Thứ sáu, 26/04/2024 | 10:32
RSS

Nổ bốt điện ở Hà Đông: “Phải xem xét trách nhiệm của ngành điện lực đầu tiên”

Thứ bảy, 19/11/2016, 09:58 (GMT+7)

Người dân sống gần hiện trường vụ nổ bốt điện ở Hà Đông (Hà Nội) đã nói như vậy và tiết lộ thêm nhiều thông tin bất ngờ về tai nạn đáng tiếc này.

Liên quan đến vụ nổ bốt điện ở Hà Đông, Công an Q.Hà Đông (TP.Hà Nội) đã phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Công an TP.Hà Nội hoàn tất khám nghiệm hiện trường tại đường Trưng Nhị (phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông).

Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường vụ nổ bốt điện ở Hà Đông

Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường vụ nổ bốt điện ở Hà Đông. Ảnh Zing News

Theo đại diện Công ty điện lực Hà Đông (Tổng công ty điện lực Hà Nội), trạm biến áp bị nổ là trạm Bùi Thị Cúc 4, do đơn vị này đầu tư xây dựng, công suất 400 KVA-22/0,4 KV, thuộc dự án xây dựng mới các trạm biến áp trên địa bàn quận Hà Đông.

Đáng chú ý, vào lúc 10h30 ngày 17/11, Công ty điện lực Hà Đông tổ chức nghiệm thu trạm biến áp, tất cả các hạng mục đều đảm bảo tiêu chuẩn và quy chuẩn theo quy định. Đến 13h ngày 17/11, điện lực Hà Đông thực hiện đóng điện không tải, 14h45 cùng ngày thì trạm phát nổ.

Vụ nổ bốt điện ở Hà Đông đã khiến ông Vũ Đình Thái (63 tuổi) tử vong tại Viện Bỏng quốc gia, do bị bỏng quá nặng. Ông Thái cùng vợ là bà Nguyễn Thị Hạnh (57 tuổi, đang rất nguy kịch) là chủ quán trà đá gần trạm biến áp bị nổ.

Ngoài vợ chồng ông Thái, theo báo cáo của UBND quận Hà Đông còn 3 nạn nhân khác cũng bị bỏng trong vụ nổ, gồm ông Đinh Ngọc Long (47 tuổi) bỏng 80%, Nguyễn Mạnh Cường (38 tuổi, cùng phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông) và Nguyễn Đắc Sơn (33 tuổi, ở phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) cùng bị bỏng 12%.

Lõi của biến áp được cần cẩu lấy ra phục vụ công tác khám nghiệm

Lõi của biến áp được cần cẩu lấy ra phục vụ công tác khám nghiệm. Ảnh Zing News

Trao đổi với báo Thanh Niên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty điện lực Hà Nội cho biết đơn vị đã phối hợp chính quyền phường chịu toàn bộ chi phí tang lễ cho nạn nhân tử vong. Về trách nhiệm bồi thường với các nạn nhân, ông Tuấn nói “phải chờ kết luận về nguyên nhân vụ nổ".

Liên quan đến vụ việc, một người dân sống gần trạm biến áp Bùi Thị Cúc 4 tỏ ra bức xúc và cho rằng ngành điện lực đã tắc trách khi để xảy ra sự cố nổ trạm biến áp này.

''Bình thường thì không sao, mới sáng 17/11 một tốp thợ điện đã ghé trạm biến áp này sửa chữa. Sau khi họ rời đi thì trạm này gặp sự cố chập. Gần trưa, nhân viên điện lực đến đấu lại và vài giờ sau thì xảy ra vụ nổ…”, bà  Hoa (60 tuổi, Lê Lợi, Hà Đông) bức xúc nói với báo VOV.

Ông Hiếu, nhà gần khu vực thì cho rằng: “Đúng ra, khi sửa chữa hay lắp đặt gì thì phải có biển cảnh báo rõ ràng để người dân còn biết mà phòng tránh. Đằng này họ đến sửa rồi lại rời đi mà không hề báo một câu.

Bây giờ người chết, người bị bỏng nặng như vậy thì ai chịu trách nhiệm. Đúng là họa vô đơn chí....Việc này phải xem xét trách nhiệm của ngành điện lực đầu tiên…”.

Gia đình gào khóc khi thi thể ông Thái được đưa từ Viện Bỏng quốc gia về nhà tang lễ

Gia đình gào khóc khi thi thể ông Thái được đưa từ Viện Bỏng quốc gia về nhà tang lễ. Ảnh Thanh Niên

Còn chị Hà, bán nước đối diện, cũng là người nhà của một nạn nhân trong vụ cháy nổ cho rằng, trạm biến áp trên đã có dấu hiệu bị hỏng từ khoảng 9h sáng 17/11.

"Bên trong bốt điện có tiếng nổ lách tách, xuất hiện khói sau đó bên điện lực đã cho cắt điện và tiến hành sửa chữa. Đến chiều, khi các thợ điện đã ra về một lúc thì xảy ra sự việc. Có thể khi đó điện đã được đóng trở lại", chị Hà nói.

Được biết sau vụ nổ bốt điện ở Hà Đông, Tổng công ty điện lực Hà Nội có thông cáo báo chí cho biết nguyên nhân là trong quá trình dòng điện vận hành không tải, máy biến áp bất ngờ tràn dầu, gây ra cháy.

 

Tri Thu (t/h)
Theo Đời sống Plus