Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:31
RSS

Người phụ nữ "không trứng" và hành trình tìm con không mệt mỏi

Thứ ba, 30/04/2019, 11:39 (GMT+7)

Hội chứng bệnh bằng tiếng nước ngoài bác sĩ nói, chị nghe đều không nhớ, không biết, chị chỉ mang máng hiểu rằng bản thân mình không có trứng và không thể sinh con như những phụ nữ bình thường khác.

Người phụ nữ hiếm muộn không trứng và hành trình tìm con không mệt mỏi
Bệnh nhân hiếm muộn đến khám và tư vấn tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội

Câu chuyện dưới đây cũng giống như nhiều câu chuyện cuộc đời khác mà các bác sĩ vẫn thường gặp ở khoa hiếm muộn. Một câu chuyện về tình yêu thương, niềm tin và niềm hạnh phúc lớn lao của một người phụ nữ “không có trứng" trên hành trình “tìm con".

Niềm mong mỏi và khao khát có con thôi thúc vợ chồng chị X.T.Q. tìm đến với khoa Hỗ trợ sinh sản viện Phụ sản Hà Nội sau nhiều năm chạy chữa, có bệnh vái tứ phương mà không hiệu quả. Chỉ khi tới bệnh viện, 2 vợ chồng chị mới vỡ lẽ, nguyên nhân khiến anh chị rơi vào tình cảnh hiếm muộn là do người vợ (chị Q.) có bất thường về nhiễm sắc thể, với hội chứng bệnh này, chị Q. sẽ không thể có con nếu không được điều trị đúng cách.

Ngày nhận kết quả xét nghiệm di truyền là lần đầu tiên vợ chồng chị X.T. Q. được nghe bác sỹ giải thích về tình trạng của mình “Tình trạng của chị là khuyết một nhiễm sắc thể giới tính. Bệnh này trong y văn gọi là hội chứng Turner. Buồng trứng của chị teo nhỏ và tử cung nhi tính. Chị không thể có thai tự nhiên, nhưng với sự tiến bộ của y học hiện đại, chị vẫn có thể mang thai được. Chỉ cần chị tìm người cho trứng, chúng tôi sẽ điều trị các liệu pháp hormone để giúp phát triển tử cung của chị, khi nào tử cung tốt thì sẽ chuyển phôi.”

Vợ chồng chị đều là công nhân, những hội chứng bệnh bằng tiếng nước ngoài kia anh chị nghe đều không nhớ, chị chỉ mang máng hiểu rằng bản thân mình không có trứng và không thể sinh con nhưng các bác sỹ vẫn có cách giúp chị mang thai được từ trứng xin của người khác, và nếu người cho trứng khỏe mạnh thì em bé sinh ra có thể không mắc bệnh như chị.

Người phụ nữ ấy không hình dung được phương pháp thực hiện như thế nào, cũng không quan tâm khả năng thành công ra sao, chị chỉ tâm niệm một điều, đứa trẻ lớn lên trong bụng mình, do mình sinh ra thì chắc chắn là con của mình. Có đường đi, có cách chữa là còn hi vọng. Và cứ thế, chị gửi gắm niềm tin và hi vọng ấy vào đôi bàn tay của các bác sỹ khoa Hiếm muộn.

“Tốn bao nhiêu cũng được bác sỹ ạ, vợ chồng em tuy nghèo nhưng chăm chỉ làm lụng. Không có thì đi vay, em sẽ tăng ca, thêm giờ để vợ em có tiền điều trị. Con cái mới là tài sản quý nhất.” Chị bị bệnh hiếm gặp, điều kiện gia đình khó khăn, vậy mà chồng chị vẫn luôn bên cạnh, không từ bỏ, chị càng thương anh hơn và càng nuôi niềm tin mãnh liệt sẽ sinh cho anh một đứa con khỏe mạnh.

Người ta vẫn nói, “Mọi chuyện đều có thể xảy ra nếu bạn có một Niềm Tin đủ lớn và một Tình Yêu đủ sâu" và điều kỳ diệu đã xảy ra trong câu chuyện này. Ít lâu sau, vợ chồng chị Q. tìm được người đồng ý cho trứng. Chỉ sau 2 tháng điều trị bằng thuốc nội tiết, chị đủ điều kiện mang thai. Chị có 07 phôi, và ngay ở lần chuyển phôi đầu tiên, chị đã đậu thai. Và cho đến hôm nay, chị đã có thể nhìn thấy hình hài bàn tay, bàn chân nhỏ xíu, xinh xắn của sinh linh bé bỏng qua màn hình máy siêu âm. Với vợ chồng chị Q, có lẽ không còn hạnh phúc nào hơn.

Bệnh nhân hiếm muộn đến với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội có nhiều số phận và tình cảnh khác nhau, nhưng nỗi niềm khát khao và hạnh phúc chỉ có một. Đôi khi có những trường hợp khó hơn, nhưng nhờ các tiến bộ của y học mà các bác sĩ có thể giúp người bệnh đạt được mong ước của mình. Đúng như lời Ths.BS Phạm Thúy Nga - Trưởng khoa Nam học và Hiếm muộn đã nói: "Chúng tôi không làm nên điều kỳ diệu, chúng tôi chỉ giúp người bệnh đi đúng con đường cần đi, và chỉ cần giữ vững niềm tin, điều kỳ diệu sẽ đến với mỗi người."

Thu Linh
Theo Đời sống Plus/GĐVN