Thứ bảy, 20/04/2024 | 14:52
RSS

Nhà thơ, dịch giả gạo cội Dương Tường qua đời, hưởng thọ 92 tuổi

Thứ bảy, 25/02/2023, 07:19 (GMT+7)

Nhà thơ, dịch giả gạo cội của văn chương Việt Nam - Dương Tường qua đời vào hồi 20h08 ngày 24/2, hưởng thọ 92 tuổi.


Nhà thơ, dịch giả gạo cội Dương Tường. Ảnh Tạp chí Tri thức trực tuyến.

Tối 24/2, thông tin với PV Báo Người lao động, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho biết nhà thơ, dịch giả gạo cội của văn chương Việt - Dương Tường đã qua đời vào hồi 20 giờ 8 phút cùng ngày, hưởng thọ 92 tuổi

Nhận tin buồn về dịch giả Dương Tường, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chia sẻ với PV Báo Tiền Phong về sự đóng góp đáng kể của dịch giả Dương Tường “Tôi biết ông vài chục năm sau này. Trước hết ông là người đóng góp lớn cho văn học dịch. 

Ông có công truyền bá các tác phẩm văn học lớn của thế giới vào Việt Nam. Ông là một người làm việc lặng lẽ, luôn hướng tới sự đổi mới, trong cả sự kiếm tìm những cuốn sách để dịch cũng như trong sự sáng tạo của thơ ca”

Theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều đánh giá, tinh thần đổi mới, tinh thần kiếm tìm những giá trị mới của văn học trong sáng tác lẫn dịch thuật của dịch giả Dương Tường đã “đóng góp đáng kể trong tiến trình thúc đẩy sự phát triển văn học”.

Nhà thơ, dịch giả Dương Tường tên thật là Trần Dương Tường, sinh năm 1932. Ông học trung học tại Hà Nội sau đó theo kháng chiến, vào bộ đội năm 1949. 

Năm 1955, ông giải ngũ rồi trở thành phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. Năm 1967, ông làm biên dịch tại Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, sau đó về hưu năm 1979.

Ông bắt đầu công việc dịch thuật từ những năm 1960. Một số tác phẩm dịch của ông có thể kể đến tập truyện ngắn Cây tường vi, Cái tẩu (Yuri Nagibin) và tiểu thuyết Anna Karenina (Lev Tolstoy).

Dịch giả Dương Tường đã dịch khoảng 50 tác phẩm của Pháp, Nga, Anh, Mỹ, Đức, Hy Lạp... trong đó phải kể tới những Đồi gió hú, Cuốn theo chiều gió, Kafka bên bờ biển, Cái trống thiếc, Phố những cửa hiệu u tối, Đi tìm thời gian đã mất...

Dù đã từng tổ chức một buổi lễ để "rửa tay gác kiếm", tuy nhiên, công việc dịch thuật và tình yêu văn chương vẫn thôi thúc ông tiếp tục làm việc. Năm 2020, ông cho ra mắt bản dịch ngược, dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh.

Bên cạnh sự nghiệp dịch thuật, Dương Tường còn là một nhà thơ, nổi tiếng nhất là thi phẩm "Tình khúc 24". Ông cũng là tác giả của tạp luận "Chỉ tại con chích chòe" và tập truyện ký "Thuyền trưởng" (bút danh Nguyễn Trinh).

Ông tự nhận bản thân "một đời ăn nằm với chữ". Chia sẻ về công việc dịch thuật, ông quan niệm "một bản dịch lý tưởng phải là một tác phẩm, trong đó người dịch là đồng tác giả". Nhà thơ, dịch giả Dương Tường được tôn vinh với giải thưởng về dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội.

HT
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại