Thứ sáu, 26/04/2024 | 19:48
RSS

Nói đến “chặt chém”, chẳng có nơi nào sánh bằng bệnh viện?

Thứ ba, 08/11/2016, 07:35 (GMT+7)

Hầu hết các dịch vụ, sản phẩm bày bán trong hoặc gần bệnh viện đều có giá “chặt chém” hơn nhiều so với bên ngoài từ đồ trong căng tin cho đến tiền gửi xe.

Nói đến nạn “chặt chém” là nhiều người nghĩ ngay đến ngành du lịch Tuy nhiên, không chỉ ngành du lịch mà ngay ở bệnh viện cũng có thứ “đặc sản” chẳng lấy gì làm hay ho này.

Nạn "chặt chém" ở bệnh viện khiến người dân vô cùng bức xúc bởi hầu hết các dịch vụ, sản phẩm bày bán trong hoặc gần khu vực bệnh viện đều có giá cao hơn nhiều so với bên ngoài.

Căng tin nâng giá hàng vô tội vạ

Theo khảo sát của báo Tuổi Trẻ tại nhiều bệnh viện tại TP.HCM cho thấy: sữa, bánh, nước ngọt… là những loại hàng hóa mà hầu như ai cũng phải mua đang được bán với giá cao hơn bên ngoài nhiều. Chẳng hạn 1 lốc sữa đậu nành Fami 6 hộp siêu thị bán giá 28.000 đồng, căng tin bệnh viện bán 45.000 đồng, lốc 6 lon nước yến bên ngoài bán giá 54.000 đồng thì trong bệnh viện bán tới 80.000 đồng...

Người dân vô cùng bức xúc với nạn chặt chém ở bệnh viện

Người dân vô cùng bức xúc với nạn “chặt chém” ở bệnh viện. Ảnh Tuổi Trẻ

Ở căng tin Bệnh viện Nhi Đồng 1, lốc nước yến 6 lon được bán với giá 72.000 đồng, trong khi giá siêu thị cùng mặt hàng chỉ 54.000 đồng. Trong số đó, căng tin bán giá đắt nhất là ở Bệnh viện Hùng Vương. Một người nhà bệnh nhân bức xúc khi mua hộp cốm lợi sữa với giá 270.000 đồng, nhưng ra bên ngoài hỏi thì giá thấp hơn rất nhiều.

Hộp bánh mặn AFC loại 4 gói bên ngoài bán 14.000 đồng, trong căngtin bán tới 30.000 đồng, sữa Fami bán 45.000 đồng so với 28.000 đồng bên ngoài.  Ở Bệnh viện Từ Dũ, một lốc 4 hộp sữa tươi Cô gái Hà Lan có đường được bán giá 36.000 đồng. Nếu bán lẻ, giá mỗi hộp là 9.000 đồng.

Tiền gửi xe “cắt cổ”

Không chỉ căng tin, quán cơm bụi mà nạn "chặt chém" ở bệnh viện còn xuất hiện ở những bãi gửi xe. Theo ghi nhận của báo giao thông tại bệnh viện Phụ sản T.Ư và bệnh viện Việt Đức, ngay ở cổng dọc theo dãy hành lang vỉa hè đều được tận dụng để làm bãi gửi xe do các công ty tư nhân khai thác như Công ty Cổ phần 901, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Nhật Cường…Tất cả không gian của vỉa hè bên phía cổng bệnh viện đều được lấp kín, chỉ chừa lại một lối nhỏ sát lòng đường cho người đi bộ.

Đáng chú ý, các khu gửi xe trong hoặc gần sát bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. Người tới khám hoặc thăm bệnh thường phải đi lòng vòng và chấp nhận gửi ở nhà dân với giá rất cao. Anh Nguyễn Quốc Dũng (quê ở Hà Nam) chia sẻ: “Sang bên này (nhà dân) gửi họ lấy 30 nghìn đồng/giờ, cũng đành cắn răng chịu thôi”, anh Dũng phân trần.

Trông giữ xe là một trong những dịch vụ “chặt chém” ở bệnh viện

Trông giữ xe là một trong những dịch vụ “chặt chém” ở bệnh viện. Ảnh Giao Thông

Trước những phản ánh về mức giá “cắt cổ” ở một số điểm trông xe trên đường Phủ Doãn, ông Trần Quốc Trung, Phó chủ tịch UBND phường Hàng Trống cho biết: “Ngoài bãi xe dọc bên cổng BV Việt Đức được quận cấp phép, chính quyền địa phương không cấp phép cho bất kỳ điểm trông giữ nào khác. Có thể một số nhà dân tự phát trông xe trước nhu cầu cấp thiết của người dân, nhưng cũng khó kiểm soát vì đây là nhà dân.

Chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm nếu phát hiện hiện tượng tự ý trông xe, thu tiền giá cao. Thực tế, với hạ tầng địa phương hạn hẹp thì việc đáp ứng đủ nhu cầu trông giữ xe như hiện nay vẫn là bài toán khó”.

Bộ Y tế quyết tâm xử lý

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng điểm mặt chỉ tên 7 loại dịch vụ có dấu hiệu "chặt chém" khiến bệnh nhân bức xúc: bảo vệ; dịch vụ vận chuyển, xe cứu thương; các điểm trông giữ xe; căng tin; giặt là; dịch vụ mai táng và bảo quản tử thi. Đây hầu hết là những dịch vụ do các bệnh viện liên kết với tư nhân hoặc tự làm.

Bộ Y tế quyết tâm ngăn chặn triệt để nạn “chặt chém” ở bệnh viện thời gian tới.

Bộ Y tế quyết tâm ngăn chặn triệt để nạn “chặt chém” ở bệnh viện thời gian tới. Ảnh minh họa

Nhằm ngăn chặn nạn “chặt chém” ở bệnh viện, thời gian tới Bộ Y tế tiếp tục thực hiện những giải pháp quyết liệt để chấn chỉnh các dịch vụ thuê, khoán như: trường hợp thu tiền vé xe của người nhà bệnh nhân quá cao, không có đủ chỗ gửi xe thì giám đốc sẽ phải chịu trách nhiệm; dịch vụ vận chuyển, dù không độc quyền nhưng không thể thả lỏng.

Mỗi bệnh viện thực hiện đấu thầu công khai, lựa chọn từ 2 đến 3 hãng vận chuyển có uy tín để phục vụ người bệnh. Thậm chí, "cả 7 dịch vụ phải được đấu thầu công khai, minh bạch để người dân biết và lựa chọn những gói dịch vụ phù hợp với túi tiền, tránh tình trạng độc quyền như thời gian qua”, bà Tiến nói.

Minh Thùy (t/h)
Theo Đời sống Plus