Thứ bảy, 20/04/2024 | 13:59
RSS

Phúc thẩm kẻ sát hại thiếu nữ 16 tuổi ở Long Biên: Nỗi lòng người mẹ khi nghe con y án tử hình

Thứ bảy, 18/03/2017, 13:46 (GMT+7)

Nghe tòa phúc thẩm phán con án tử hình, mẹ bị cáo trong vụ thiếu nữ 16 tuổi bị sát hại ở Long Biên bàng hoàng, đau xót. Nước mắt cứ thế lăn dài trên đôi má gầy sạm đầy dấu vết của sự lam lũ.

Nghe tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội y án sơ thẩm đối với con trai Nguyễn Trí Long (SN 1990, trú tại huyện Hoài Đức, Hà Nội) về tội Giết người, bà Nguyễn Thị N - mẹ bị cáo bàng hoàng, đau xót. Nước mắt cứ thế lăn dài trên đôi má gầy sạm đầy dấu vết của sự lam lũ.

Giết con khi đến đòi nợ mẹ

TAND tối cao tại Hà Nội đã mở phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Nguyễn Trí Long và bị cáo Nguyễn Quang Tùng về tội Giết người và Che giấu tội phạm theo đơn kháng cáo của các bị cáo. Cả hai bị cáo mong muốn xin được giảm nhẹ hình phạt để có cơ hội làm lại cuộc đời.

Bản án sơ thẩm ghi rõ: Tháng 8/2015, chị Lương Thành Lan (SN 1979, trú tại quận Long Biên, Hà Nội – mẹ của nạn nhân) nhờ Nguyễn Trí Long đòi số tiền 15 triệu đồng của anh Lê Trung Kiên (SN 1980, trú tại quận Long Biên, Hà Nội). Chưa lấy được tiền nợ nhưng Long vẫn đòi chị Lan tiền công và chi phí đi lại khoảng 3 triệu đồng. Chính vì vậy, giữa hai bên xảy ra mâu thuẫn.

Thiếu nữ 16 tuổi bị sát hại ở Long Biên 1

Bị cáo Long (bên trái) trước tòa phúc thẩm vụ thiếu nữ 16 tuổi bị sát hại ở Long Biên, Hà Nội

Khoảng 10h ngày 19/11/2015, Long gọi điện cho Nguyễn Quang Tùng (SN 1991, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) bảo chiều cùng sang đòi tiền chị Lan. 15h cùng ngày, cả hai đến nhà chị Lan.

Sau khi bấm chuông cửa không có ai mở, Long bảo Tùng vào xem thì gặp P. - bạn của Quách Khánh Linh (con gái chị Lan) bảo chị Lan không ở nhà. Tùng thông báo với Long, Long vòng cửa sau thì gặp Linh, Linh nói: “Có gì cứ nói lại”.

Nghe vậy, Long nói: “Mẹ em nợ anh 5 triệu, em giải quyết thế nào”. Linh nói “không biết” và dùng tay kéo cửa định đóng lại nhưng Long giữ cánh cửa. Hai bên xảy ra xô xát, cãi nhau.

Long tát nạn nhân, thiếu nữ này dùng chân đạp lại. Thấy xô xát, Tùng đi ra xe máy, còn Long rút con dao trong người ra đâm thẳng vào ngực trái thiếu nữ 16 tuổi rồi đạp nạn nhân ngã xuống sàn. Sau đó hắn cầm dao đi nhanh ra xe máy và cả hai phóng về nhà.

Tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Nguyễn Trí Long tử hình về tội Giết người. Do Tùng đi cùng Long nhưng khi biết bạn phạm tội cũng không tố giác nên bị phạt 4 năm tù về tội “Che giấu tội phạm”.

Đứng trước vành móng ngựa phiên tòa phúc thẩm, Long bình tĩnh khai báo rành rọt các tình tiết trong vụ án. Bị cáo khai bản thân mình và nạn nhân không hề có mâu thuẫn gì xảy ra, nạn nhân cũng không có trách nhiệm gì trong việc bị cáo đến đòi nợ. Mâu thuẫn xảy ra là do cháu Linh nói khó nghe, còn xô đạp bị cáo khiến bị cáo nghĩ mình bị xúc phạm, tức giận không làm chủ được bản thân và ra tay sát hại Linh.

Tòa nhắc Long: “Cháu Linh đang tuổi ăn tuổi lớn, những lời nói của cháu có đôi chút bồng bột. Bị cáo lớn tuổi hơn, lẽ ra phải hiểu rằng, việc tước đi sinh mạng của cháu bé, lại là cháu gái khi không có mâu thuẫn gì là hành vi rất côn đồ. Tòa sơ thẩm áp dụng mức án tử hình là đúng người đúng tội”.

