Thứ ba, 23/04/2024 | 18:42
RSS

Những sai lầm khi định hướng nghề nghiệp

Thứ sáu, 21/04/2023, 07:24 (GMT+7)

Nhiều học sinh, sinh viên có tâm lý hoang mang, lo lắng vì ngành học mình đã chọn lựa, không biết ngành đó khi ra trường sẽ làm gì?

Những sai lầm khi định hướng nghề nghiệp

Chọn nghề là giai đoạn quan trọng mà hầu hết mọi người đều trải qua. Ảnh minh họa

Các chuyên gia nhận định, việc định hướng nghề cho học sinh, sinh viên rất quan trọng, nếu định hướng sai sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.

“Quả bom hẹn giờ”

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH TPHCM, trong năm 2022 có 151.721 lao động mất việc, nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và 146.285 người đủ điều kiện, đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó có đến 45.543 lao động có trình độ đại học và trên đại học (chiếm tỷ lệ 31,14%).

Khảo sát nhu cầu lao động năm 2022 của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM cho thấy một khía cạnh khác. Có tới 78,86% tổng số người tìm việc làm có trình độ đại học trở lên. Số người có trình độ nghề đi tìm việc chỉ chiếm 18,68% tổng nguồn cung nhân lực.

Con số trên cho thấy lao động có trình độ nghề đang chiếm tỉ lệ thất nghiệp thấp. Trong khi đó, công việc của lao động có trình độ đại học trở lên và lao động phổ thông không có tay nghề tỉ lệ bị mất việc cao.

Phân tích nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học giáo dục ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, việc học sai ngành, chọn sai trường, thiếu việc làm, thiếu kỹ năng làm việc... là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giới trẻ ra trường sẽ thất nghiệp hay khó tìm việc làm tốt.

Theo ông Nam, nguyên nhân dẫn đến việc tỷ lệ lao động có trình độ cao đẳng, đại học thất nghiệp phần lớn đến từ ba yếu tố.

Thứ nhất, chúng ta hiểu nhầm về công tác hướng nghiệp chọn nghề dẫn đến không chuẩn bị kịp thời và chọn sai ngành. Từ trước đến nay, cha mẹ và học sinh thường hiểu sai công tác hướng nghiệp. Họ thường hiểu rất đơn giản, chỉ là chọn một việc để làm và kiếm sống nên cứ chọn một cái nghề nào đó mà gia đình đã có am hiểu, có quan hệ (theo nghề bố mẹ) để đảm bảo sự ổn định lâu dài.

Thứ hai, việc hướng nghiệp xa rời thực tiễn bối cảnh nghề nghiệp, không am hiểu bối cảnh xã hội, những xu hướng nghề nghiệp tương lai, những năng lực chung cần thiết để thành công trong các vị trí công việc và những con đường nghề nghiệp để giúp cá nhân phát triển bản thân đi đến thành công.

Cuối cùng là do sinh viên trong quá trình học với tâm thế ngại khó, không dám dấn thân nên không tự hình thành cho mình kỹ năng tự học; các kỹ năng mềm, lối tư duy phản biện và tinh thần đổi mới sáng tạo để có thể tự phát triển bản thân và gắn bó lâu dài với nghề. Do đó, nhiều sinh viên mới tốt nghiệp ra trường đã cảm thấy “hết hạn sử dụng” vì những kỹ năng mới học xong cũng đã bị lỗi lời và không còn giá trị với sự biến đổi nhanh như vũ bão của công nghệ và cuộc sống…

Dựa theo tình hình thực tế, PGS.TS Trần Thành Nam còn chỉ ra những sai lầm thường gặp của người trẻ hiện tại khi chọn nghề. Tiêu biểu phải kể đến như tư tưởng chọn nghề chỉ dựa vào năng lực học tập, chọn nghề theo trào lưu, chọn nghề vì lý do kinh tế, chọn nghề được xã hội trọng vọng, tư tưởng học gì cũng được miễn là học đại học...

Nếu học sinh, sinh viên không được hỗ trợ hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp đúng đắn, vấn đề này có thể trở thành “quả bom hẹn giờ” tác động tiêu cực tới nền kinh tế, cũng như sự ổn định và phát triển ở mỗi quốc gia.

