Thứ bảy, 18/01/2025 | 16:09
RSS

Người từ Hà Nội đến các tỉnh, thành khác cần giấy tờ gì?

Thứ tư, 22/09/2021, 09:42 (GMT+7)

Từ 6h ngày 21/9, Hà Nội điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố theo nguyên tắc tại Chỉ thị 15. Nhiều tỉnh, thành đã có những quy định riêng đối với người đến, trở về từ Hà Nội.

Sự kiện:
Covid-19

Theo nguồn tin trên Dân trí, tại Nam Định, ông Đỗ Đức Lưu - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, Nam Định tiếp tục tạm dừng tiếp nhận người dân trở về từ các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Trước đó, tại cuộc họp diễn ra sáng ngày 7/9, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị yêu cầu tiếp tục tạm dừng việc tiếp nhận người từ các tỉnh“vùng đỏ” đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ; các chốt kiểm soát tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt vấn đề này. 

Hạn chế các chuyến đò sang các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình và kiểm soát phòng, chống dịch ở các chuyến đò. Kiểm tra chặt chẽ việc chấp hành các biện pháp phòng chống dịch của các đơn vị vận tải và tất cả các phương tiện vận tải. Với Hà Nội, do đã chuyển sang Chỉ thị 15 (từ 6h ngày 21/9), người dân từ Hà Nội về Nam Định nếu đã tiêm đủ 2 mũi vaccine sẽ phải cách ly một tuần.

Tại Thanh Hóa, ông Đầu Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, tỉnh đang giao cho ngành y tế nghiên cứu chỉ đạo chung của Chính phủ, Bộ Y tế về tình hình dịch bệnh ở các tỉnh, thành để có các biện pháp phù hợp.

"Địa phương mong muốn có thông báo về quản lý người ra khỏi Hà Nội như thế nào, đối tượng nào được ra, các điều kiện ra như thế nào, từ đó mới có biện pháp phù hợp", ông Tùng nói.

Hiện tại, theo quy định hiện hành, người từ Hà Nội vào Thanh Hóa phải có kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên hoặc PCR trong vòng 72 giờ. Với người có xác nhận tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc được công bố khỏi bệnh Covid-19, thực hiện theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú 7 ngày, tổ chức xét nghiệm 2 lần.

Với người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine thì thực hiện cách ly tại nhà/nơi lưu trú 14 ngày kể từ ngày về địa phương, thực hiện xét nghiệm 3 lần, người cách ly phải tự trả các chi phí liên quan; kết thúc thời gian cách ly y tế tiếp tục tự theo dõi sức khỏe 14 ngày.

Trong khi đó, tại Hải Dương, ông Phạm Mạnh Cường - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương cho biết, hiện tỉnh vẫn kiểm soát chặt chẽ người từ nơi khác vào, đặc biệt là các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 15, 16.

Cụ thể, người từ các địa phương khác vào tỉnh (kể cả người Hải Dương trở về từ tỉnh ngoài) phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ; trường hợp đặc biệt phải báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh.

Với những người đến/về từ Hà Nội đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 khi vào tỉnh phải thực hiện cách ly tại nhà 14 ngày, thực hiện xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ 7 và ngày thứ 14.

Riêng đối với những người đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 tự theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày đến/về địa phương. Thực hiện xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu và ngày thứ 7 kể từ ngày đến/về địa phương.

"Kể cả người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 theo quy định, khi vào tỉnh Hải Dương vẫn phải có phiếu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR trong vòng 72 giờ", Giám đốc Sở Y tế Hải Dương lưu ý.

Tại tỉnh Yên Bái, ngày 21/9, UBND tỉnh Yên Bái có văn bản hướng dẫn người dân di chuyển từ vùng có dịch trở về địa bàn tỉnh. Theo đó, Yên Bái tiếp tục yêu cầu tất cả người dân đến hoặc về tỉnh Yên Bái (trong đó có người từ TP Hà Nội về) phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR chưa quá 72 giờ.

Hoặc test nhanh kháng nguyên chưa quá 24 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu (trường hợp không có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, yêu cầu phải thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên tại các chốt kiểm dịch y tế và phải tự chi trả phí xét nghiệm).

Ngoài ra, người từ Hà Nội về/đến tỉnh Yên Bái nếu đã tiêm đủ 2 liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, phải thực hiện cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú 7 ngày, sau đó tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.

Trong trường hợp chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 liều vắc xin phòng Covid-19, hoặc tiêm liều thứ 2 chưa đủ 14 ngày, thì phải thực hiện cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú 14 ngày, sau đó tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong thời gian 14 ngày tiếp theo.