Long xin: “Bị cáo thân nhân tốt, chưa từng có tiền án tiền sự, chấp hành pháp luật Gia đình đã cố gắng bồi thường cho gia đình bị hại. Xin tòa xem xét vì mức tử hình là cao quá”.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Long mong HĐXX và gia đình bị hại thông cảm cho hoàn cảnh của bị cáo. Nguyên nhân sâu xa của sự việc bắt nguồn từ mối quan hệ giữa bị cáo và mẹ bị hại. Sau khi sự việc chưa được giải quyết dứt điểm, Long mới dùng dằng và đã sang nhà mẹ bị hại để đòi tiền.

Vì chính nạn nhân là cháu Linh cũng có một phần lỗi trong sự việc này khi buông ra những lời lẽ không đúng. Chỉ đến khi xô xát nhau, bị cáo mới rút dao ra chứ không phải rút dao từ ban đầu. Trong lúc tức giận, không làm chủ được bản thân nên bị cáo để xảy ra sự việc đau lòng. Luật sư bào chữa mong HĐXX có những phán quyết hợp tình để bị cáo có cơ hội được hoàn lương trở về.

Tuy nhiên, VKS bác lời bào chữa của luật sư cho rằng, bị cáo đã chuẩn bị dao từ trước, gây án khi mâu thuẫn xảy ra rất nhỏ nhặt. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, lẽ ra bị cáo nên tu chí làm ăn, có nghị lực vươn lên giúp đỡ gia đình, đằng này lại gây án mạng, gieo đau thương cho không chỉ cha mẹ bị cáo mà còn gia đình bị hại.

Nỗi đau của cha mẹ

Phiên phúc thẩm, bố mẹ bị cáo lầm lũi bước vào phòng xử. Ông bố vừa thở dốc vừa xin các đồng chí dẫn giải có thể gặp con một lúc. Vừa nói, người cha vừa húng hắng ho khiến ai trong phòng xử cũng phải xót lòng. Đồng chí dẫn giải cho Long gặp bố mẹ một lúc đầu giờ xử.

Long nắm tay bố: “Con xin lỗi bố mẹ. Con sai rồi, con chỉ mong được khoan hồng để về trả nợ bồi thường cho bị hại và làm lại cuộc đời”. Bố bị cáo lại ho thêm một tràng nữa. Người mẹ ngồi cạnh vừa vỗ ngực cho chồng, vừa khuyên con trai bình tĩnh chờ phán quyết của tòa.

Phiên xử bắt đầu, song bố bị cáo quá mệt nên được người nhà đưa về trước. Bà N – mẹ bị cáo ngồi lại, chỉ mong sẽ được nói vài lời trước tòa để xin giúp con trai.

Người phụ nữ đã ngoài 60 tuổi, vóc người nhỏ bé, đôi mắt đã mờ, lại mang bệnh nặng trong người kể: “Gia đình tôi thuộc diện khó khăn nhiều năm nay. Trong nhà hiện không có nổi 1 triệu đồng, chồng tôi bị di chứng để lại từ thời đi kháng chiến nên sức khỏe rất yếu, thường xuyên phải nhập viện theo dõi.

Từ khi nghe con phạm tội, bệnh tình ông ấy càng nặng hơn. Để có tiền, tôi vẫn phải đi chợ, còn chồng tôi đi làm bảo vệ. Khi xảy ra sự việc, tôi có tìm đến nhà nạn nhân mấy lần nhưng đều không gặp được”.

Long là con trai thứ 2, trong mắt bà, Long là người con ngoan và hiếu thảo. Hết cấp 2, vì gia đình nghèo không có tiền theo học tiếp, Long đi làm phụ bếp cho một nhà hàng trên Hà Nội.

Số tiền kiếm được không được bao nhiêu, nên thi thoảng Long mới có thể cho ông bà một ít để mua thuốc trị bệnh. “Chắc nó thấy khó khăn quá, nên muốn có tiền. Khổ quá là khổ, chúng tôi chỉ nhờ pháp luật thôi” – bà N. nghẹn ngào.

Bố mẹ đều ốm yếu, cuộc sống lại túng quẫn nên không có thời gian quan tâm đến công việc và mối quan hệ của con. Chưa bao giờ bà N. thấy con trai nói đến người phụ nữ tên Lan. Hôm con bị bắt, bà gặng hỏi, Long mới khai là “có quen biết” và “người ta nhờ con giải quyết mối quan hệ riêng tư của họ”.

Trước HĐXX, bị cáo cúi đầu nhận lỗi và xin nhận được tha thứ từ gia đình hai bên. “Bị cáo nhận ra lỗi, biết hành vi của mình là sai. Sau này có cơ hội bị cáo nhất định sẽ bồi thường cho gia đình bị hại”.

Tuy nhiên, HĐXX phiên phúc thẩm cho rằng, hành vi này là côn đồ, gây mất trị an, coi thường pháp luật, không còn khả năng cải tạo được nữa, Tòa y án sơ thẩm. Nghe thế, người mẹ khóc nấc thành tiếng. Giá như bà có thể quan tâm con nhiều hơn để có thể định hướng, phân tích giáo dục con thì có lẽ Long đã không phạm tội…

Quỳnh An
Theo Đời sống Plus