Thứ năm, 18/04/2024 | 09:37
RSS

Nghìn người chia sẻ bài thuốc phòng đột quỵ, bác sĩ cảnh báo 'đừng mù quáng'

Thứ tư, 28/11/2018, 07:13 (GMT+7)

Bài thuốc phòng đột quỵt được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội bởi nhiều người cho rằng chỉ cần làm duy nhất một lần mà lại có tác dụng đề phòng được đột quỵ cả đời.

Nghìn người chia sẻ bài thuốc phòng đột quỵ, bác sĩ cảnh báo 'đừng mù quáng'
Bài thuốc phòng đột quỵ từ các loại hạt được chia sẻ rất nhiều trên các trang mạng xã hội

Đắp thuốc ở bàn chân một lần phòng đột quỵ cả đời

Mới đây, một bài thuốc cổ truyền chống tai biến đã được chia sẻ 'chóng mặt' trên mạng xã hội Theo đó, tài khoản Facebook có tên Thần y Võ Hoàng Yên đã chia sẻ bài thuốc cổ truyển đắp vào gan bàn chân, làm duy nhất một lần mà lại có tác dụng đề phòng được đột quỵ cả đời. 

Được biết, bài thuốc dù mới được đăng tải trong thời gian ngắn nhưng nhận được sự quan tâm rất lớn từ cư dân mạng, với hơn 50 nghìn lượt chia sẻ và hàng nghìn lượt bình luận, yêu thích.

Bài thuốc được chia sẻ bao gồm:

Nguyên liệu: Hạnh nhân 10g, Chi tử 10g, Đào nhân 10g, Gạo nếp 10 hạt, Tiêu sọ trắng 10 hạt, Lòng trắng trứng gà 1 quả.

Cách làm: Tán nhỏ các loại hạt rồi trộn đều. Buổi tối trước khi đi ngủ trộn đều nguyên liệu đã được tán với gạo nếp và lòng trắng trứng gà. Cho tất cả hỗn hợp trên vào miếng vải đắp vào gan bàn chân. Trong khi đắp nên lấy vải hoặc băng y tế quấn chặt, không để thuốc chảy ra. Đắp thuốc này từ buổi tối để qua đêm, đến sáng hôm sau thì tháo ra. Lưu ý là nữ đắp lòng bàn chân phải, nam đắp lòng bàn chân trái.

Nếu sau khi tháo băng thấy lòng bàn chân có màu xanh biển là kết quả tốt (càng xanh đậm càng tốt).

Nghìn người chia sẻ bài thuốc phòng đột quỵ, bác sĩ cảnh báo 'đừng mù quáng'
Bài thuốc phòng chống tai biến được chia sẻ trên mạng xã hội

Bác sĩ nói gì?

Trả lời Đời sống Plus, bác sĩ đông y Hoàng Xuân Đại cho biết, đây là đơn thuốc theo dân gian chưa được kiểm chứng. các thành phần có trong bài thuốc này không đặc trưng để chữa hoặc phòng đột quỵ, thậm chí có thành phần còn gây nguy hiểm đối với người bệnh khi đang bị xuất huyết não. 

- Chi tử thực chất là hạt dành dành, có vị đắng, tính hàn, vào ba kinh tâm - phế - tam tiêu, thành phần chủ yếu là tinh dầu, chất nhầy. Chi tử có tác dụng thanh nhiệt, tả hỏa, thông suốt tam tiêu, thanh nhiệt, giải độc, tả hỏa, lợi tiểu, hạ huyết áp, cầm máu; thường dùng chữa chứng sốt, người bồn chồn, miệng khát, khó ngủ, họng đau, mắt đỏ, da vàng, tiểu tiện khó khăn, thổ huyết, máu cam, lỵ ra máu, tiểu ra máu…

- Hạnh nhân có vị đắng, tính hơi ôn, vào hai kinh phế - đại trường. Chúng dùng trị các chứng ho do phong hàn, hoặc phong nhiệt, ho suyễn, táo bón.

- Đào nhân là nhân hạt đã chế biến khô của quả đào chín, có vị đắng tính bình, vào hai kinh tâm - can. Đào nhân có tác dụng giãn mạch, tăng lưu luợng máu, ức chế máu ngưng tụ, co tử cung.

- Hồ tiêu có vị cay, tính rất nóng, dùng chữa đau bụng do lạnh, nôn mửa, ăn không tiêu, tay chân lạnh.

- Gạo nếp và lòng trắng trứng chủ yếu có vai trò kết dính các thành phần trên.

Theo bác sĩ Đại, việc nhiều người tuyên truyền bài thuốc này và khẳng định có tác dụng ngừa đột quỵ là hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Bất kể bài thuốc nào được lưu hành đều phải có giấy phép của cơ quan chức năng. Do đó, người bệnh không nên tin vào các bài thuốc chưa được kiểm chứng.

Đồng quan điểm trên, lương y Vũ Quốc Trung cũng cho rằng nếu nói tác dụng của bài thuốc này có thể phòng đột quỵ cả đời là không chính xác. Để ngừa đột quỵ tốt nhất nên kiểm soát tốt huyết áp của mình, đặc biệt là người béo phì, người lười vận động và người có tiền sử tăng huyết áp. 


Xem thêm video: Trẻ 10 tháng tuổi bị tím đùi, xước mặt sau khi từ trường mầm non về

Ngọc Châu
Theo Đời sống Plus/GĐVN