Thứ năm, 25/04/2024 | 21:01
RSS

Nhiều hộ gia đình nông thôn cả năm chỉ tích lũy được 5 triệu đồng

Thứ sáu, 08/11/2019, 10:54 (GMT+7)

Nghiên cứu của một nhóm tác giả thuộc Viện nghiên cứu Thị trường và thể chế nông nghiệp - AMI mới công bố cho biết: Các hộ gia đình ở nông thôn chỉ có tích lũy trung bình 22 triệu đồng/hộ; trong đó các hộ ở khu vực nông thôn thuộc miền núi phía Bắc và Duyên hải miền Trung chỉ tích lũy được... 5 triệu đồng/năm.

Các số liệu này được trình bày trong cuốn sách "Bức tranh sinh kế nông dân Việt Nam thời kỳ hội nhập 1990-2016" do NXB Nông nghiệp phát hành năm 2019.

Nhiều hộ gia đình nông thôn cả năm chỉ tích lũy được 5 triệu đồng

Thu nhập và tích lũy của các hộ gia đình nông thôn, nhất là khu vực trung du miền núi rất thấp. Bình quân mỗi hộ chỉ tích lũy được 5 triệu đồng/năm, thậm chí có hộ tích lũy... âm.

Mỗi hộ gia đình nông thôn chỉ tích lũy được 22 triệu đồng/năm

Theo số liệu nghiên cứu được công bố trong cuốn sách này, nếu năm 2002, các hộ gia đình ở nông thôn tích lũy bình quân được 7 triệu đồng/năm, còn các hộ đô thị là 15 triệu đồng/năm, thì đến năm 2016, con số này lần lượt tăng lên 22 triệu đồng và 55 triệu đồng/năm; đồng nghĩa với khoảng cách chênh lệch mức độ tích lũy giữa các hộ nông thôn và đô thị ngày càng được nới rộng ra.

Thậm chí. ngay trong nông thôn, nhóm nghèo và cận nghèo có mức tích lũy... âm, điều này cho thấy nhóm hộ này đang phải đi vay hoặc dựa vào các khoản trợ cấp từ người thân, bạn bè, Chính phủ hoặc các tổ chức khác để chi tiêu. Trong khi đó, mức tích lũy của 20% số hộ có mức thu nhập cao nhất (nhóm hộ giàu) rất cao, và tăng đều qua các năm trong suốt giai đoạn 2002 - 2016. Năm 2016, trung bình một hộ thuộc nhóm giàu có thể tích lũy hơn 108 triệu đồng.

Nhiều hộ gia đình nông thôn cả năm chỉ tích lũy được 5 triệu đồng

Thu nhập từ việc làm nông nghiệp của các hộ nông thôn chiếm tỷ lệ rất thấp.

So sánh mức độ tích lũy của hộ gia đình nông thôn giữa các vùng, cũng có sự chênh lệnh rất cao. Đông Nam Bộ là vùng có mức tích lũy cao nhất cả nước, sau đó đến ĐBSH và ĐBSCL. Mức tích lũy của hộ ở trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung là rất thấp và gần như không tăng trong suốt giai đoạn 2002 - 2016, chỉ xấp xỉ trên dưới 5 triệu đồng/năm.

"Với mức tích lũy này rất khó cho các hộ nông thôn mua sắm đồ dùng cao cấp hay sửa chữa, cải thiện nhà cửa và càng khó khăn để có thể đầu tư tái sản xuất mở rộng như mua thêm đất đai, máy móc. Thậm chí, đây là ngưỡng nguy hiểm để đối phó với các biến động bình thường trong gia đình như ốm đau, thai sản, đi học xa,... chưa nói đến thiên tai, dịch bệnh rộng như những gì đang diễn ra nhiều năm nay tại các địa bàn này"- báo cáo đưa ra nhận xét.

Về thu nhập của các hộ, bản nghiên cứu này nêu: Trong giai đoạn 2002 - 2016, thu nhập nhóm hộ đô thị và hộ nông thôn tại Việt Nam đều tăng. Tuy nhiên, khoảng cách thu nhập giữa nhóm hộ đô thị và hộ nông thôn về giá trị tuyệt đối không được thu hẹp, thậm chí đang doãng dần ra. Vào năm 2002, thu nhập của hộ đô thị là 66,2 triệu đồng/hộ/năm, cao hơn 33,7 triệu với thu nhập của hộ nông thôn là 32,5 triệu đồng/hộ/năm, đến năm 2016 thu nhập của hộ đô thị đã tăng lên 146,1 triệu đồng/hộ/năm, cao hơn 70 triệu thu nhập của hộ nông thôn là 76,1 triệu đồng/hộ/năm.