Những sai lầm khi định hướng nghề nghiệp

Ảnh minh họa.

Định hướng nghề thế nào cho đúng?

Kết quả nghiên cứu từ một nhóm các chuyên gia đến từ Trường quốc tế ĐH Quốc gia Hà Nội đã sử dụng dữ liệu từ điều tra lao động việc làm của Tổng cục Thống kê các năm 2018, 2019 và 2020, trong đó tập trung vào lao động có bằng cấp cao nhất tốt nghiệp đại học và làm công ăn lương cho thấy, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường làm trái ngành là trên 24%. Trong đó, có nhiều ngành cử nhân phải làm trái ngành lên đến trên 60%.

Theo các chuyên gia, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp hoặc làm trái ngành chiếm tỉ lệ rất lớn là do nhu cầu về nhân lực ở một số ngành chỉ ở mức thấp, nhưng mỗi năm các cơ sở giáo dục đào tạo không ngừng cung cấp thêm nguồn nhân lực. Điều này dẫn đến nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc, từ đó thất nghiệp hoặc phải làm trái ngành. Ngoài ra, còn do sinh viên đã lựa chọn, định hướng sai ngành nghề như đã phân tích ở trên.

Ông Vũ Đức Nam, cán bộ tuyển sinh Trường Đại học FPT từng chỉ ra nhiều học sinh ngay từ môi trường phổ thông chưa định hình được ngành đó như thế nào, nhiều bạn không hiểu theo ngành Kinh tế sẽ học gì, học Quản trị kinh doanh sẽ làm gì nhưng vẫn chọn, dẫn đến trong quá trình học không thực sự cố gắng, nỗ lực.

Cũng theo ông Vũ Đức Nam, nhiều sinh viên tốt nghiệp nhưng năng lực không đáp ứng được yêu cầu công việc đề ra. Thậm chí, không trau dồi kiến thức, kỹ năng mềm trên giảng đường đại học dẫn đến thiếu những kỹ năng cần thiết như sự tự tin, khả năng giao tiếp, khả năng về ngoại ngữ… Để tìm kiếm những cơ hội việc làm tốt sau khi ra trường, bước đầu tiên phải hiểu và lựa chọn đúng ngành nghề, phù hợp với bản thân. Hiện nay, chọn ngành không chỉ dựa trên năng lực, sở thích mà phải dựa theo nhu cầu nguồn nhân lực của ngành đó.

Bà Đặng Hương Giang, Trường Đại học Thuỷ Lợi cho biết, hàng năm tỉ lệ sinh viên Trường Đại học Thủy Lợi tốt nghiệp có việc làm sau 3 tháng là trên 90%, còn sau 1 năm khoảng 97 - 98%. Để có tỉ lệ đó, nhà trường đã có những chính sách đào tạo như kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng phỏng vấn, thuyết trình… đưa kĩ năng mềm vào xuyên suốt quá trình học, đòi hỏi sinh viên không ngừng nâng cao kỹ năng, kiến thức, hoàn thiện bản thân.

PGS.TS Trần Thành Nam đưa ra 5 nguyên tắc chọn nghề, cụ thể là: Chỉ nên chọn nghề phù hợp với sở thích và hứng thú của bản thân; Không nên chọn nghề mà bản thân không đủ điều kiện đáp ứng (sở thích, tính cách, năng lực); Chỉ chọn khi đã hiểu biết đầy đủ về nghề (điều kiện, môi trường, tính chất, khó khăn, thách thức...); Không chọn nghề mà xã hội không còn nhu cầu; Chọn nghề đáp ứng được những giá trị mà bản thân coi là quan trọng và có ý nghĩa.

Vị chuyên gia khuyến cáo, khi áp dụng các nguyên tắc này, học sinh cần dựa trên những số liệu khách quan hoặc mô hình khoa học thực chứng, thay vì theo cảm tính. Ngoài ra, để chọn đúng, các em cũng nên biết thị trường lao động đang cần những nhân lực có trình độ như thế nào.

 

Phạm Hiền
Theo Giáo dục & Thời đại