Thứ sáu, 19/04/2024 | 18:11
RSS

Chất gây mùi lạ trong nguồn nước sông Đà nguy hiểm thế nào?

Thứ ba, 15/10/2019, 15:02 (GMT+7)

Theo chuyên gia, styren chất gây mùi lạ trong nguồn nước tại Hà Nội những ngày qua có thể góp phần làm phát triển ung thư, giảm thị lực, thính giác và gây tổn thương hệ thần kinh.


Chất gây mùi lạ trong nguồn nước sông Đà khiến đời sống người dân Hà Nội gặp khó khăn 

Sáng ngày 15/10, trao đổi với báo chí về vấn đề nước sạch sông Đà "có mùi lạ" gây hoang mang lo lắng cho người dân, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết đã làm rõ nguyên nhân gây nên sự việc này.

Theo ông Chung, Thành phố vừa nhận được kết quả kiểm tra toàn bộ nguồn cung, xả nước của nhà máy nước sông Đà thuộc Công ty CP kinh doanh nước sạch sông Đà (VIWASUPCO).

"Có thể nói, nguồn ô nhiễm này do ở trên đầu nguồn nước có một số người dân đã vào đổ dầu phế thải vào đầu con suối sau đó chảy ra hồ và nhà máy không kiểm soát tốt dẫn đến chảy vào hệ thống lọc nước của nhà máy.

Từ hệ thống lọc nước này đã chảy vào hệ thống nước ăn của người dân. Đây chính là nguyên nhân tạo ra mùi bất thường. Mùi này qua kết quả xét nghiệm xác định, đó là liên quan đến chất styren và có tỷ lệ từ 1,3 - 3,6 lần cao hơn so với mức bình thường”, ông Chung cho biết.

Theo các chuyên gia hóa hoc Styren là chất lỏng không màu, nhẹ hơn nước và không tan trong nước nhưng tan nhiều trong dung môi hữu cơ. Styren được sử dụng trong xốp và góp phần làm phát triển ung thư, giảm thị lực, thính giác và gây tổn thương hệ thần kinh.

Về vấn đề với khối lượng nước lọc và cung cấp cho hàng nghìn hộ dân mỗi ngày, liệu nhà máy nước sạch sông Đà có thể lọc được hết số dầu đồn đọng hay không?


PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo người dân nên dừng sử dụng nước có mùi lạ

Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội nhận định việc này là phi thực tế và cho rằng việc lọc nước bị nhiễm dầu khó hơn nhiều so với lọc loại vật chất khác. Ông cho biết: "Việc dầu lẫn vào trong nguồn nước mà không có thiết bị lọc dầu, xử lý dầu thì nó sẽ tồn tại mãi. Dầu một khi phân tán vào nước sẽ tạo ra mùi cực kỳ khó chịu, nhưng rất khó có thể xử lý".

So sánh với việc lọc dầu ra khỏi nước và lọc các loại vật chất đơn thuần ra khỏi nước, PGS.TS. Thịnh cho rằng khó hơn rất rất nhiều, "những tạp chất vô cơ, cát sỏi, thậm chí nước sông Tô Lịch dù đen kịt nhưng lại dễ xử lý.

Tuy nhiên nước một khi đã nhiễm dầu lại khó hơn, dầu bản thân là hoạt chất khó xử lý, xử lý bằng phương pháp hóa học cũng khó, mà phải dùng biện pháp hấp thụ mới tách được. Nhưng cả khối lượng hàng nghìn mét khối nước thì không thể thực hiện biện pháp này được bởi đơn thuần là phương pháp này rất đắt đỏ".

Trước việc dầu có nguy hại gì đến cơ thể, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, dầu là một chất lạ đối với cơ thể người, nên khi sử dụng chất lạ vào cơ thể sẽ không an toàn. Ông cũng đưa ra khuyến cáo người dân nên dừng sử dụng nước có mùi lạ, đợi đến khi cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ rồi mới có thể sử dụng.


Sinh hoạt người dân ở chung cư HH Linh Đàm bị đảo lộn vì nước có mùi lạ

Trước đó, từ ngày 10/10 tại Hà Nội, hàng nghìn hộ dân đang sử dụng nguồn nước sạch Sông Đà ở các khu vực như: Hoàng Mai, Thanh Xuân, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm...phản ánh nước xuất hiện mùi lạ, khét rất khó chịu. Ngay sau đó, ngày Ngày 11/10, thành phố đã lập đoàn kiểm tra liên ngành đi lấy mẫu nước ở một số điểm.

Được biết Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch sông Đà đang cung cấp khoảng 300.000 m3 nước/ngày đêm cho toàn bộ khu vực Tây Nam Hà Nội gồm các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông và một số quận nội thành cùng một số khu vực khác thuộc hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc- Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông.

Minh Trang
Theo Đời sống Plus/GĐVN