổ. Sau một lần bạo bệnh, do phải uống thuốc và điều trị kháng sinh quá liều nên cô Khánh hoàn toàn mất đi khả năng nghe.

“Một thời gian sau đó, do mất đi khả năng nghe lên nó lúc nào cũng ngẩn ngơ, tâm thần bất định. Đang yên lành, bỗng dưng bị điếc nên ai vào hoàn cảnh nó cũng sẽ thế thôi”, bà Hạnh – mẹ chồng cô Khánh chia sẻ.

Quán ốc người câm 7

Mỗi ngày, có rất nhiều lượt khách ghé đến quán để thưởng thức những món ăn ngon. Ảnh: Duẩn.

Không chịu đầu hàng trước số phận, một thời gian sau, người dân quanh khu phố lại thấy cô Khánh với gánh hàng miến cua quen thuộc trên vai. Mất đi khả năng nghe, gánh hàng của cô Khánh ngày nào cũng ế ẩm.

Một thời gian sau, nghĩ rằng việc bán miến cua sẽ tiêu tốn nhiều thời gian, công đoạn. Phần vì sau bạo bệnh, sức khỏe cô yếu dần đi, không đủ sức gồng gánh hàng đi khắp ngõ phố như trước được nữa nên cô chuyển quan bán ốc.

“Lúc ban đầu mới mở quán cũng khó khăn lắm. Khách đến ăn không hiểu ngôn ngữ của chủ quán, cũng chẳng biết quán có những món ăn gì nên bán được rất ít hàng. Sau này, nó mới nghĩ ra cách viết tên các món ăn lên biển rồi treo ở đó.

Quán ốc người câm 8

Nguồn nguyên liệu cũng được chủ quán chọn lựa kĩ càng trước khi chế biến. Ảnh: Duẩn.

Người tìm đến cử chỉ vào những món ăn trên biển để gọi món. Dần dần người ta cũng quen nên tìm đến ủng hộ nhiều hơn”, bà Hạnh nhớ lại quãng thời gian vất vả của gia đình con dâu.

Thời điểm đó, dọc phố Tống Duy Tân có rất nhiều quán ốc mọc lên. Bất lợi vì mất đi khả năng nghe dẫn đến việc giao tiếp với khách gặp rất nhiều khó khăn, lượng khách đến ít. Có khách đến gọi món nhưng chủ quán không nghe thấy gì nên khách lại bỏ đi sang quán khác.

Quán ốc người câm 9

Thực khách sẽ được tận mắt chứng kiến quy trình chế biến những món ăn thơm ngon. Ảnh: Duẩn.

Từ đó, cô Khánh, chú Hùng quyết tâm níu giữ thực khách bằng chính chất lượng của những món ăn do mình làm ra. Mỗi sáng, cô Khánh thường thức dậy rất sớm để đi chợ chọn mua ốc và những nguyên liệu cần thiết.

Từng con ốc được cô lọc lựa rất kĩ càng để đảm bảo những con ốc luôn ngon và béo nhất. Nhận thấy, với món ốc luộc, nước chấm là một trong những yếu tố then chốt quyết định thành bại nên cô Khánh lại mày mò, chế biến ra thứ nước chấm mang đặc trưng riêng của quán mình.

Quan oc nguoi cam 10

Nụ cười luôn nở trên môi những người nhân viên của quán. Ảnh: Duẩn. 

Chính những con ốc béo ngậy cộng với thứ nước chấm đậm đà là một trong những yếu tố khiến nhiều thực khách tìm đến với quán ốc của gia đình cô. Tiếng lành đồn xa, giờ đây, quán ốc nhỏ của gia đình cô đã trở thành điểm đến của nhiều thực khách.

Bản thân là một người khiếm thính, thấu hiểu được nỗi khổ của những người bị mất đi khả năng nghe, gia đình cô Khánh, chú Hùng lại quyết tâm nhận những người khiếm thính vào làm tại quán ốc của mình.

Quán ốc giao tiếp bằng cử chỉ

Khi thanh toán, nhân viên sẽ dùng điện thoại di động để thông báo số tiền cho khách hàng. Ảnh: Thời đại.

Cứ như thế, hơn 20 năm qua, dòng thời gian vẫn không ngừng trôi chảy nhưng những giá trị đẹp đẽ nơi “quán ốc người câm” của gia đình cô Khánh, chú Hùng vẫn còn mãi mãi vẹn nguyên trong tâm khảm của mỗi thực khách.

Nguyễn Duẩn
Theo Đời sống Plus/GĐVN