Thứ năm, 28/03/2024 | 21:19
RSS

Những loại cây quen thuộc hỗ trợ phòng trị bệnh sốt xuất huyết hiệu quả

Thứ năm, 26/11/2020, 13:03 (GMT+7)

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, xuất hiện quanh năm, tăng cao vào mùa mưa. Bài thuốc từ loại cây quen thuộc dưới đây hỗ trợ phòng trị bệnh sốt xuất huyết rất hiệu quả.

Bài thuốc từ loại cây quen thuộc hỗ trợ phòng trị bệnh sốt xuất huyết hiệu quả

Bệnh sốt xuất huyết xuất hiện quanh năm, tăng cao vào mùa mưa

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền và có thể gây thành dịch lớn. Bệnh xuất hiện quanh năm, tăng cao vào mùa mưa, đặc biệt là sau bão lũ. 

Theo y học cổ truyền, sốt xuất huyết thuộc ngoại cảm phong nhiệt thuộc chứng ôn bệnh, còn gọi ngoại cảm ôn tà. Trên lâm sàng biểu hiện sốt cao đột ngột, sốt liên tục, khi sốt cao sẽ dẫn đến tổn thương phần âm tân dịch. 

Nguyên nhân gây sốt xuất huyết chủ yếu là do hỏa thịnh âm hư, nhức mỏi do nhiệt tà uất kết. Phép trị: tân lương giải biểu, thanh nội nhiệt, dưỡng âm, cầm huyết, thư cơ, nên vừa giải phong nhiệt vừa cố giữ đến phần âm là chính, kết hợp thanh hỏa mà huyết cầm, giải nhiệt tà đau mỏi sẽ giảm... 

Dưới đây là bài thuốc Nam từ các nguyên liệu phổ biến, trong đó có rau má giúp phòng trị sốt xuất huyết rất công hiệu làm giảm các triệu chứng khó chịu bệnh như chứng sốt cao, xuất huyết, nhức mỏi, bứt rứt khó ngủ…khi bệnh còn nhẹ độ I, II.

Bài thuốc từ loại cây quen thuộc hỗ trợ phòng trị bệnh sốt xuất huyết hiệu quả

Rau má là nguyên liệu trong bài thuốc nam giúp phòng trị sốt xuất huyết hiệu quả

Thành phần

Cỏ mực 16g, lá tre 16g, rễ cỏ tranh 16g, rau má 16g, cát căn 16g, đậu đen 40g. Trong đó:

- Rau má (tích tuyết thảo): Vị ngọt đắng, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, dưỡng âm, nhuận can, lương huyết, lợi tiểu, giải độc. 

- Cỏ mực (hạn liên thảo): Vị ngọt cay, tính hàn, vào can và thận. Tác dụng giải nhiệt dưỡng âm, thanh hỏa cầm huyết, là chủ dược.

- Lá tre (trúc diệp): Vị ngọt mát, vào tâm, phế, vị. Tác dụng thanh tâm, tả hỏa, lợi tiểu. Chữa chứng nội nhiệt tâm phiền nóng bứt rứt khó ngủ, tiểu ít, tiểu dắt, nôn khan.

- Rễ cỏ tranh (bạch mao căn): Vị ngọt, tính mát vào tâm tỳ vị, tác dụng mát huyết, thanh nhiệt lợi tiểu cầm huyết, thanh giải nhiệt tà phần lý. Trị chứng khái huyết, xuất huyết tiểu tiện.

- Sắn dây (cát căn): Vị ngọt tính bình, vào tỳ vị. Tác dụng tán nhiệt (giải nhiệt tà ra ngoài), sinh tân dịch, bớt khát, tiêu độc thấu chẩn, giải kinh (chống co giật, giảm đau nhức).

- Đậu đen (hắc đậu): Vị ngọt tính mát. Tác dụng bổ huyết, trừ phong thanh nhiệt dưỡng âm, giải độc, lợi tiểu, hạ sốt, cầm huyết. Ngoài ra đậu đen rất giàu dưỡng chất như protid, lipid, glucid, vitamin C, B1, B2, PP, caroten, đều là dưỡng chất có vai trò chất bổ chính khử tà.

Cách sử dụng

Sắc uống ngày 1 - 2 thang, mỗi thang sắc 2-3 lần, mỗi lần đổ 3 chén nước sắc còn 1 chén, uống liên tục cho đến khi hết sốt, khỏi bệnh. Ngoài ra, nếu sốt kèm đau họng, nổi ban nhiều gia kim ngân hoa 20g.

Nếu nhức mỏi cơ gia sắn dây lượng gấp đôi. Nếu nóng bứt rứt, khó ngủ gia lá tre gấp đôi. Nếu chảy máu cam, chảy máy chân răng, nôn khan, nôn ra máu, xuất huyết đại tiểu tiện, tăng vị rễ cỏ tranh gấp đôi. Nếu có tiêu chảy thì cỏ mực, rễ tranh nên sao vàng.

Giai đoạn hết sốt, bệnh nhân người mệt mỏi tay chân lạnh, nổi da gà, dễ vã mồ hôi “huyết áp tụt”, giảm vị cỏ mực, rễ cỏ tranh; thêm sâm ngọc linh 12g hoặc nhân sâm, đảng sâm, mạch môn, mỗi vị 14g; ngũ vị tử 10g, để tăng tác dụng bổ khí liễm hãn dưỡng âm sinh tân.

Tác dụng

Giải nhiệt tà dưỡng âm, thanh hỏa cầm huyết, thư cơ, bổ chính khử tà. Chủ trị sốt xuất huyết, sốt nhiễm siêu vi, “ôn bệnh”. Ngoài ra bài này còn chữa cảm cúm, sốt cao, người nóng trong, đau đầu, đau mình dùng đều có hiệu quả tốt. Tuy nhiên, khi có những triệu chứng bệnh nặng, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị bệnh kịp thời.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN