Thứ sáu, 22/11/2024 | 06:53
RSS

Nguy cơ nào ảnh hưởng sức khỏe đến y bác sĩ điều trị Covid-19?

Thứ hai, 20/04/2020, 11:50 (GMT+7)

Những người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân nhiễm nCoV đối mặt nguy cơ lây nhiễm cao nhất do tiếp xúc gần, lâu và thực hiện các thủ thuật điều trị.

Nguy cơ nào ảnh hưởng sức khỏe đến y bác sĩ điều trị Covid-19?
Các bác sĩ giúp đồng nghiệp trước khi họ bước vào khu vực cách ly, điều trị Covid-19

Theo bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tình huống nguy hiểm lớn nhất là khi y bác sĩ kề sát mặt bệnh nhân, chưa kể thời gian phơi nhiễm lâu. 

Đầu tiên là xử trí với đồ bảo hộ. Tất cả chuyên gia đều nhận định đồ bảo hộ gây trở ngại trong quá trình làm việc. Kính bảo hộ không đem lại thị lực bình thường cho mắt. Quần áo bí, mồ hôi vã ra, kính mờ làm cho mắt mình mờ đi, nếu làm không chuẩn sẽ mất thời gian, phơi nhiễm lâu hơn, Vnexpress đưa tin. 

Khi cởi bộ đồ bảo hộ, nếu chẳng may chạm vào bề mặt bên ngoài (đã bẩn) cũng là một nguy cơ khác, điều này đòi hỏi nhân viên y tế phải có kỹ năng. Cùng với đó, khi cởi, phải để ngay mặt bên ngoài vào bên trong, mặt bên trong ra bên ngoài để giảm thiểu khả năng phát tán virus ra không khí xung quanh.

Mối nguy thứ hai là khi nhân viên y tế lấy dịch tị hầu làm xét nghiệm PCR Realtime. Bác sĩ Đỗ Thị Phương Mai, Phó Trưởng khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết:  "Để lấy mẫu chuẩn phải kích thích ho. Mà khi ho, tốc độ bắn giọt bắn xâm nhập vào đường hô hấp của người đối diện rất cao".

Thứ ba là đặt nội khí quản cho bệnh nhân. Quá trình này được thực hiện với bệnh nhân Covid-19 nặng, phải có ống luồn vào trong phổi mới đưa được luồng khí vào. Khi đó, mặt của nhân viên y tế phải áp sát mặt của bệnh nhân bởi thanh quản rất nhỏ, đường kính chỉ khoảng 1-2 cm, nằm sâu trong cổ họng. Các bác sĩ sẽ dùng một chiếc đèn chiếu vào cổ họng tìm cách đưa ống nhựa vào. Khoảnh khắc nguy hiểm nhất là khi bộc lộ thanh quản, bệnh nhân có thể ho, bắn dịch vào nhân viên y tế.      

"Bảo hộ chỉ ngăn được một phần. Kể cả khẩu trang N95 cũng chỉ ngăn được 95% khả năng virus xâm nhập", bác sĩ Vũ Mình Điền, Khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, giải thích. 

Nguy cơ thứ tư là dịch tiết trong hầu bệnh nhân. Khi đặt nội khí quản xong, cổ họng bệnh nhân đã bị khống chế, dịch và đờm đọng lại. Nhân viên y tế lúc này sẽ phải làm công việc hút đờm và chất tiết. 

Cuối cùng, quá trình chăm sóc bệnh nhân nặng, nhân viên y tế phải tắm rửa lật trở cơ thể người bệnh. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy nCoV có thể hiện diện trong phân, máu... 

Theo cập nhật mới nhất từ báo Tuổi trẻ, đến 11h trưa nay 20.4, Việt Nam có thêm 2 trường hợp ra viện và tiếp tục không có ca nhiễm mới. Trên toàn cầu đã có hơn 2,4 triệu người được ghi nhận mắc bệnh, trong đó hơn 165.000 trường hợp tử vong và 625.000 ca bình phục.

Trưa 20/4, bác sĩ Nguyễn Thành Dũng - giám đốc Bệnh viện Dã Chiến Củ Chi, cho biết bệnh viện này cho thêm 2 bệnh nhân xuất viện, đưa tổng số ca khỏi bệnh cả nước lên 202 ca.

Hai bệnh nhân vừa ra viện là bệnh nhân 224 và bệnh nhân 236, đều là người nước ngoài. Theo Sở Y tế TP.HCM, tính đến nay TP.HCM chỉ còn 3 trường hợp nhiễm COVID-19 đang được theo dõi, điều trị, trong đó có bệnh nhân 91 là nặng nhất đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. 

Hiện tại tình trạng bệnh nhân không sốt, mạch huyết áp bình thường, rối loạn đông máu kiểm soát tạm ổn, chức năng phổi có cải thiện, bệnh nhân tiếp tục thở máy và hỗ trợ ECMO.

Liên quan đến bệnh nhân 188 có kết quả dương tính sau khi ra viện, tin mới nhất từ Bộ Y tế cho hay ngày 20-4 bệnh nhân đã có kết quả âm tính trở lại, hiện đang được tiếp tục theo dõi tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Trước đó bản tin cập nhật lúc 6h sáng 20/4 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết trong 4 ngày liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca bệnh mới. Tổng số ca mắc COVID-19 ở Việt Nam hiện vẫn là 268 trường hợp.

Trong khi đó, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông báo kết quả 4/4 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 khi xét nghiệm test nhanh sàng lọc đối với những người đi, đến, buôn bán tại chợ hoa Mê Linh (huyện Mê Linh, Hà Nội) đều cho kết quả âm tính khi xét nghiệm khẳng định.

Theo cập nhật của trang worldometers, đến 6h sáng nay 20-4, toàn cầu đã có hơn 2,4 triệu người được ghi nhận mắc bệnh, trong đó hơn 164.000 trường hợp tử vong và 624.000 ca bình phục.

Tại khu vực Đông Nam Á, đến hết ngày 19/4, toàn Đông Nam Á ghi nhận hơn 28.200 ca nhiễm và trên 1.100 người tử vong. Nhóm 5 nước có nhiều ca mắc lần lượt là Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia, và Thái Lan. Tại châu Âu, một số nước đã bắt đầu nới lỏng phong tỏa như Đức, Na Uy, Cộng hòa Czech, Ba Lan.

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN