Thứ sáu, 22/11/2024 | 02:30
RSS

Người bệnh BHYT phải mua thuốc ngoài có thể được thanh toán

Thứ năm, 27/10/2022, 06:30 (GMT+7)

Đại diện BHXH Việt Nam cho biết đã có văn bản gửi Bộ Y tế hướng dẫn bệnh nhân thực hiện thủ tục thanh toán cho người bệnh BHYT phải mua thuốc bên ngoài do bệnh viện thiếu thuốc.

Trước tình trạng thiếu thuốc kéo dài, nhiều bệnh nhân BHYT phải tự mua thuốc đáng nhẽ được BHYT chi trả, ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, hiện BHXH đã có văn bản gửi Bộ Y tế hướng dẫn thanh toán trực tiếp cho các trường hợp này và hiện đang đợi hướng dẫn của Bộ Y tế. 

Đây là thông tin ông Phúc chia sẻ tại hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp do BHXH Việt Nam tổ chức ngày 26/10. 

Nhiều hệ lụy nếu để người bệnh BHYT mua thuốc bên ngoài

Theo ông Phúc, các trường hợp bệnh nhân BHYT phải mua thuốc (nằm trong danh mục BHYT chi trả) bên ngoài do cơ sở y tế hết thuốc, nếu có được thanh toán thì bệnh nhân cần phải làm thủ tục theo đúng quy định, cán bộ BHXH cũng phải giám định xem các thuốc đó có được chỉ định trong các bệnh án không, sau đó chuyển hồ sơ về cơ quan BHXH để xem xét thanh toán. 


Người bệnh BHYT phải mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài do bệnh viện thiếu thuốc có thể được thanh toán (Khám bệnh tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh BVCC)

Ông Phúc nhận định, việc thanh toán hóa đơn "mua thuốc bên ngoài" của bệnh nhân BHYT như vậy có rất nhiều rủi ro. Người bệnh có thể mua phải thuốc, vật tư y tế kém chất lượng. Không có hóa đơn, chứng từ đủ điều kiện để thanh toán... 

Ngoài ra cũng không tránh khỏi các tình trạng lạm dụng, trục lợi. Vì bệnh nhân tự mua thuốc như thế có thể giá cả đắt hơn so với giá thuốc đã được đấu thầu trong bệnh viện. Chưa kể đến khả năng có sự thông đồng giữa bệnh nhân, bác sĩ, nhà thuốc để chỉ định các loại thuốc, vật tư y tế không cần thiết để đi ra ngoài mua... 

"Đây là những hệ lụy của việc bệnh nhân phải đi ra ngoài mua thuốc. Hơn nữa, nếu cứ để người dân ra bên ngoài mua thuốc rồi cơ quan BHXH thanh toán thì trách nhiệm của bệnh viện cũng sẽ lơi lỏng. Bệnh viện cứ kê đơn và "mặc kệ" bệnh nhân ra ngoài mua thuốc", ông Phúc khẳng định. 

Theo ông Phúc, Bộ Y tế và các bệnh viện phải sớm có các giải pháp để chấm dứt tình trạng thiếu thuốc trong bệnh viện. 

"Còn đối với các bệnh nhân BHYT đã phải mua thuốc bên ngoài, hiện nay chúng tôi đã có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị có hướng dẫn thanh toán trực tiếp cho các trường hợp này. Khi mà Bộ Y tế có hướng dẫn thì chúng tôi cũng sẽ hướng dẫn bệnh nhân về các thủ tục thanh toán", ông Phúc chia sẻ. 

BHXH không "treo" chi phí khám chữa bệnh BHYT của các bệnh viện

Thời gian qua, có nhiều cơ sở y tế đã kiến nghị rằng chi phí khám chữa bệnh BHYT đã bị cơ quan BHXH "treo" không thanh toán, gây khó khăn cho cơ sở. 

Cụ thể, nhiều bệnh viện tại TP.HCM đã lên tiếng về việc, từ năm 2019-2021, chi phí phát sinh trong khám chữa bệnh BHYT của các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM không được Quỹ BHYT thanh toán là 1.088 tỷ đồng vì vượt tổng mức thanh toán. Nhiều bệnh viện lao đao vì bị thâm hụt nguồn thu, nguy cơ không có tiền chi trả cho nhân viên.

Về điều này, ông Phúc khẳng định: "Cơ quan BHXH không "treo" mà do các cơ sở y tế đã chi vượt định mức thanh toán theo quy định nên BHXH không thanh toán được. 

Theo ông Phúc, tổng số tiền vượt định mức thanh toán năm 2021 trên cả nước là hơn 4000 tỷ đồng. Năm 2021 là năm chống dịch covid-19 quyết liệt, có những đặc thù riêng. Do đó, BHXH Việt Nam đang trình Chính phủ về vấn đề này. 


Năm 2021, nhiều cơ sở y tế đã chi vượt định mức thanh toán BHYT dẫn đế tình trạng cơ quan BHXH không thể thanh toán số tiền này (Ảnh minh họa: Điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh BVCC)

Theo ông Phúc, các năm trước cũng đều có tình trạng vượt định mức thanh toán chứ không phải chỉ riêng năm 2021. Cũng không phải bệnh viện nào cũng vượt định mức. Cụ thể, các bệnh viện ở TP.HCM có khoảng 30 cơ sở khám chữa bệnh vượt định mức thanh toán. 

"Việc vượt định mức thanh toán có nhiều nguyên nhân nhưng chúng ta không thể không xem xét đến nguyên nhân cơ sở y tế đó tăng chỉ định điều trị, tăng sử dụng các loại thuốc biệt dược gốc đắt tiền không cần thiết. Trong đó, TP.HCM có tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc cao nhất cả nước", ông Phúc phân tích. 

"Việc giải quyết việc vượt định mức thanh toán không thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam. Hiện BHXH Việt Nam đã trình Chính phủ về vấn đề này", ông Phúc chia sẻ thêm. 

Việc vượt mức thanh toán không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Hiện Bộ Y tế và các đơn vị đã có đề xuất bãi bỏ điều 24 nghị định 146 về quy định tổng mức thanh toán. Nếu được thông qua, sẽ giải quyết chi trả cho các cơ sở khám, chữa bệnh.

Theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ (Nghị định số 146) quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, tổng mức thanh toán được xác định theo năm tài chính căn cứ vào chi phí khám chữa bệnh BHYT năm trước liền kề đã được cơ quan BHXH thẩm định quyết toán và phần chi phí phát sinh tăng hoặc giảm trong năm tại cơ sở khám chữa bệnh.

Những cơ sở y tế khám chữa bệnh vượt định mức được giao thì sẽ không được thanh toán.

 

Diệu Linh
Theo Dân Việt