Tại các phòng khám sản khoa, các bác sĩ cho biết có rất nhiều chị em phụ nữ đến khám do bị viêm nhiễm vùng kín tái đi tái lại nhiều lần.
Hiện nay việc sử dụng băng vệ sinh (BVS) siêu thấm, BVS hàng ngày khá phổ biến ở chị em phụ nữ. Ngoài các tiện lợi mà nó mang lại thì bên cạnh đó, tác hại kèm theo nếu không dùng đúng cách cũng rất nguy hiểm.
Theo các chuyên gia y tế, các sản phẩm siêu thấm tác dụng chính là hút hết dịch kinh nguyệt, nhưng “tác dụng phụ” là hút luôn những chất dịch giữ ẩm tạo môi trường kháng khuẩn cho âm đạo – nơi rất nhiều vi khuẩn lành tính sống nhờ môi trường thông khí, khi đường thông khí bị bít, các vi khuẩn yếm khí sẽ phát triển mạnh và gây bệnh.
Một số loại BVS có chất khử mùi khiến phụ nữ bị ngứa, khó chịu và luôn cảm giác bị ẩm ướt. Đó là BVS có chứa hóa chất hoặc thảo mộc để tạo mùi thơm dễ chịu. Nhiều nghiên cứu cho thấy BVS có mùi thơm độc hại hơn nhiều so với các loại BVS không có mùi, bởi hóa chất độc hại như benzen, este... làm tăng khả năng sinh sôi vi khuẩn gây hăm da, đỏ da, dị ứng, kích ứng… ở những người nhạy cảm, ảnh hưởng tới sức khỏe "cô bé", thậm chí gây vô sinh.
Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Thân Ngọc Tuấn, khoa khám sản, Bệnh viện Medlatec cho biết, việc lạm dụng băng vệ sinh hàng ngày có thể gây viêm, nấm phụ khoa. Nếu điều trị không triệt để còn có thể gây viêm phần phụ, tắc vòi trứng dẫn đến vô sinh
Ở phụ nữ, mỗi tháng có chu kỳ kinh nguyệt kéo dài từ 3 đến 5 ngày và lúc này họ mới phải sử dụng băng vệ sinh. Tuy nhiên, sau chu kỳ kinh nguyệt, chị em có thể sử dụng băng vệ sinh hàng ngày thêm 1 – 2 ngày nữa và thay thường xuyên để tránh vi khuẩn tích tụ gây bệnh.
Còn lại, trong một tháng chu kỳ, chị em phụ nữ không nên sử dụng băng vệ sinh mà nên sử dụng các loại quần lót có chất liệu cotton thấm hút tốt, thoáng để tránh bí tắc cho âm đạo.
Đặc biệt, khi thời tiết nóng bức, vùng kín bị bó sát, đổ mồ hôi, hấp hơi, sinh nhiệt làm ẩm ướt trong thời gian dài tạo điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn, vi nấm phát triển.
Những vi khuẩn, vi nấm này gây ngứa ngáy, lâu dần thành viêm nhiễm. Khi đã ngứa ngáy, nếu gãi làm trợt da bệnh sẽ càng lan rộng hơn.
Ngoài ra, da ở vùng kín rất nhạy cảm nên cũng có nhiều trường hợp bị dị ứng với những chất hấp tẩy của băng vệ sinh. Vùng da này cũng có thể dị ứng với những đường biên của băng cứng gây cọ xát vào vùng da nhạy cảm, dẫn tới ngứa ngáy, rát đau ở âm đạo, biến đổi màu sắc của da quanh vùng kín.
Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA Hoa Kỳ), các sản phẩm siêu thấm thấm hút rất tốt nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao. Phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt rất nhạy cảm, nếu không thường xuyên thay băng vệ sinh sẽ kéo theo hàng loạt bệnh nhiễm trùng, gây ra hội chứng sốc nhiễm độc tố, nếu chậm tới bệnh viện có thể nguy hiểm đến tính mạng.