Khi tiểu cầu giảm sẽ dẫn tới xuất huyết như: Xuất huyết dưới da, niêm mạc (chảy máu cam, răng miệng, vị trí nơi tiêm truyền…).
Cụ thể, người bệnh cần làm các xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu cũng như các xét nghiệm chẩn đoán virus.
Dịch diễn biến phức tạp
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội số ca mắc sốt xuất huyết trong tuần qua tại Thủ đô tăng 8,9% so với tuần trước đó. Trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 1.312 ca mắc sốt xuất huyết, không có trường hợp tử vong. Bệnh nhân ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã. Một số đơn vị có số mắc cao là: Hà Đông (148), Thanh Oai (127), Phú Xuyên (110), Đống Đa (101).
Cộng dồn từ đầu năm đến ngày 4/11, toàn thành phố ghi nhận 10.716 trường hợp mắc, 12 ca tử vong. Số ca mắc tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 539/579 xã, phường, thị trấn. Type virus Dengue lưu hành đã xác định được là DENV1 và DENV2, DENV4.
Theo Sở Y tế Hà Nội, dịch bệnh sốt xuất huyết trên cả nước cũng như Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng nhanh. Theo dự báo, đỉnh dịch có thể rơi vào trung tuần tháng 11. Tại một số quận, huyện vẫn còn ổ dịch sốt xuất huyết được phát hiện muộn, ổ dịch kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm. Do đó, số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tăng.
Bên cạnh đó, người dân vẫn còn tình trạng lơ là, chủ quan, khi có những triệu chứng nghi ngờ, sốt chưa đến các cơ sở khám, chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Thường, bệnh nhân đến các cơ sở y tế muộn hoặc tự điều trị tại nhà nên diễn biến nặng và có thể tử vong.
Tại TPHCM, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết cũng diễn biến phức tạp. Tính đến cuối tháng 10, toàn thành phố ghi nhận 70.370 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Đa phần các trường hợp mắc bệnh có diễn tiến nhẹ và tự khỏi bệnh trong 7 - 10 ngày. Do đó, hầu hết các trường hợp sau khi được chẩn đoán mắc bệnh sẽ được điều trị, theo dõi, chăm sóc tại nhà.
Nguy cơ giảm tiểu cầu
BSCKII Nguyễn Thị Thảo, Phó Trưởng khoa Bệnh máu lành tính, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, cho biết, sốt xuất huyết là một bệnh nhiễm virus gây ra triệu chứng đầu tiên là sốt. Theo cảnh báo, thời gian nguy hiểm nhất của bệnh là từ ngày thứ 3 đến 7. Do đó, người bệnh nên đi xét nghiệm sốt xuất huyết từ ngày thứ 3 của sốt.
“Người bệnh cần làm các xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu để theo dõi số lượng tế bào máu thay đổi hằng ngày và các xét nghiệm chẩn đoán virus gồm xét nghiệm về kháng nguyên, kháng thể”, bác sĩ Thảo khuyến cáo.
Cũng theo bác sĩ Thảo, sốt xuất huyết thường dẫn đến giảm tiểu cầu vì trong quá trình nhiễm virus, cơ thể sinh ra các kháng thể chống lại virus. Các kháng thể đó vô tình phá hủy tiểu cầu qua cơ chế miễn dịch. Ngoài ra, virus nhiễm có thể gây ức chế tủy, dẫn đến giảm tiểu cầu tạm thời.
Khi tiểu cầu giảm sẽ dẫn tới xuất huyết như: Xuất huyết dưới da, niêm mạc (chảy máu cam, răng miệng, vị trí nơi tiêm truyền…). Nghiêm trọng hơn là chảy máu trong: Đau bụng, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, rong kinh…
“Người bệnh có nguy cơ xuất huyết cần nghỉ ngơi tại giường. Tránh đi lại, hạn chế can thiệp các thủ thuật. Tránh can thiệp vào các tĩnh mạch lớn, khó cầm máu như tĩnh mạch cổ, bẹn, dưới đòn.
Theo quy định mới nhất của Bộ Y tế năm 2019, người bệnh sốt xuất huyết cần truyền tiểu cầu khi số lượng tiểu cầu dưới 50 g/L và có các triệu chứng xuất huyết. Người bệnh không có triệu chứng xuất huyết trên lâm sàng, tiểu cầu dưới 5 g/L thì mới cần truyền tiểu cầu”, bác sĩ Thảo cho biết.
Tác dụng ngược khi lạm dụng thuốc
Trong khi đó, BSCKII Nguyễn Thanh Trường - Giám đốc Bệnh viện quận Tân Phú (TPHCM), cho biết, quan trọng nhất trong quá trình điều trị sốt xuất huyết là theo dõi sát, phát hiện sớm những dấu hiệu cảnh báo. Từ đó, có biện pháp chữa trị kịp thời.
Theo bác sĩ Trường, có 2 yếu tố bệnh nhân sốt xuất huyết cần theo dõi mỗi ngày. Đó là xét nghiệm dung tích hồng cầu và tiểu cầu chỉ được thực hiện tại các cơ sở y tế.
“Tốt nhất khi nghi ngờ bị mắc sốt xuất huyết, cần đến các cơ sở y tế để khám, chẩn đoán, điều trị và tư vấn cách điều trị tại nhà. Đừng vội tin những thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng”, bác sĩ Trường khuyến cáo. Ngoài ra, bác sĩ cũng khuyến cáo, nhóm có bệnh lý nền, phụ nữ có thai, béo phì… không được điều trị tại nhà. Những người này phải nhanh chóng đến các cơ sở y tế nếu có dấu hiệu sốt xuất huyết.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh nhân sốt xuất huyết đa số là nhẹ, có thể điều trị tại nhà. Song, điều đó không có nghĩa là tự điều trị. Do đó, người dân nên hiểu đúng hai vấn đề này. Bác sĩ Khanh khuyến cáo, tư tưởng “hết sốt là hết bệnh” của nhiều người là không đúng với bệnh sốt xuất huyết. Việc mọi người lạm dụng thuốc hạ sốt quá đà, quá liều, thay đổi thuốc liên tục có thể dẫn đến tác dụng ngược. Từ đó, ảnh hưởng đến gan, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Bác sĩ Khanh cho rằng, việc hạ sốt phải thực hiện từ từ, đúng chỉ định, nên có tư vấn từ bác sĩ và tái khám thường xuyên. Sau khi hết sốt, người bệnh vẫn phải theo dõi sức khỏe có những biện pháp tăng cường đề kháng để tiêu diệt hoàn toàn virus gây bệnh.