Sờ thấy u cục nhưng mãi mới đi khám, người phụ nữ phải cắt cả tuyến vú.
Tự sờ thấy có khối u cứng ở vú phải cách ngày vào viện khoảng 1 năm nhưng do không có biểu hiện đau, nhức nên bệnh nhân chủ quan không đến viện khám. Khoảng 2 tháng gần đây khối u vú phải to lên bất thường kèm đau, nóng đỏ, bệnh nhân mới đến Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) khám bệnh.
Sau khi có kết quả cận lâm sàng các bác sỹ kết luận bệnh nhân bị ung thư vú phải độ II và cần được phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến vú.
Ca phẫu thuật được thực hiện với kíp phẫu thuật gồm các bác sỹ khoa Ung bướu Bệnh viện đa khoa Hùng Vương và chuyên gia Bệnh viện K Trung Ương. Bệnh nhân được phẫu thuật loại bỏ toàn bộ tuyến vú phải và 30 hạch cùng khối u kích thước 2 x 3 cm. Sau phẫu thuật hiện tại bệnh nhân đang được theo dõi, hồi phục sức khỏe tại khoa Ung bướu Bệnh viện đa khoa Hùng Vương.
Ung thư vú có thể điều trị ổn định nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Trước đây, hầu hết bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, hoặc ở phụ nữ từ 40 tuổi trở lên, khi các triệu chứng lâm sàng đã rõ ràng, khiến hiệu quả điều trị bệnh thấp.
Ung thư vú phổ biến nhất ở phụ nữ trên toàn thế giới với trên một triệu trường hợp mới mắc hàng năm. Tại Việt Nam tần suất mắc bệnh tăng gấp đôi trong vòng 2 thập kỷ gần đây, từ 13,8/100.000 (năm 2000) lên 29,9/100.000 phụ nữ (năm 2010). Hàng năm cả nước có khoảng hơn 12.000 phát hiện ung thư vú, chiếm trên 20% số ca ung thư ở nữ giới.
Bệnh nhân ung thư vú phát hiện sớm có tỷ lệ thời gian sống trên 5 năm tới 85,6% so với tỷ lệ 67,7% trước đây. Vì thế, các chuyên gia nhấn mạnh phụ nữ nên tầm soát định kỳ để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.
Nếu trong gia đình có người thân từng bị mắc bệnh thì những phụ nữ trong gia đình nên đi tầm soát sớm. Hàng tháng, sau khi sạch kinh, các chị em nên tự sờ hai tuyến vú của mình, nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu gì bất thường thì cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Xem thêm clip: Nguy cơ ung thư vú từ thói quen hàng triệu chị em cứ vài ngày lại mắc 1 lần