Thứ bảy, 18/01/2025 | 16:11
RSS

OECD kêu gọi Hàn Quốc cải cách kỳ thi đại học

Thứ năm, 08/12/2022, 11:18 (GMT+7)

Kỳ thi tuyển sinh đại học tại Hàn Quốc (còn gọi là CSAT) vừa diễn ra vào tháng 11 vừa qua.


Kỳ thi đại học Hàn Quốc nổi tiếng là khốc liệt với tỷ lệ cạnh tranh cao.

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu, gần đây nhất là đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy, kỳ thi này đang gây chênh lệch lớn giữa học tập và thực tế việc làm của sinh viên.

Điểm cốt lõi đằng sau sự phát triển kinh tế mạnh mẽ là các chiến lược dành cho giáo dục đại học Hàn Quốc cần ưu tiên hơn việc trang bị kỹ năng trong thế giới thực. Nhưng hiện nay Hàn Quốc đang đối mặt với tình trạng lạm phát giáo dục do sự chênh lệch lớn giữa các kỹ năng được dạy trong trường đại học và các kỹ năng mà doanh nghiệp công, tư mong muốn.

Nghiên cứu mới đây của OECD chỉ ra Hàn Quốc có năng suất lao động thu từ chi tiêu giáo dục thấp nhất trong các quốc gia thành viên của tổ chức này. Tại Hàn Quốc, chi tiêu cho một học sinh vị thành niên nhiều hơn 40% so với Ireland nhưng thu lại ít hơn 60% GDP trên mỗi lao động.

Trao đổi với tờ Korea Times, Chuyên gia kinh tế OECD tại Hàn Quốc, Hwang Hyun-jeong, cho rằng nước này có thể phải cải cách hệ thống giáo dục, trong đó hướng đến thúc đẩy năng suất của người lao động.

Bà Hyun-jeong cho biết: “Cải cách giáo dục phải đi kèm các biện pháp phá vỡ tính hai mặt của thị trường lao động và nâng cao năng suất cũng như tiền lương của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Từ đó, khuyến khích người trẻ có trình độ đại học chấp nhận làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ thay vì xếp hàng tìm việc ở các doanh nghiệp lớn và khu vực công”.

Theo chuyên gia này, hệ thống giáo dục Hàn Quốc nên khuyến khích học sinh phát triển sở thích và tài năng cá nhân bằng cách xây dựng nhiều con đường dẫn đến thành công. Điều này đòi hỏi phải giảm bớt sự tập trung vào CSAT và cho phép sinh viên lựa chọn và thay đổi ngành học linh hoạt nhằm giảm chênh lệch giữa hệ thống giáo dục và thị trường lao động.

Theo phân tích của OECD, sinh viên Hàn Quốc có học lực tốp đầu thế giới nhưng ngay sau khi bước vào thị trường lao động, nhận thức của họ bắt đầu giảm với tốc độ nhanh nhất trong nhóm OECD. Nguyên nhân chủ yếu do sự cạnh tranh, tính độc lập và tinh thần tự học giảm.

Nghiên cứu của OECD cũng chỉ ra Hàn Quốc là quốc gia thành viên duy nhất có mức độ tương quan giữa các khóa học đại học và việc làm thực tế gần như bằng không.

“Cải cách giáo dục để giảm bớt sự chênh lệch. Chúng ta cần vượt qua niềm tin phổ biến rằng, con đường duy nhất dẫn đến thành công là bằng cử nhân địa học tốp đầu. Chọn trường danh tiếng nhưng nhiều sinh viên không chọn ngành học phù hợp với năng lực và sở thích, dẫn đến việc sử dụng nhân tài dưới mức tối ưu”, bà Hyun-jeong phân tích.

Nhìn chung, bà Hyun-jeong đánh giá việc mở rộng hệ thống giáo dục Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của đất nước. Nhưng hiện nay, hệ thống giáo dục vẫn phải đối mặt với nhiều trở ngại và cũng cần cải tiến để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động hiện đại.

 

Tú Anh - Theo KT
Theo Giáo dục & Thời đại