Thứ bảy, 27/04/2024 | 03:20
RSS

Những mẹo giúp trẻ khỏi say xe mẹ có thể áp dụng dịp Tết này

Chủ nhật, 03/02/2019, 19:08 (GMT+7)

Người lớn say xe đã mệt và khổ thì trẻ nhỏ sẽ khó chịu hơn nhiều lần dù có thể bé chưa nói được. Cha mẹ hãy thử áp dụng các mẹo sau để giúp con khỏi say xe trong những lần di chuyển bằng tàu xe.

Những mẹo giúp trẻ khỏi say xe mẹ có thể áp dụng khi di chuyển dịp Tết này
Cha mẹ nên áp dụng các mẹo giúp trẻ khỏi say xe vì cũng như người lớn khi say xe trẻ rất mệt mỏi

Thông thường thì trẻ em ít say xe hơn người lớn nhưng ở trẻ dưới 2 tuổi thì ngược lại: khi đi tàu xe, các bé rất dễ gặp tình trạng ọc sữa, nôn ói.

Nguyên nhân là do ở trẻ nhỏ, góc tâm vị dạ dày - thực quản còn khá tù. Ở người lớn, góc tâm vị này là một góc nhọn nên ngăn thức ăn trào ngược lên hiệu quả hơn.

Bình thường, hệ thống này sẽ dần ổn định trước 2 tuổi nhưng có bé 1 tuổi đã ổn, có bé phải đến 2 tuổi.

Cách tốt nhất để giảm say xe là bé cần được tập cho quen dần: ban đầu di chuyển bằng ô tô, taxi, xe bus… ở quãng ngắn, rồi đi quãng dài dần, ví dụ đi các tỉnh gần, rồi mới đi qua đêm.

Tuy nhiên nếu thời gian gia đình bạn cần di chuyển bằng tàu xe đã cận kề, sẽ khó để tập cho bé. Vì vậy bạn hãy lưu ý những điểm sau để giảm bớt cảm giác khó chịu ở trẻ:

- Cho bé ngủ đủ giấc trước khi khởi hành. Bé có sức khỏe tốt, không thiếu ngủ sẽ có chuyến đi khỏe mạnh hơn, không còn cảm giác say xe hoặc nôn nao nữa.

- Cho bé ngồi ghế trước đầu xe sẽ ít bị xóc hơn, tầm mắt của bé sẽ xa hơn nên không bị tập trung vào những tình huống trên xe như vậy bé sẽ ít bị say hơn.

- Ăn, uống xong nên để bé ngồi, vỗ lưng nhẹ cho bé ợ hơi. Đừng cho nằm ngay, thức ăn và sữa sẽ dễ trào ngược.

- Tránh sử dụng nước cam vì các chất axit có trong loại quả này sẽ làm dạ dày bị tổn thương, đồng thời tránh uống các loại nước giải khát có chứa chất kích thích, nhất là cồn và cà phê, vì các chất này sẽ làm cho cơ thể mất nước nhiều hơn.

- Trước khi lên xe, bạn không nên cho bé ăn quá nhiều, những thực phẩm có nhiều dầu mỡ sẽ làm trẻ khó tiêu. Tốt nhất là cho trẻ ăn cháo trước khi khởi hành. 

- Nếu chuyến đi không quá dài, hạn chế không cho bé uống sữa trước và trong chuyến đi, bé sẽ dễ bị say nếu uống loại đồ uống này.

- Nói chuyện và chơi đùa với bé. Phản xạ gây nôn có thể vượt qua nếu như sự chú ý bị chuyển sang một vấn đề khác.

- Điều này đúng với cả người lớn và trẻ em, bạn hãy nhớ lại những chuyến đi vui vẻ cùng bạn bè, đùa giỡn suốt hành trình, rất khó lòng say xe.

- Khi đi tàu xe, nên cho bé ăn không quá no cũng không được để đói. Tuyệt đối không vì sợ nôn ói mà bắt bé nhịn hoặc ăn quá ít, bé sẽ càng mệt.

- Với bé lớn hơn, nếu những lần đi ô tô trước bé không say xe, bạn không cần quá lo lắng vì trẻ em tuổi đó cũng ít khi say xe. Nhưng nếu bé đã say xe nặng nhiều lần thì có thể uống thuốc trước khi bắt đầu hành trình.

- Cha mẹ cũng có thể chuẩn bị thêm một số thứ giúp giảm bớt triệu chứng say xe là bánh mì hay vỏ cam, quýt để bé ngửi khi lên xe.

- Nếu dùng thuốc cho trẻ phải dùng thuốc chống say xe dành riêng cho trẻ em, tuyệt đối không được sử dụng thuốc (uống hoặc dán) của người lớn.


Xem thêm clip: ​Bí quyết xử lý khi trẻ bị ngạt mũi về đêm.

TH
Theo Đời sống Plus/GĐVN

CÙNG CHUYÊN MỤC

Ngày 1 tháng 6 là ngày gì? Những ngày lễ nào diễn ra vào tháng 6? Hãy cùng Đời sống Việt Nam tìm hiểu thông tin về ngày 1/6 qua bài viết sau đây.