Chủ nhật, 19/01/2025 | 11:48
RSS

Nhiều tài xế Grabbike sợ hãi tính chuyện bỏ nghề sau vụ giết người rúng động

Thứ ba, 01/10/2019, 14:32 (GMT+7)

Vụ việc nam sinh chạy Grab là Nguyễn Cao S (quê Thanh Hóa) chở khách, bị sát hại ở bãi đất hoang thuộc quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) khiến nhiều người hành nghề Grab cảm thấy bất an, lo lắng.

Gần hai ngày qua, sau khi vụ việc nam sinh Nguyễn Cao S. (SN 2001, quê huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá) bị sát hại khi đi chạy Grab khiến dư luận vô cùng xôn xao. Thi thể nạn nhân được phát hiện tại khu vực bãi đất hoang ở phường Thuỵ Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Ngay sau khi nghe thông tin vụ việc này nhiều tài xế chạy xe ôm không khỏi sợ hãi, đặc biệt, có rất nhiều tài xế từng bị cướp tài sản khi chở khách. Nguyễn Vân Đức (SN 1999, quê Bắc Ninh), sinh viên năm 3 tại 1 trường Đại học ở Hà Nội và cũng làm thêm nghề chạy xe ôm công nghệ để kiếm thêm thu nhập cho Saostar biết bản thân cảm thấy vô cùng bàng hoàng và thương xót cho nạn nhân và gia đình.

Theo Đức, sau sự việc trên những người làm nghề này cũng cảnh giác hơn, đặt an toàn bản thân lên hàng đầu. Có thể thời gian tới Đức cũng hạn chế chạy những chuyến vào ban đêm. 

Chia sẻ về những rủi ro, nguy hiểm bủa vây khi làm nghề xe ôm, Đức cho biết đã không ít lần cậu bị quỵt tiền và gặp phải những tình huống nguy hiểm. “Em cũng như những tài xế khác, đã làm nghề này thì ai cũng ít nhất một lần từng bị khách quỵt tiền. Có lần khách đặt xe em chở từ bến xe khách Mỹ Đình sang đến Cổ Nhuế. Đến nơi thì khách bảo đợi đi lấy tiền, đợi mãi không thấy khách ra gọi điện lại thì thuê bao rồi, đành ngậm ngùi ra về”, Đức chia sẻ.

Nhiều tài xế Grabbike sợ hãi, tính chuyện bỏ nghề sau vị giết người rúng động
Ảnh minh họa

Theo các tài xế chạy xe công nghệ cho biết, đa số cách quỵt tiền của khách là khi đến nơi bảo tài xế đợi để đi lấy tiền rồi “lặn mất tăm”. Đối với Đức, chuyện khách quỵt tiền không đáng sợ bằng việc chở các khách hàng có biểu hiện lạ.

"Nhiều tài xế bị cướp, giết quá. Những tên đó ra tay quá dã man, cướp tài sản bằng được. Nếu tài xế chống cự, giành lại tài sản, chúng sẵn sàng gây án mạng. Tôi sẽ không chạy xe vào buổi tối nữa và vài tháng nữa sẽ nghỉ”, một tài xế Grab Bike tên Minh ở TP.HCM hoang mang khi được hỏi về dự tính tương lai.

Chung quan điểm, Lê Văn Anh, sinh viên năm thứ hai, quê Bình Thuận, chạy Grab được 5 tháng nay, cũng khẳng định với VTC sẽ dừng nhận những cuốc xe ban đêm dù đó là khoảng thời gian giúp cậu kiếm được khá nhiều tiền để trang trải học phí, giúp đỡ gia đình.

"Khi biết tin có bạn sinh viên chạy Grab ngoài Hà Nội bị sát hại, em quyết định sẽ không chạy xe vào buổi tối nữa mà cố gắng tranh thủ chạy buổi trưa hoặc chiều, sau đó sẽ kiếm một nghề khác làm thêm. Chạy xe ôm buổi tối khuya rất nguy hiểm. Em từng gặp khách là người nghiện và sợ quá không chở. Không ít lần khách không chịu nói rõ là chở đến đâu, chỉ cho em đi vào đường vắng nên em xin không chở nữa".

Giống Văn Anh, nhiều tài xế Grab thừa nhận khoản thu nhập từ chạy xe ôm công nghệ vẫn được xem là ổn định hơn nhiều nghề khác trong xã hội song vẫn là quá ít ỏi nếu đặt cạnh những hiểm nguy trực chờ chỉ có thể phòng chứ rất khó tránh được hoàn toàn. Rủi ro nghề nghiệp lớn là vậy, nên trong dòng tâm sự của các tài xế Grab, tâm lý "nghỉ việc", "nghỉ tạm một thời gian" bắt đầu chiếm phần đa số.

Dương Hạo (22 tuổi, quê ở Hòa Bình) kể cho phóng viên Lao Động lần tai nạn mà cậu gặp phải. Thời điểm đó vào cuối năm 2018, Hạo đang ngồi uống nước trên vỉa hè ở phường Thạch Bàn, quận Long Biên, có hai thanh niên đến, yêu cầu cậu chở họ đến một con ngõ gần cầu Vĩnh Tuy.

Thấy hai người này tay run, mắt trợn ngược, giọng lắp bắp, nghi đang phê ma túy, nên Hạo yêu cầu khách phải đặt xe qua ứng dụng Không chịu đặt xe, hai người này còn xô Hạo ngã xuống nền bê tông, rồi bỏ đi.

“Nhiều vụ tài xế xe ôm công nghệ bị cướp, bị giết rồi, sợ lắm. Nghĩ lại đến bây giờ vẫn còn “nổi da gà”, Hạo bộc bạch. Nỗi lo lắng của Hạo cũng là tâm sự chung của nhiều tài xế  xe ôm công nghệ hiện nay.

Bình (20 tuổi, đang là sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội) cũng hành nghề xe ôm công nghệ. Bình cho biết, các đối tượng trộm cướp thường lựa chọn tài xế mới để “ra tay”. Vì xế mới thường chưa quen đường, khả năng xử lý tình huống kém và dễ bị lợi dụng. Đặc biệt, những đối tượng này không bao giờ đặt cuốc xe qua ứng dụng mà thường thương lượng về giá cả với tài xế.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN