Thứ bảy, 20/04/2024 | 00:32
RSS

Nguyên tắc vàng giúp trẻ được an toàn khi đi khám bệnh

Thứ hai, 19/08/2019, 06:27 (GMT+7)

Nhiều phụ huynh bày tỏ nỗi lo con có thể bị nhiễm thêm bệnh mới khi tới khám tại bệnh viện, nơi nhiều trẻ bị ốm tới khám, mang theo nhiều nguồn lây bệnh. Vậy làm sao để trẻ được an toàn khi đi khám bệnh tại các cơ sở y tế?

Vì quá lo ngại nên một số cha mẹ chọn cách không đưa con tới bệnh viện khám khi trẻ ốm mà để con ở nhà và tự chữa cho con theo đơn thuốc hay kinh nghiệm của các phụ huynh khác.

Nhiều trường hợp bệnh của con chẳng những không khỏi mà còn nặng lên, ngoài ra biến chứng do sử dụng thuốc không đúng cách cũng có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của trẻ.

Việc đưa trẻ đến khám chữa bệnh kịp thời tại các cơ sở y tế vẫn có thể đảm bảo tính an toàn và hiệu quả nếu các gia đình nghiêm túc tuân thủ 7 nguyên tắc vàng dưới đây.

Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt là đôi tay

Nguyên tắc vàng giúp trẻ được an toàn khi đi khám bệnh

Giữ tay sạch sẽ là một trong những bước quan trọng nhất để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh tật. Có rất nhiều bệnh dịch lây truyền do không rửa tay bằng xà phòng, nước sạch. Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ khuyến cáo nên rửa sạch tay một cách cẩn thận để tránh bị nhiễm bệnh và lây truyền mầm bệnh cho người khác.

Phụ huynh có thể vệ sinh tay cho mình và con với nước và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn nhanh.

Đeo khẩu trang

Nguyên tắc vàng giúp trẻ được an toàn khi đi khám bệnh 2

Để hạn chế việc tiếp xúc với các nguồn lây gây bệnh đường hô hấp như sởi, cúm… thì khẩu trang là vật dụng mà ba mẹ nên chuẩn bị cho mình và trẻ.

Luôn cho trẻ đi giầy hoặc dép khi tới bệnh viện

Thực tế có rất nhiều trẻ đi chân đất chạy tung tăng trong khu vực của khoa khám bệnh. Mặc dù sàn nhà luôn được các cô vệ sinh lau dọn tuy nhiên thật không may nếu các trẻ lỡ chạy vào khu vực một trẻ khác vừa nôn hoặc đi ngoài một cách bất ngờ. Do đó hãy luôn đảm bảo rằng trẻ được đi giày dép và luôn trong tầm kiểm soát của ba mẹ.

Nguyên tắc vàng giúp trẻ được an toàn khi đi khám bệnh 3

Đi vệ sinh đúng nơi quy định

Hãy đưa trẻ vào nhà vệ sinh để xử lý phân và nước tiểu, không để trẻ đi ngoài ngay trên sàn nhà, vừa mất vệ sinh vừa là nguồn lây cho các trẻ khác.

Trong nhà vệ sinh tại bệnh viện luôn có sẵn nước xà phòng rửa tay, hãy rửa tay bằng xà phòng cho mình và cho trẻ sau khi cho trẻ đi vệ sinh.

Tuân thủ nội quy của khu khám bệnh

Nguyên tắc vàng giúp trẻ được an toàn khi đi khám bệnh 4

Khi đến đăng kí khám cũng như chờ khám, bố mẹ cần xếp hàng theo thứ tự (trừ trường hợp cấp cứu), giữ gìn vệ sinh chung (phân loại và bỏ rác vào thùng đúng quy định; không nên cho con nằm, ngồi ra sàn nhà…). Trước cửa phòng khám có màn hình hiển thị tên và số thứ tự của bệnh nhi đang khám, vì vậy nếu nhận thấy còn phải chờ lâu mới tới lượt khám của con, bố mẹ có thể di chuyển đến khu vực vắng bệnh nhi hơn để chờ, không nhất thiết phải chờ trước cửa phòng khám. Việc tuân thủ nội quy của khu khám bệnh sẽ giúp giảm thiểu tình trạng chen lấn, xô đẩy và góp phần hạn chế những tiếp xúc không cần thiết của con mình với các trẻ đi khám khác, giúp trẻ hạn chế tiếp xúc với nguồn lây.

Không hút thuốc trong khuôn viên bệnh viện

Nguyên tắc vàng giúp trẻ được an toàn khi đi khám bệnh 6

Khuôn viên bệnh viện là nơi cấm hút thuốc, tuy nhiên nhiều ông bố vẫn lén hút thuốc tại đây. Tình trạng bệnh của trẻ có thể nặng hơn nếu tiếp xúc với khói thuốc lá. Do vậy, để tạo môi trường an toàn cho con, chính các bố mẹ khi đưa con tới khám bệnh hãy là những người văn mình không hút thuốc lá.

Tránh để trẻ lạc mất bố mẹ

Thực tế đã có nhiều trường hợp bố mẹ đưa con đi khám và để lạc mất con. Hãy đảm bảo trẻ luôn trong tầm kiểm soát của mình. Nếu có sự cố xảy ra hãy gặp ngay nhân viên y tế và thông báo về sự việc để nhận được sự trợ giúp. Hãy thỏa thuận với trẻ trong bất kỳ tình huống nào “Con hãy gặp các nhân viện y tế hoặc bảo vệ của bệnh viện”.

Đưa trẻ đi khám bệnh là để giúp trẻ có một sức khỏe tốt hơn. Bố mẹ hãy lưu ý một số gợi ý như trên để trẻ có một chuyến đi khám bệnh an toàn và hiệu quả.

Tạ Duyên - Hồng Khanh
Theo Đời sống Plus/GĐVN