Thứ sáu, 22/11/2024 | 02:17
RSS

Nguy hại khôn lường vì sử dụng túi sưởi "ngộ nghĩnh" mùa đông

Thứ bảy, 05/11/2016, 09:07 (GMT+7)

Túi sưởi là vật dụng làm ấm để chống chọi với cái lạnh của mùa đông nhưng túi sưởi cũng khá nguy hiểm cho người sử dụng nếu dùng sai cách.

Theo ANTĐ, túi sưởi được làm từ vải nhựa chứa dung dịch thường là nước muối làm nóng bằng cơ chế trao đổi ion sinh nhiệt. Vài năm gần đây, túi sưởi được sử dụng khá phổ biến ở miền Bắc, nhất là trong những ngày lạnh giá, vì chỉ cần nạp điện khoảng 5-10 phút làm nóng túi là có thể giữ ấm 4-6 tiếng.

Theo kỹ sư ngành điện, cấu tạo của túi sưởi gồm có cực điện làm nóng trong môi trường nước muối loãng, có rơ le khống chế nhiệt ở khoảng 60-70 độ tuỳ loại sản phẩm. Khi thiết kế, thường có bộ phận an toàn cách điện và không cách nhiệt giúp nhiệt tỏa ra sưởi ấm. Khi rơ le nhiệt trục trặc không ngắt, làm túi sưởi đạt độ sôi cao cũng có thể bị vỡ. Nếu dùng không đúng cách như vừa cắm điện vừa ôm, hoặc ôm lên người rồi rút điện, nếu chẳng may túi dùng lâu bị hở, bục, rách dễ gây chập, ngoài bỏng còn có thể bị điện giật.

Cũng có trường hợp nổ rách túi bên ngoài do cắm lâu quá, nước giãn nở, đầy bọt khí... trong khi túi không thể giãn nở to hơn dẫn tới bục.

Bởi lẽ, chất lỏng trong túi mà chủ yếu là nước muối và hóa chất có khả năng giữ nhiệt cao khi rò rỉ ra ngoài hoặc khi chẳng may gặp sự cố nổ túi sưởi rất dễ gây bỏng nặng hay dẫn điện khiến nguy cơ bị điện giật vô cùng cao.

Thận trọng khi sử dụng túi sưởi, nhất là với trẻ nhỏ. Ảnh minh họa

Thận trọng khi sử dụng túi sưởi, nhất là với trẻ nhỏ. Ảnh minh họa

Đó là chưa kể đến việc, sử dụng túi sưởi trong thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng cơ thể bạn quá lệ thuộc vào các dụng cụ giữ ấm mà khiến bạn bị suy giảm sức đề kháng. Ngoài ra, bạn cũng rất dễ bị nhiễm các hóa chất có trong túi hoặc nhiễm điện khi tiếp xúc trực tiếp lâu với túi sưởi giữ nhiệt.

Vì vậy, theo SK&ĐS, để đảm bảo an toàn, khi đang cắm điện, tuyệt đối không sử dụng túi hay ngồi gần hoặc đặt các vật khác lên túi. Cần kiểm tra túi trước khi cắm xem có rách mép hay rò rỉ nước hay không. Không nên cắm điện quá lâu, nếu thấy túi phồng hơn bình thường cần phải ngắt điện ngay.

Nếu chẳng may bị bỏng do điện hoặc túi phát nổ bắn nước sôi vào người cần sơ cứu ngâm vùng bỏng vào nước lạnh khoảng 15-20 phút tránh tổn thương sâu. Sau đó, chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu, điều trị.

Nếu thấy túi sưởi có điểm lạ như phồng hơn bình thường cần phải ngắt điện ngay và ngưng sử dụng để tranh nguy cơ gây nổ túi sưởi.

Nếu thấy túi sưởi đã đạt độ nóng cần thiết (khoảng 70oC) thì bạn nên chủ động rút phích cắm, ngắt điện. Đề phòng trường hợp túi sưởi quá nóng sẽ dễ gây phỏng cho làn da nhạy cảm của bé. Đồng thời, đây cũng là cách giúp túi sưởi được bền hơn.

Tránh tác động lên túi bằng các vật sắc nhọn để tránh gây bục túi dẫn đến bị rò rỉ dung dịch trong túi hoặc nguy cơ rò điện. Nếu túi có dấu hiệu bị hở mép hay có bị rò rỉ thì tuyệt đối không được sử dụng túi đó nữa.

Không đổ dung dịch bên trong túi ra ngoài và thay thế nó bằng bất kỳ loại dung dịch nào khác để tránh gây nên các sự cố như nổ, chập điện.

Không được lau chùi, vệ sinh túi sưởi khi đang cắm điện. Bạn cũng không nên ngâm túi trong nước để giặt rửa. Nếu không may túi bị ướt,thi bạn nhất thiết phải lau, để khô mới tiếp tục được sử dụng

An Dương
Theo Chất Lượng Việt Nam