Thứ sáu, 22/11/2024 | 03:57
RSS

Những thói quen dễ đột quỵ vào mùa đông hầu như ai cũng gặp phải, nhất là số 1

Thứ hai, 16/12/2019, 07:06 (GMT+7)

Mùa đông thời tiết lạnh giá, nhiều người rất dễ bị đột quỵ, nhất là những người đã có tiền sử bị bệnh lý tim mạch, huyết áp… Những thói quen dễ đột quỵ vào mùa đông hầu như ai cũng gặp phải nhưng lại không hề biết.

TS.BS Nguyễn Thị Thu Thủy – Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, đột quỵ rất dễ xảy ra trong những ngày mùa đông. Trời lạnh khiến cho cơ thể tăng tiết các catecholamine trong máu dẫn đến co mạch ngoại biên. Tình trạng co mạch làm lượng máu trở về tim tăng lên, dẫn đến huyết áp tăng lên, co thắt các mạch vành.

Điều này lí giải tại sao những người có tiền sử tăng huyết áp, bệnh tim mạch… hay có hiện tượng đau tức ngực khi không giữ ấm cơ thể, tay chân. Bên cạnh đó, thời tiết lạnh cũng làm tăng số lượng tiểu cầu, hồng cầu, độ nhớt của máu làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não, bệnh động mạch vành…

Những thói quen dễ đột quỵ vào mùa đông hầu như ai cũng gặp phải, nhất là số 1 - Ảnh 1.
Đột quỵ dễ xảy ra với những thói quen sinh hoạt xấu khi cơ thể đã có sẵn nền bệnh lý. Ảnh minh họa

Đột quỵ rất dễ xảy ra bởi những sai lầm, dưới đây là những thói quen dễ đột quỵ vào mùa đông hầu như ai cũng mắc:

1. Ngồi bật dậy ngay khi vừa thức dậy vào sáng sớm

Đa phần mọi người có thói quen mùa đông ngủ cố một chút rồi thức dậy là sẽ ngồi bật dậy ngay. Sáng sớm vừa ngủ dậy là lúc huyết áp tăng cao, việc bật dậy ngay sẽ khiến huyết áp tăng đột ngột. Huyết áp tăng cao sẽ làm tăng sức ép lên thành mạch, hình thành nên cục máu bít tắc lòng mạch… Ở những người có sẵn bệnh lý mãn tính, thói quen này càng không tốt khi tư thế thay đổi đột ngột, dễ dẫn tới đột quỵ.

"Nằm lười" trên giường một lát thay vì bật dậy luôn lại tốt vì cơ thể cần một chút thời gian để chuyển từ trạng thái ngủ sang trạng thái thức. Khi đó, mọi người có thể hoạt động tay chân, tự massage mặt, tay chân… nhẹ nhàng rồi ngồi dậy từ từ, ngồi một vài phút trước khi ra đứng dậy ra khỏi giường.

2. Tập thể dục quá sớm

Tập thể dục rất tốt cho sức khỏe nhưng không đúng thời điểm, nhất là trong mùa đông lại ngược lại. Thể dục ngoài trời sáng sớm ngày đông không tốt cho người cao tuổi, người mắc bệnh lý tim mạch, huyết áp… Những cơn tăng huyết áp thường xuất hiện vào buổi sáng. Để đảm bảo sức khỏe, người cao tuổi nên đi tập muộn hơn khoảng 7h trở ra. Khi đi thể dục nên mặc đủ ấm hoặc thể dục nhẹ nhàng trong nhà.

3. Ăn mặc thời trang "phang" thời tiết

Khi ra ngoài đường không giữ ấm cơ thể, nhất là các bộ phận như tai – cổ - bụng – bàn chân. Ở người trẻ còn có xu hướng ăn mặc thời trang "phang thời tiết" mặc rất ít quần áo ấm vì sợ mặc nhiều vướng víu, xấu xí. Khi đó cơ thể rất dễ nhiễm lạnh. Cơ thể nhiễm lạnh lại dẫn tới các hiện tượng như tê bì tay chân, đau tức ngực, tăng huyết áp… là nguyên nhân dẫn tới tai biến, nhồi máu cơ tim.

Do đó, khi ra đường mọi người chú ý mặc ấp, đeo khẩu trang, nhất là với những ai phải đi làm từ sáng sớm.

4. Tắm đêm

Có nhiều người có thói quen hoặc vì công việc mà hay tắm khuya. Việc tắm khuya vào những ngày lạnh nguy cơ đột tử rất cao. Đặc biệt là ở những người đã có nền bệnh lý sẵn như huyết áp, tim mạch, mỡ máu cộng thêm yếu tố khác như ăn uống no say…

Vào thời điểm này, nhiệt độ xuống rất thấp dù tắm nước ấm vẫn dễ khiến cơ thể bị lạnh. Nhẹ thì mọi người dễ gặp phải các triệu chứng như đau đầu, đau tay chân, nặng hơn dễ tai biến vì mạch máu co lại khiến việc lưu thông máu khó khăn.

Trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp đột tử khi tắm khuya. Bởi vậy mọi người nên sắp xếp công việc tắm trước thời điểm 20 giờ là tốt nhất. Trước khi tắm, bạn có thể làm ấm cơ thể bằng cách dùng tay hoặc khăn xoa nóng da 3 - 5 phút.

5. Thường xuyên thức khuya

Việc tắm đêm cộng với thức khuya là nguyên nhân rất dễ khiến cơ thể đột quỵ. Đặc biệt ở những người trẻ thường cậy sức khỏe nên có những trường hợp thức đến 2, 3 giờ sáng mới ngủ rồi 6 giờ hôm sau dậy khởi đầu một ngày làm việc mới. Khi thức khuya, cơ thể mệt mỏi, các hormone trong mạch máu có thể khiến cảm xúc bùng phát tiết ra chất adrenaline dẫn tới những bất thường trong mạch máu, gây đột quỵ.

Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, những người thường xuyên thức khuya, ngủ ít hơn 6 giờ/đêm có nguy cơ đột quỵ cao hơn 4,5 lần với những người ngủ 7 – 8 giờ.

Hà My
Theo Gia đình&Xã hội