Xem xét sâu hơn về mức thu nhập giữa các nhóm hộ phân theo giàu nghèo tại nông thôn cho thấy mức bất bình đẳng trong các nhóm đang 53 nới rộng ra. Nguyên nhân chính là do tốc độ tăng trưởng thu nhập của nhóm hộ giàu nhanh hơn 1,6 lần tốc độ tăng trưởng của nhóm hộ nghèo (6,96% so với 4,5%). Khoảng cách thu nhập tuyệt đối giữa 2 nhóm này tăng từ 69,9 triệu đồng/hộ/năm vào năm 2002 lên 187,4 triệu đồng/hộ/năm vào năm 2016, tương đương mỗi năm khoảng cách này doãng ra 7,3%. Nếu so sánh về chênh lệch thu nhập tương đối, năm 2002 thu nhập bình quân năm của nhóm hộ giàu chỉ cao gấp 7,3 lần nhóm hộ nghèo thì đến năm 2016 con số này tăng lên ở mức 10,1 lần.

2 "thủ đô" nông nghiệp Tây Nguyên và ĐBSCL có mức thu nhập tăng chậm nhất

Phân tích theo vùng kinh tế cho thấy thu nhập bình quân và tốc độ tăng thu nhập của nhóm hộ nông thôn không đồng đều ở những khu vực khác nhau. Hộ nông thôn ĐNB có thu nhập cao nhất cả nước, sau đó là ĐBSH và ĐBSCL. Nhóm hộ nông thôn có mức thu nhập thấp nhất ở khu vực trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung.

Nhiều hộ gia đình nông thôn cả năm chỉ tích lũy được 5 triệu đồng

Mức độ tích lũy thấp, khiến các hộ nông thôn không có khả năng mua sắm đồ đạc, vật dụng sinh hoạt trong nhà.

Một điểm đáng lưu ý là thu nhập các hộ nông thôn ở hai vùng chuyên canh sản xuất và thương mại hóa nông sản lớn nhất cả nước, có lợi thế cao về nông nghiệp là Tây Nguyên và ĐBSCL lại không cao hơn nhiều so với các nông dân của các vùng nông thôn kém phát triển kinh tế như trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung. Đáng lo ngại hơn là tốc độ tăng thu nhập của ĐBSCL chậm nhất cả nước, ở mức chưa đến 5%/năm, nên thu nhập của nhóm hộ nông thôn vùng này đã xếp sau ĐBSH từ 2010 trở lại đây. Rõ ràng là việc chú trọng đầu tư cho công nghiệp đã khiến cho những vùng có điều kiện phát triển ngành này có mức thu nhập cao nhất.

Đa dạng hóa nguồn thu nhập là một xu thế chung trong giai đoạn 2002 - 2016. Phần lớn các hộ nông thôn thường có từ 1 đến 3 nguồn thu nhập khác nhau, bên cạnh nguồn thu từ hoạt động nông nghiệp thuần. Theo thời gian, tỷ lệ hộ có thêm hai nguồn thu ngày càng tăng từ 52% năm 2002 lên 60% năm 2016. Cụ thể, trong cơ cấu thu nhập của hộ nông thôn, nguồn thu từ hoạt động nông nghiệp có xu hướng giảm dần (từ 52,02% xuống còn 37,30%) và tăng tỷ trọng phần trăm thu nhập từ tiền lương, tiền công (từ 21,99% lên 35,76%).

Nghiên cứu cũng chỉ ra, mức độ chi tiêu của các hộ nông thôn là 54 triệu đồng/năm; trong khi các hộ đô thị chi tiêu hết 95 triệu đồng/năm; trong đó các hộ nghèo ở nông thôn chỉ chi tiêu hết 26 triệu đồng/năm.

Viện Nghiên cứu Thể chế và Thị trường Nông nghiệp – Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong thời gian vừa qua đã phối hợp với Viện Chính sách & Chiến lược PTNNNT và Hội Nông dân Việt Nam tiến hành một nghiên cứu về thực trạng nông dân Việt Nam trong giai đoạn 1990 – 2018.

Dựa trên các thông tin từ các cuộc điều tra chính thức của Tổng cục Thống kê, các nghiên cứu chuyên đề của một số viện nghiên cứu, trường đại học về lĩnh vực này và tập hợp thành cuốn sách “Bức tranh sinh kế người nông dân Việt Nam trong thời kỳ hội nhập 1995-2018” do Nhà xuất bản Nông nghiệp phát hành cuối tháng 10 năm 2019. Đây là một tài liệu nghiên cứu tổng hợp, mô tả tình hình nông dân Việt Nam về nhiều khía cạnh khác nhau như đời sống kinh tế, thể chất, xã hội và chính trị. Đồng thời chỉ ra các cơ hội và thách thức của nông dân trong tương lai.

Nhằm giới thiệu tới rộng rãi các thông tin nghiên cứu được đúc kết trong cuốn sách tới đông đảo bạn đọc, Viện Nghiên cứu Thể chế và Thị trường Nông nghiệp tổ chức buổi hội thảo “Chân dung người nông dân Việt Nam: Cơ hội và thách thức” và giới thiệu sách "Bức tranh sinh kế người ND Việt Nam thời kỳ hội nhập" diễn ra vào sáng 9/11 tại Hà Nội.

Ngọc Lê
Theo Dân Việt