Tai tiếng mang tên "Nước sạch Sông Đà"
Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (UpCoM, mã VCW) sau hàng loạt tai tiếng vẫn lãi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Cuộc chiến thâu tóm cổ phần tại công ty nước sạch lớn nhất thủ đô cũng gay gắt và chiến thắng thuộc về một đại gia khá kín tiếng.
Nước sạch sông Đà từng dính nhiều bê bối về chất lượng nước và hạ tầng công trình. Công ty đã để xảy ra 22 lần vỡ đường ống nước, dùng ống nhựa Trung Quốc chất lượng thấp khiến hàng triệu người dân Hà Nội lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Ai chịu trách nhiệm vụ "nước sạch sông Đà" nhiễm dầu?
Mới đây nhất, sự cố người dân một số quận Hà Nội như Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai… phát hiện nước có mùi khét nồng nặc, thậm chí có váng dầu đen. Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) đã phát hiện ra nguồn nước bị nhiễm dầu bẩn nhưng không báo cáo và không có bất cứ hành vi ứng cứu ngăn chặn ô nhiễm của nguồn dầu này theo quy định.
TP.Hà Nội xác nhận nguyên nhân của tình trạng trên là do việc đổ nhớt thải khu vực đầu nguồn, các mẫu nước có hàm lượng styren cao hơn giới hạn cho phép, kết hợp với mùi nồng nặc của clo. Hà Nội cũng đưa ra khuyến cáo người dân vùng nước nhiễm bẩn không dùng nước để nấu ăn, uống.
UBND Tp. Hà Nội khẳng định đây là trách nhiệm của Công ty nước sạch Sông Đà và yêu cầu công ty khắc phục sự cố. Dù xảy ra loạt bê bối lớn về chất lượng nhưng Công ty Nước sạch Sông Đà vẫn là "ông trùm" cung cấp nước sạch cho Hà Nội và đạt mức siêu lợi nhuận.
Chiều 16/10, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng dẫn đầu làm việc với UBND TP Hà Nội kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác cho hay, với TP Hà Nội, Thủ tướng rất quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường, nước sinh hoạt, đặc biệt là nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu thải. Trao đổi thêm bên lề cuộc làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, trách nhiệm của Hà Nội là phải tìm ra nguyên nhân và trách nhiệm của cơ quan cung cấp nước sạch. “Tại sao để xảy ra như vậy mà công ty cấp nước không minh bạch, không công bố, lại ngấm ngầm làm như thế là không được. Đã liên quan đến sức khỏe người dân phải công bố để cùng nhau đánh giá, cảnh báo và đưa ra các biện pháp khắc phục. Mình cứ giấu, che đậy là không được. Thủ tướng rất không hài lòng khi thấy người dân phản ánh như vậy mà mình cứ che che đậy đậy, đơn vị cung cấp dịch vụ chưa hoàn thành trách nhiệm”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh. |
Bỏ vốn 2 đồng, lãi 1 đồng
Báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà cho thấy, trong nửa đầu năm nay, doanh thu thuần của doanh nghiệp về bán hàng và cung cấp dịch vụ là 263,7 tỷ đồng, tăng 22,4% so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2018.
Giá vốn tăng, song Viwasupco vẫn đạt được 150,3 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng gần 27% so với cùng kỳ. Tại ngày 30/6/2019, tổng tài sản của công ty đạt 1.477 tỷ đồng.
Nợ phải trả của Nước sạch Sông Đà là 453 tỷ, trong đó chủ yếu là người mua trả tiền trước. Công ty có khoản vay nợ dài hạn 387 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đạt 1.023 tỷ, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 271 tỷ.
Năm 2018, Công ty Nước sạch Sông Đà đã bán ra 91 triệu m3 và đạt doanh thu 468 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lên tới 218 tỷ đồng. Đây là mức siêu lợi nhuận của một công ty nước sạch khi cứ 2 đồng thu về công ty lại lãi 1 đồng.
Năm 2019, công ty đặt mục tiêu doanh thu 534 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 183 tỷ. Kế hoạch khá thận trọng với sự giảm nhẹ của lợi nhuận nhưng thực hiện lại cao hơn nhiều.
Theo cập nhật của công ty, 6 tháng năm 2019 doanh nghiệp đạt doanh thu 263 tỷ, tăng 22,3% so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng chỉ 113 tỷ. Trong khi các chi phí tài chính, chi phí bán hàng không đáng kể khiến lợi nhuận từ kinh doanh tăng lên 133 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty cũng đạt 126 tỷ, tăng 37% so với cùng kỳ.
Ai nắm giữ Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà?
Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà trước đây có tên là công ty cổ phần nước sạch Vinaconex (thuộc Tổng Công ty Cổ phần Vinaconex) được thành lập vào tháng 3/2009.
Tháng 9/2009, công ty chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần, đổi tên từ Công ty TNHH MTV Nước sạch Vinaconex thành Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex. Sau đó được đổi tên thành Công ty CP nước sạch Sông Đà kể từ ngày 01/02/2018.
Chính vì lĩnh vực kinh doanh thiết yếu cộng với tập khách hàng lớn ở thủ đô, giới tài chính đã có một cuộc đua gay gắt để thâu tóm công ty này. Cuối năm 2017, sau nhiều tai tiếng, Vinaconex đã bán toàn bộ cổ phần thoái vốn tại Nước sạch Sông Đà. Khi đó, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Sinh Thái đã và Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE) vốn nổi tiếng trên sàn chứng khoán đã tham gia vào cuộc đua.
Tuy vậy phần thắng cuối cùng thuộc về Công ty Đầu tư phát triển Sinh Thái khi liên tục mua gom cổ phần thoái vốn từ Vinaconex gồm nhiều đợt và sở hữu 50,42% cổ phần tại đây, REE của doanh nhân Mai Thanh ngậm ngùi với vị trí thứ hai khi chỉ sở hữu 17,34 triệu cổ phần tương ứng 34,68% cổ phần của Nước sạch Sông Đà.
Gelex do ông Nguyễn Văn Tuấn làm chủ tịch nắm giữ 60,46% cổ phần nước sạch Sông Đà.
Đường đua gom cổ phiếu gay cấn là thế nhưng Sinh Thái đã ngay lập tức sang tên 25,21 triệu cổ phiếu cho Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex ngày 4/1/2018. Dưới góc nhìn tài chính, nhiều chuyên gia cho rằng khả năng Sinh Thái chỉ là cái tên đứng ra gom cổ phần cho nhà đầu tư giấu mặt là Gelex vì nhóm này không muốn lộ diện ngay từ ban đầu.
Cuộc đua thâu tóm Nước sạch Sông Đà sau đó cũng chốt hạ với nhiều giao dịch lòng vòng của nhóm Năng lượng Gelex. Tính đến nay, nhóm Gelex đã nắm giữ 60,46% cổ phần, REE nắm 35,95% cổ phần, Quỹ đầu tư MB nắm 2,22%. Đây là 3 cổ đông lớn nhất nắm gần 99% cổ phần công ty.
Theo tìm hiểu, Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex được sở hữu 100% bởi Tổng công ty Cổ phần Thiết bị điện Việt Nam Gelex. Gelex tự tin cho biết đang sở hữu chi phối Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà, đơn vị duy nhất cung cấp nước sạch từ nguồn nước mặt sông Đà cho thủ đô Hà Nội với công suất giai đoạn 1 là 300.000 m3/ ngày đêm.
Theo thông tin trên website chính thức của Gelex, Tổng công ty Thiết bị kỹ thuật điện được thành lập ngày 10/7/1990 nhằm tập trung sức mạnh các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc ngành công nghiệp kỹ thuật điện.
Ông chủ Nguyễn Văn Tuấn là ai?
Chủ tịch của Năng lượng Gelex chính là ông Nguyễn Văn Tuấn - doanh nhân thế hệ 8X nổi tiếng trong giới tài chính. Được biết, ông Tuấn sinh năm 1984, tại Hà Nam.
Xuất thân từ ngành tài chính - ngân hàng, ông Tuấn ngay từ khi còn trẻ đã nổi tiếng trên thương trường với những thương vụ M&A đình đám như vụ mua cổ phần thoái vốn tại Tổng công ty cổ phần Thiết bị Điện Việt Nam từ Bộ Công Thương ngay trên sàn. Trước đó là Công ty Dây cáp điện Việt Nam (CAV…
Hiện đại gia trẻ Nguyễn Văn Tuấn nắm nhiều chức vụ gồm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc của Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam, Chủ tịch Công ty Dây cáp điện Việt Nam, Chủ tịch Công ty TNHH Thiết bị điện, Phó chủ tịch Công ty TNHH S.A.S - CTAMAD, Phó Chủ tịch Công ty Hạ tầng Fecon.
Ngành nghề Gelex đang tập trung kinh doanh gồm cung cấp nước sạch. Ngoài ra, ông lớn này hiện nắm giữ 100% vốn tại Công ty TNHH Một thành viên năng lượng Gelex Energy hoạt động trong 3 lĩnh vực: đầu tư sản xuất điện sử dụng năng lượng tái tạo với các dự án điển hình là điện măt trời Ninh Thuận, Bình Thuận; đầu tư thủy điện với các dự án điển hình như Thủy điện Sông Bung 4A, Thủy điện CANAN 1, CANAN 2 và đầu tư khai thác và cung cấp nước sạch phục vụ đô thị với trọng điểm là Dự án nước sông Đà.
Các dự án trọng điểm của Gelex có địa điểm tại các vị trí vàng tại các thành phố lớn như: Tổ hợp khách sạn năm sao Melia Hà Nội và tòa nhà văn phòng HCO; Tổ hợp khách sạn, dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê tại số 10 Trần Nguyên Hãn và 27-29 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, HN; Tòa nhà văn phòng cao cấp Gelex Tower 52 Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng, HN. Ngoài ra, TCT đã và đang đẩy mạnh việc đầu tư vào các khu công nghiệp như Khu công nghiệp Cát Hải - Hải Phòng, Tiền Phong - Quảng Ninh.
Tổ hợp khách sạn Melia Hà Nội.
Đặc biệt, mới đây tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2019, Gelex cũng chính thức thông báo lấn sân sang lĩnh vực mới- bất động sản Cụ thể, Gelex lên kế hoạch phát triển mảng bất động sản (BĐS) khu công nghiệp, phân khúc đang phát triển mạnh nhờ vào quá trình phân công lại sản xuất toàn cầu dẫn đến sự dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam. Bên cạnh đó, Gelex cũng đầu tư nhà ở xã hội, định hướng mở rộng thêm lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng trong mảng khu công nghiệp.
Việc mở rộng sang BĐS khu công nghiệp có thể được Gelex thực hiện theo hình thức đầu tư dự án hoặc mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp tiềm năng trong lĩnh vực này hoặc các hình thức khác. Gần đây, Gelex đã mua 9,8% phần vốn góp tại Tổng công ty Viglacera, đơn vị có quỹ đất khu công nghiệp hàng đầu khu vực miền Bắc vào cuối tháng 2/2019.