Người từ Hà Nội đến các tỉnh, thành khác cần giấy tờ gì

Ảnh minh họa

Tại Vĩnh Phúc, người Hà Nội muốn vào tỉnh này phải có xét nghiệm SARS-CoV-2 (test nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR) âm tính trong vòng 72 giờ. Người đã được tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 hoặc người từng bị nhiễm đã được điều trị khỏi bệnh Covid-19 và có giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 hoặc giấy ra viện phải thực hiện tự theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú 7 ngày kể từ ngày về địa phương, thực hiện xét nghiệm ít nhất 2 lần vào ngày thứ nhất và ngày thứ 7.

Người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine phòng Covid-19, phải thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú 14 ngày; xét nghiệm ít 3 lần vào ngày thứ 4, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 trong thời gian cách ly. Kết thúc thời gian cách ly y tế tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong thời gian 14 ngày tiếp theo.

Còn tại Phú Thọ, quy định chung với tất cả người tỉnh ngoài vào địa phương là phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trong thời hạn 72 giờ.

Đối với cán bộ, công nhân, người lao động đang làm việc tại các cơ quan hành chính, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; có địa chỉ thường trú ngoại tỉnh: Tỉnh Phú Thọ khuyến khích các cơ quan hành chính, doanh nghiệp bố trí cho người lao động lưu trú lại địa bàn tỉnh trong thời điểm hiện nay.

Trong trường hợp cán bộ, công nhân, người lao động không thể lưu trú lại tại tỉnh Phú Thọ thì cơ quan hành chính, doanh nghiệp liên hệ cơ quan y tế đủ điều kiện để thực hiện xét nghiệm RT-PCR cho các đối tượng này với tần suất 3 ngày/lần theo phương pháp gộp mẫu để đảm bảo các điều kiện vào tỉnh theo quy định.

Đối với phương tiện vận tải hàng hóa đăng ký cấp thẻ nhận diện có mã QR (luồng xanh) với Sở giao thông vận tải các tỉnh, thành phố: Phú Thọ yêu cầu lái xe và người đi cùng trên xe phải có Giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên trong thời hạn 72 giờ khi vào địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

TP Hải Phòng yêu cầu người đến từ Hà Nội đến thành phố này phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ; cách ly tại nhà 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 14. 

Tại Hưng Yên, ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, người Hà Nội vào tỉnh phải có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh) trong vòng 48 giờ; giấy xác nhận tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19; thực hiện việc khai báo y tế và thực hiện 5K.

Tại Nghệ An, ông Đặng Thanh Tùng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho biết, tất cả công dân địa phương trở về từ vùng có dịch (trong đó có Hà Nội) đều phải thực hiện theo đúng quy định chung của Bộ Y tế. 

Tại Hà Tĩnh, ông Lê Ngọc Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, địa phương này chưa có chủ trương đón công dân từ Hà Nội về. Trong khi đó, lãnh đạo Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết, đối với những công dân trở về từ vùng có dịch, nếu chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ 2 liều vaccine thì phải cách ly tập trung 14 ngày, sau đó cách ly tại nhà 7 ngày và tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà thêm 7 ngày. Đối với người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine thì cách ly tại nhà 7 ngày, sau đó tiếp tục theo dõi y tế tại nhà thêm 7 ngày.

Tối ngày 20/9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký Chỉ thị số 22 về Điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố trong tình hình mới. Theo đó, từ 6h ngày 21/9, Hà Nội điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố theo nguyên tắc tại Chỉ thị 15 và một số biện pháp cao hơn phù hợp với tình hình thực tế cho đến khi hoàn thành việc tiêm chủng mũi 2 cho toàn bộ người dân trong độ tuổi tiêm chủng và có thông báo mới của thành phố.

Chủ tịch UBND thành phố cũng cho phép nhiều dịch vụ được mở cửa hoạt động trở lại như cửa hàng cắt tóc, gội đầu; dịch vụ kinh doanh sửa chữa, rửa xe ôtô, xe máy, phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng; cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; cửa hàng kinh doanh vật tư, vật liệu xây dựng; hoạt động kinh doanh trên các sàn điện tử thương mại, sử dụng dịch vụ giao hàng trực tuyến; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày… 

Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì nhiều hoạt động phòng chống dịch Covid-19, trong đó tiếp tục duy trì hoạt động 22 chốt tại các cửa ngõ ra/vào thành phố và 33 chốt tại các quận, huyện, thị xã giáp ranh các tỉnh lân cận để thực hiện kiểm soát người và phương tiện đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; các chốt tự quản tại các khu dân cư, tổ dân phố; kiểm soát chặt di biến động của người dân. Tiếp tục kiểm soát chặt, không phát sinh các chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Thời đại