Thứ năm, 28/03/2024 | 19:50
RSS

Pin đồ chơi phát nổ, cháu bé 10 tuổi nhập viện với đa chấn thương

Thứ sáu, 12/08/2022, 06:43 (GMT+7)

Bệnh viện Bãi Cháy đã tiếp nhận cấp cứu một trường hợp bệnh nhi bị đa chấn thương phần mềm do đồ chơi bằng pin bất ngờ phát nổ.

Sự kiện:
Quảng Ninh

Sáng 12/8, thông tin từ Bệnh viện Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh) cho biết, bệnh viện này vừa tiếp nhận cấp cứu một trường hợp bệnh nhi bị đa chấn thương phần mềm do đồ chơi bằng pin bất ngờ phát nổ.

Cụ thể, bệnh nhi L.N.M (10 tuổi, trú tại huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh). Theo gia đình bệnh nhi, trước đó, cháu M. chơi đồ chơi bị nổ pin và các mảnh vỡ bóng đèn văng vào người. Thời điểm được đưa vào viện cấp cứu, cháu M. trong tình trạng tỉnh, vết thương do dị vật ở nhiều vị trí bàn tay, cẳng tay, cẳng chân, ngực, bụng chảy máu.

Từ kết quả chụp X quang, CT scan ổ bụng, các bác sĩ đã hội chẩn chuyên khoa chẩn đoán vết thương phần mềm dị vật nhiều vị trí, vết thương thấu bụng có dị vật ở gan. Êkíp phẫu thuật đã nhanh chóng thực hiện phẫu thuật cấp cứu lấy dị vật tại các vị trí tổn thương, nối gân ngón tay cho bệnh nhi. Sau phẫu thuật, tình trạng em M. ổn định và được xuất viện.

Pin đồ chơi phát nổ, cháu bé 10 tuổi nhập viện với đa chấn thương

Cháu M. nhập viện với đa chấn thương sau khi pin đồ chơi phát nổ. Ảnh: Báo Lao động

Các bác sĩ cho hay, có rất nhiều trường hợp trẻ chơi đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng kém và phát nổ dẫn đến những tổn thương nặng nề, để lại di chứng như tổn thương thủy tinh thể, mù mắt, cụt ngón, bàn tay hoặc chân… thậm chí tử vong tại chỗ.

Do tổn thương tại những bộ phận quan trọng trong cơ thể như tim, gan, phổi do dị vật. Trường hợp bệnh nhi này may mắn được cấp cứu và phẫu thuật kịp thời kiểm soát, xử trí các vết thương tốt, không để lại di chứng nặng nề.

Để giảm nguy cơ mất an toàn do nổ pin, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần chọn đồ chơi có nhãn mác, thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nơi bán uy tín cho trẻ, hướng dẫn trẻ chơi đồ chơi đúng cách. Trong trường hợp muốn cho bé chơi những đồ chơi có sử dụng pin như ôtô, trống, kèn, đèn lồng phát sáng…nên sử dụng loại có gắn vít ở chỗ lắp pin để bé không thể tự tháo, lắp pin. Để đồ chơi có pin xa những nơi có nguồn nhiệt cao, tránh va đập mạnh, nếu có dấu hiệu hư hỏng, tốt nhất là nên loại bỏ.

Bên cạnh đó, không nên để pin ở bên ngoài hộc đựng pin của đồ chơi vì trẻ có thể chơi những khối pin này hoặc thậm chí nuốt chúng, từ đó gây ra chấn thương nghiêm trọng. Phụ huynh cũng cần giám sát các thiết bị cần sạc pin. Khi pin đầy, rút dây cắm sạc, tránh sạch quá nhiều, đôi khi làm pin quá tải và gây nổ. Ngoài ra, người giám sát nên yêu cầu trẻ không được vừa sạc pin vừa chơi đồ chơi.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại