Thứ sáu, 22/11/2024 | 07:52
RSS

Phố Hạ Đình vắng vẻ, đìu hiu sau vụ cháy kho công ty Rạng Đông

Thứ ba, 10/09/2019, 11:28 (GMT+7)

Gần nửa tháng sau vụ cháy kinh hoàng tại nhà kho công ty Rạng Đông, nhiều nhà dân, hàng quán vẫn đóng cửa im lìm. Khẩu trang, thậm chí là mặt nạ phòng độc đã trở thành vật dụng hàng ngày của người dân.

Vẫn cửa đóng, then cài sau gần nửa tháng cháy nhà kho Rạng Đông

Nhiều cửa hàng ở Hạ Đình vẫn đóng cửa im lìm sau vụ cháy Ảnh: TP

Đã 12 ngày kể từ khi vụ cháy nhà kho Rạng Đông (Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) xảy ra, mùi khét vẫn quyện trong không khí khiến bất cứ ai đi qua khu vực này cũng cảm thấy khó chịu. Khẩu trang, thậm chí là mặt nạ phòng độc đã trở thành vật dụng hàng ngày của người dân nơi đây.

Quanh khu vực Công ty Rạng Đông nhiều hàng quán, công ty khóa cửa, thông báo chuyển địa điểm, nhiều người dân rời đi… Cụ thể, dọc phố Khương Đình, nơi cách đám cháy vài mét, hơn 25 ngôi nhà mặt tiền, trước đây là cửa hàng ăn, hàng quần áo buôn bán tấp nập thì nay khóa cửa im lìm.

Vẫn cửa đóng, then cài sau gần nửa tháng cháy nhà kho Rạng Đông

Người dân hầu hết đã tự sơ tán khỏi khu vực gần đám cháy, nhiều ngôi nhà vẫn khóa cửa. Ảnh: TP

Anh Đỗ Đình Hiệp, (36 tuổi, ở số 64, ngõ 342 Khương Đình) chia sẻ trên VNE, anh đang sắp xếp đồ đạc để mở lại cửa hàng bán bếp ga cách kho Rạng Đông vài gang tay. Sau vụ cháy, gia đình anh phải thuê một phòng trọ nhỏ trên đường Nguyễn Xiển.

Cả gia đình anh Hiệp gồm anh, vợ và 3 con nhỏ đã đến bệnh viện Xanh Pôn xét nghiệm nồng độ thủy ngân trong máu, nước tiểu và chụp phim X-Quang phổi. Hai ngày trước, đứa con lớn của anh ngủ dậy kêu đau đầu, chảy máu cam, đến chiều đứa út quấy khóc và cũng bị chảy máu cam. Hai vợ chồng anh Hiệp thì bị đau mỏi gáy, chóng mặt.

Vẫn cửa đóng, then cài sau gần nửa tháng cháy nhà kho Rạng Đông

Khẩu trang, thậm chí mặt nạ phòng độc trở thanh vật bất ly thân của người dân. Ảnh: VNE

Khi nhiều gia đình có điều kiện di rời khỏi hiện trường để đảm bảo sức khỏe ông Ngô Văn Lực 45 tuổi, công nhân chở vật liệu xây dựng vẫn cố bám trụ ở lại căn phòng trọ để nghỉ trưa, nấu ăn.

Trong căn phòng rộng 10 m2, ba chiếc quạt được ông Lực bật liên tục để thổi bớt mùi khét. Ông đi khám ở trạm y tế phường Hạ Đình ngày 6/9 với các triệu chứng, chóng mặt, mệt mỏi. Bác sĩ giới thiệu ông tiếp tục đến bệnh viện Xanh Pôn để theo dõi ngộ độc thủy ngân.

Vẫn cửa đóng, then cài sau gần nửa tháng cháy nhà kho Rạng Đông

Những tờ giấy thông báo tạm đóng cửa hoặc chuyển địa điểm tại các quán hàng. Ảnh: Thanh Niên

Cảnh tượng vắng vẻ đìu hiu quanh khu vực hiện trường cháy nhà kho Rạng Đông khiến nhiều người chạnh lòng. Những phố phường trước đây tấp nập, nhộn nhịp là thế mà nay hóa im lìm, người qua lại chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tại khu đô thị 54 Hạ Đình, nơi cách hiện trường vụ cháy 150 m, bốn toà nhà chung cư chỉ còn lác đác khoảng gần 50 nhà sáng đèn, hơn 250 hộ đã sơ tán đi nơi khác sau vụ cháy.

Thông tin trên Thanh Niên, ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Thanh Xuân (Hà Nội), cho biết ngày 9/9 có khoảng trên 20% học sinh (tương đương hơn 300 em) của Trường tiểu học Hạ Đình, đóng gần Công ty Rạng Đông, được phụ huynh cho nghỉ học mặc dù nhà trường vẫn hoạt động bình thường.

Vẫn cửa đóng, then cài sau gần nửa tháng cháy nhà kho Rạng Đông

Tòa chung cư chỉ còn vài phòng sáng đèn, hầu hết đã sơ tán đi nơi khác. Ảnh: VNE

Kết quả cập nhật mới nhất tính đến ngày 8/9 của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, lãnh đạo Công ty Rạng Đông thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy có sử dụng thuỷ ngân lỏng có độc tính cao hơn viên Amalgam.

Vẫn cửa đóng, then cài sau gần nửa tháng cháy nhà kho Rạng Đông

Hiện trường công ty Rạng Đông tan hoang sau vụ cháy kinh hoàng. Ảnh: Thanh Niên

Đồng thời, chỉ có một mẫu không khí tại điểm quan trắc trong nhà kho bị cháy có giá trị thuỷ ngân vượt 1,02 lần (giá trị đo trung bình 24 giờ) so với tiêu chuẩn của Việt Nam và vượt 1,532 lần ngưỡng khuyến cáo của WHO thay vì cao gấp 10-30 lần mức khuyến cáo của WHO như Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã thông tin trước đó.

Thiên Thanh (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN