Chủ nhật, 19/01/2025 | 01:41
RSS

Nhờ phương pháp này bệnh nhân đột quỵ não đã đi lại được sau 2,3 ngày

Thứ tư, 11/12/2019, 16:36 (GMT+7)

Sau khi can thiệp bằng phương pháp mới, người bệnh đã dần ổn định trở lại và sau 2,3 ngày người bệnh có thể tự đi lại sinh hoạt được.

Nhờ phương pháp này bệnh nhân đột quỵ não đã đi lại được sau 2,3 ngày
Nam bệnh nhân đột quỵ não dần hồi phục sau khi được các bác sĩ phẫu thuật can thiệp kịp thời.

Vừa qua Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận một ca đột quỵ não vào viện giờ thứ 3 khởi phát với triệu chứng đau đầu.

Người bệnh là anh Phùng Văn S, 53 tuổi (Tam Nông, Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng rối loạn ý thức, kích thích vật vã, đau đầu dữ dội, nôn nhiều. Gia đình cho biết người bệnh có tiền sử cao huyết áp nhưng không điều trị thường xuyên. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến đột quỵ não.

Trao đổi với PV, ThS.BS Phan Ngọc Nhu, bác sĩ điều trị chính cho người bệnh chia sẻ: “Trường hợp người bệnh S, ngay sau khi nhập viện được khẩn trương chụp cắt lớp vi tính mạch máu não, kết quả hình ảnh cho thấy người bệnh bị chảy máu não, màng não lan tỏa mức độ nặng, nguyên nhân do vỡ túi phình động mạch thông trước.

Với trường hợp này chúng tôi phải điều trị song song, vừa phải hồi sức tích cực để điều trị hậu quả chảy máu, màng não nặng, vừa xử lý nguyên nhân gây chảy máu bằng cách gây tắc túi phình động mạch não để cầm máu và chống chảy máu tái phát.”

Cũng theo bác sĩ Nhu, trong trường hợp này nếu không được xử lý, điều trị kịp thời người bệnh sẽ nặng lên và nguy cơ vỡ túi phình tái diễn có thể dẫn đến tử vong.

Nói đến kỹ thuật y học để điều trị cấp cứu người bệnh S. Bác sĩ chia sẻ “đã dùng kỹ thuật can thiệp nút túi phình động mạch não bằng coil (coil là các vòng xoắn kim loại), đã sử dụng 4 coil để làm tắc túi phình. Sau khi can thiệp người bệnh đã dần ổn định trở lại và sau 2,3 ngày người bệnh có thể tự đi lại sinh hoạt được.

Đột quỵ não đã từ lâu không còn là cái tên xa lạ với nhiều người, tuy nhiên vẫn còn một số người dân chưa hiểu rõ về căn bệnh này, thường nhầm lẫn nó với một số bệnh lý khác và chậm trễ đưa người bệnh đến bệnh viện.

Trường hợp người bệnh S, rất may là người bệnh đã được người nhà đưa đến bệnh viện kịp thời, vẫn nằm trong khung giờ vàng nên được cấp cứu và điều trị thành công. Đối với người bị đột quỵ thì thời gian là yếu tố quyết định rất nhiều tới việc điều trị thành công.

Một lần nữa bác sĩ Nhu nhấn mạnh tới mọi người: “Khi bản thân bị đột quỵ hoặc những người xung quanh có biểu hiện của bệnh đột hãy nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế gần nhất có khả năng điều trị được đột quỵ để được cứu chữa kịp thời”.

PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN