Thứ năm, 25/04/2024 | 19:43
RSS

Người phụ nữ gặp họa sau khi tiêm collagen tươi làm thẳng chân

Thứ sáu, 06/05/2022, 16:53 (GMT+7)

Sau khi tiêm collagen tươi làm thẳng chân tại một thẩm mỹ viện ở quận Cầu Giấy, người phụ nữ phải nhập viện điều trị trong tình trạng viêm mô dưới da rất rõ, sưng đỏ dọc theo đường tiêm.

Người phụ nữ gặp họa sau khi tiêm collagen tươi làm thẳng chân

Nữ bệnh nhân chia sẻ hình ảnh về bắp chân sưng tấy sau liệu trình làm đẹp. Ảnh: Người lao động

Theo thông tin trên báo Người lao động, ngày 6/5, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận điều trị một nữ bệnh nhân (47 tuổi, Hà Nội) bị sưng đỏ, đau nhức và xuất hiện ổ áp xe bắp chân sau khi tiêm chất được quảng cáo là collagen tươi để làm thẳng chân.

Cụ thể, nữ bệnh nhân này cho hay, cách đây gần 1 tháng chị có thực hiện liệu pháp tiêm collagen tươi với mục đích trẻ hóa đôi chân và giúp chân thẳng và "nuột nà" hơn tại một thẩm Mỹ viện ở quận Cầu Giấy.

Tại đây, chị được nhân viên tư vấn sẽ tiêm collagen tươi với thành phần HA (Hyaluronic acid) có nguồn gốc Thụy Sĩ để tạo mô vùng chân, giúp chân thẳng, đẹp hơn. Chi phí tiêm là 60 triệu, thời hạn bảo hành cho liệu trình này là 20 năm. Sau khi ký làm hợp đồng và thực hiện liệu trình tiêm, chị được nhân viên ủ tê vùng bắp chân trước khi tiêm.

Khoảng 1 tiếng sau nhân viên có mang sản phẩm sẽ tiêm cho chị đến và nói rằng đó là collagen tươi. Lúc đó chị có kiểm tra thông tin sản phẩm và thấy đây là hộp filler (chất làm đầy) có xuất xứ từ Hàn Quốc. Thấy sản phẩm không đúng như cơ sở ký hợp đồng nên chị đã yêu cầu cung cấp đúng sản phẩm như cam kết.

Một lúc sau, nhân viên lại mang lên hộp sản phẩm và nói rằng "đây là collagen tươi" nhưng khi kiểm tra chị thấy sản phẩm của Thụy Điển chứ không phải Thụy Sĩ như giới thiệu trước đó. Tuy nhiên, khi nhân viên spa giải thích chị vẫn đồng ý thực hiện liều trình tiêm 3 ml sản phẩm vào hai bắp chân. Ngay sau khi tiêm chị đã có cảm giác khó chịu, đau tức vùng bắp chân nhưng nhân viên nói là do tác dụng của thuốc tê và sẽ hết sau vài ngày.

"Ngay đêm hôm đó tôi thấy bắp chân sưng to, đau nhức, đỏ tấy, căng tức vùng bắp chân đến mức không đi nổi. Những ngày sau đi tôi tiếp tục trở lại cơ sở này và có được hỗ trợ liệu pháp giảm đau nhưng tình trạng đau, sưng tấy vẫn không giảm", người phụ nữ nói.

Người phụ nữ gặp họa sau khi tiêm collagen tươi làm thẳng chân

BS Hà khám lại cho bệnh nhân sau khi ổ áp xe đầy mủ được giải quyết bằng kháng sinh. Ảnh: Dân trí

Chia sẻ trên Dân trí, TS.BS Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc, BV Da liễu Trung ương cho biết, trước đó 5 ngày, người phụ nữ này đến viện khám trong tình trạng viêm mô dưới da rất rõ, sưng đỏ dọc theo đường tiêm. Hình ảnh siêu âm cho thấy, bên chân được tiêm 2ml đã có ổ áp xe dọc bắp chân, bên còn lại được tiêm 1ml dần hình thành ổ áp xe.

Ngay lập tức, bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh, giảm đau. Sau 5 ngày, tổn thương dần trở về bình thường, tuy nhiên bệnh nhân phải tiếp tục theo dõi và tiêm thuốc giải. Các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân được tiêm filler, nhưng để biết chắc chắn phải rạch vùng tiêm để xét nghiệm mô.

Sáng 6/5, bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm và tiêm thuốc giải chất làm đầy (filler). Hiện cũng chưa rõ bệnh nhân được tiêm chất liệu gì nhưng nếu đúng bệnh nhân được tiêm chất làm đầy thì thuốc giải mới có tác dụng.

Theo TS Hà, trường hợp của bệnh nhân này nếu phát hiện và điều trị muộn, ổ áp xe trên bắp chân bệnh nhân sẽ lan rộng ra các vùng khác, phá hủy chân. Chưa kể tổ chức áp xe phá hủy mô, khiến chân bị lồi lõm. Nếu để quá chậm trễ, nguy cơ nhiễm khuẩn huyết, thậm chí tử vong cũng có thể xảy ra. Di chứng nhẹ nhất, bệnh nhân cũng phải chịu một vết chích rạch để lại sẹo dài ở chân, gây mất thẩm mỹ.

TS Hà thông tin thêm, đây là trường hợp hi hữu. Trong y văn, các bác sĩ chưa từng thấy có chỉ định tiêm thẳng chân bằng filler hay collagen tươi. Về cơ bản để làm thẳng chân không thể bằng thủ thuật tiêm.

Thông thường, nếu bắp chân to có thể tiêm các chất botox (làm liệt cơ) để làm thon gọn. Còn bệnh nhân nếu bị cong chân liên quan đến xương thì không thể khắc phục bằng tiêm chất làm đầy. Việc tiêm chất làm đầy không chỉ không có tác dụng, mà bệnh nhân còn đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng, tắc mạch máu nếu làm ở những cơ sở không phép, người thực hiện không có kỹ thuật.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại