Chủ nhật, 19/01/2025 | 01:36
RSS

Nữ tài xế Mercedes gây tai nạn khiến một người chết đối diện hình phạt nào?

Thứ năm, 21/11/2019, 11:41 (GMT+7)

Sau khi gây ra vụ tai nạn nghiêm trọng khiến một người tử vong, nữ tài xế Mercedes đã ra công an trình diện. Dư luận đang rất quan tâm đến việc lái xe ô tô này sẽ phải đối diện với hình phạt nào?

Nữ lái xe Mercedes gây tai nạn, 1 người tử vong đối diện hình phạt nào?
Hiện trường vụ tai nạn

Liên quan vụ Mercedes GLC 250 gây tai nạn liên hoàn ở cầu Hòa Mục, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết nữ tài xế Vũ Thị Hồng Thái (47 tuổi) đã đến công an trình diện và khai khi lái xe đến gầm cầu vượt Lê Văn Lương thấy nhiều phương tiện dừng đèn đỏ phía trước và do đi giày cao gót lại mất bình tĩnh nên nữ tài xế đạp nhầm chân ga.

Chiếc Mercedes khi đó đã tăng tốc, đâm liên tiếp vào bốn phương tiện phía trước (một xe máy, một xe đạp điện). Vụ tai nạn liên hoàn khiến một cô gái (chưa rõ danh tính) tử vong tại chỗ. Ba nạn nhân bị thương gồm anh Trần Văn Thới (28 tuổi, quê Nam Định), chị Phạm Thị Hồng Nhung (18 tuổi, ở Cao Bằng) và anh Phạm Văn Út (28 tuổi, ở huyện Thanh Oai, Hà Nội).

Vụ va chạm làm ôtô Mercedes và ba xe máy cháy rụi. Theo cơ quan chức năng, chiếc Mercedes GLC 250 mới được mua ít ngày. Dữ liệu đăng kiểm xác định bà Thái là chủ phương tiện. Kiểm tra nồng độ cồn, bà Thái không vi phạm.

Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội) cho biết, chiếc xe Mercedes GLC 250 đã gây hậu quả rất nghiêm trọng làm một người tử vong tại chỗ và ba người khác bị thương. Để có căn cứ xử lý vụ việc cần đợi kết quả điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, lỗi của người lái xe, kết quả giám định thiệt hại về tài sản, sức khỏe của những người bị chấn thương.

Nữ lái xe Mercedes gây tai nạn, 1 người tử vong đối diện hình phạt nào?
Xe ô tô bị cháy rụi sau khi gây ra vụ tai nạn nghiêm trọng.

Theo thông tin ban đầu người điều khiển xe ô tô khai khi lái xe đến gầm cầu vượt Lê Văn Lương, bà định nhấn phanh khi thấy nhiều phương tiện dừng đèn đỏ phía trước nhưng do đi giày cao gót và mất bình tĩnh nên nữ tài xế đạp nhầm chân ga. Như vậy, xét dưới góc độ pháp luật người điều khiển ô tô đã không chấp hành tín hiệu đèn giao thông vượt đèn đỏ, vi phạm điểm C, khoản 3 Điều 10 Luật giao thông đường bộ.

Về vấn đề người phụ nữ điều khiển ô tô khai đi giày cao gót, mất bình tĩnh, không làm chủ tốc độ thuộc về ý thức chấp hành chấp hành luật giao thông đường bộ khi điều khiển phương tiện được quy định tại khoản 5, Điều 4 Nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ “Người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ”.

Nếu có căn cứ xác định người điều khiển xe ô tô có Giấy phép lái xe nhưng không chấp hành tín hiệu đèn giao thông đâm vào những phương tiện phía trước đã có dấu hiệu phạm tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 260 BLHS 2015.

Với hậu quả làm một người chết, nếu ba người bị thương không đáng kể hoặc không yêu cầu giám định tỷ lệ thương tật thì nhiều khả năng người điều khiển xe ô tô sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Khoản 1 Điều 260 BLHS với khung hình phạt cao nhất đến 05 năm tù.

Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

Nữ lái xe Mercedes gây tai nạn, 1 người tử vong đối diện hình phạt nào?
Nữ tài xế đến cơ quan công an trình diện sau tai nạn

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương có thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

...

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Cao Nguyên
Theo Đời sống Plus/GĐVN