Phun thuốc phòng bệnh sốt xuất huyết lây lan. Ảnh minh họa
Ngày 24/10, ông Lê Quang Hùng - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định cho Dân trí biết, tính đến hết ngày 21/10, toàn tỉnh ghi nhận 5.104 ca sốt xuất huyết, trong đó có 1 ca tử vong. Hiện có 309 ổ dịch sốt xuất huyết đã được phát hiện và xử lý kịp thời. Như vậy, bình quân mỗi ngày có 30 - 35 ca mắc bệnh mới.
Theo ông Hùng, so với cùng kỳ năm 2019, hiện tình trạng dịch sốt xuất huyết đang tăng cao trên địa bàn. Số ca mắc bệnh sốt xuất huyết đươc ghi nhận tại 149/159 số xã, phường trên địa bàn tỉnh Bình Định, có 10 địa phương chưa phát hiện ca bệnh.
Một số địa phương có ổ dịch và số ca mắc bệnh cao như: thị xã Hoài Nhơn có 1.011 ca mắc sốt xuất huyết được ghi nhận tại 17/17 phường, xã của thị xã; huyện Tây Sơn với gần 800 ca mắc tại 15/15 xã, thị trấn; TP Quy Nhơn với 558 ca…
Theo nguồn tin trên báo Bình Định, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định cho hay, từ đầu năm 2020 đến nay, bệnh viện tiếp nhận khoảng 3.000 ca, tăng 15 - 20% so với cùng kỳ; đặc biệt hơn 1 tuần trở lại đây số ca nhập viện do sốt xuất huyết tăng cao.
Theo vị lãng đạo này, có thời điểm, khoa Nhi tiếp nhận gần 160 ca, trong đó có hàng chục ca bị sốt xuất huyết. Bệnh viện phải khám sàng lọc, tùy trường hợp mới cho nhập viện, còn nhẹ thì điều trị ngoại trú, nếu không sẽ quá tải. Trong khi đó tại khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, chỉ có 66 giường bệnh nhưng hiện phải điều trị cho hơn 100 ca mắc sốt xuất huyết.
Trước tình hình dịch sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát, ngành chức năng ở các địa phương đã thực hiện các chiến dịch phun thuốc diệt bọ gây. Tuy nhiên, việc phun thuốc chỉ theo đợt, còn việc duy trì hàng ngày phải từ mỗi người dân
Sở Y tế Bình Định khuyến cáo người dân nếu ngủ trưa thì cần mắc mùng để tránh bị muỗi đốt. Cùng với đó, người dân phải nâng cao ý thức diệt bọ gậy tại gia đình, vệ sinh nhà cửa, thường xuyên kiểm tra các lu nước, cọ rửa thay nước; đặc biệt lưu ý trong quạt hơi nước, lọ hoa… là các ổ của bọ gậy phát triển.