Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:16
RSS

Người lao động là F0 sẽ được nhận những khoản tiền nào?

Thứ năm, 24/02/2022, 11:06 (GMT+7)

Nếu không may nhiễm Covid-19, trở thành F0, người lao động sẽ được hưởng những quyền lợi và khoản tiền nào.

Theo thông tin từ Bộ y tế, trong ngày 23/2, số ca mắc Covid-19 mới cả nước tiếp tục tăng cao với 60.338 ca mắc mới tại 62 tỉnh, thành phố.

Trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị hiện có hơn 3.200 F0 nặng; Số ca Covid-19 mới trung bình 7 ngày qua là 47.264 F0/ngày; 25 tỉnh, thành có F0 mới trên 1.000 ca/ ngày.Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.972.378 ca mắc Covid-19. Vậy, những người lao động là F0 khi điều trị tại nhà sẽ nhận được những khoản hỗ trợ nào, cụ thể từng khoản hỗ trợ ra sao được nhiều người quan tâm.

Người lao động là F0 sẽ được nhận những khoản tiền nào?

Ảnh minh họa.

1. Tiền bảo hiểm chế độ ốm đau

Theo điều 26 của luật này, thời gian hưởng chế độ ốm đau trong năm của người lao động như sau:

- Nếu làm việc trong điều kiện bình thường: 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm, 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 - dưới 30 năm, 60 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 30 năm.

- Nếu làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm, 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 - dưới 30 năm, 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

Trong thời gian nghỉ, người lao động sẽ được hưởng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc (khoản 1, điều 28 Luật bảo hiểm xã hội 2014).

Điều kiện hưởng chế độ đối với F0 điều trị tại nhà:

Theo cơ quan BHXH TP.HCM, tại Điều 25 Luật BHXH quy định khi gặp vấn đề về sức khỏe NLĐ được hưởng chế độ ốm đau nếu đáp ứng đủ các điều kiện như NLĐ đang tham gia BHXH bắt buộc và bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động, phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

Như vậy, trường hợp NLĐ nhiễm Covid-19 đang đóng BHXH và điều trị tại nhà thì được hưởng chế độ ốm đau nếu có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền.

Về quy định cấp xác nhận, theo công văn của Cục Quản lý khám chữa bệnh thì NLĐ là F0 muốn hưởng chế độ ốm đau phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH theo mẫu quy định tại Thông tư 56/2017.

Để được hưởng chế độ ốm đau, người lao động là F0 cần thực hiện thủ tục như sau:

Bước 1: Xin cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội.

Sau khi hoàn thành cách ly, điều trị tại nhà, người lao động là F0 cần liên hệ trung tâm y tế, trạm y tế chăm sóc, quản lý để xin cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội. Nếu được cấp không đúng mẫu quy định, người lao động được đề nghị cơ sở y tế cấp lại.

Bước 2: Nộp hồ sơ hưởng chế độ ốm đau cho doanh nghiệp.

Căn cứ Quyết định 222/QĐ-BHXH năm 2021, người lao động phải nộp cho doanh nghiệp bản chính giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Thời hạn nộp: Trong 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc. Nếu nộp muộn khiến doanh nghiệp chậm nộp cho cơ quan BHXH, phải giải trình lý do bằng văn bản.

Sau khi nhận hồ sơ từ người lao động, doanh nghiệp sẽ lập thêm Mẫu số 01B-HSB và gửi toàn bộ hồ sơ cho cơ quan Bảo hiểm xã hội trong 10 ngày làm việc.

Bước 3: Nhận tiền trợ cấp ốm đau từ cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Thời hạn giải quyết trả trợ cấp cho người lao động là tối đa 06 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan Bảo hiểm xã hội nhận đủ hồ sơ.

Số tiền trợ cấp được tính theo công thức như sau: Mức hưởng = 75% x Tiền lương đóng Bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ/24 ngày x số ngày nghỉ.

Người lao động là F0 sẽ được nhận những khoản tiền nào?

Ảnh minh họa.

2. Tiền dưỡng sức sau khi điều trị Covid-19

Theo Điều 29 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, sau khi điều trị Covid-19, trong vòng 30 ngày trở lại làm việc mà sức khỏe của người lao động vẫn chưa hồi phục thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 5 ngày (theo Điều 29 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014).

Mức tiền được hưởng trong thời gian nghỉ dưỡng sức là 30% mức lương cơ sở, tức là 447.000 đồng/ngày, tổng là 2.235.000 đồng. 

3. Tiền hỗ trợ từ công đoàn

Tại Quyết định 3749/QĐ-TLĐ, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam quy định đoàn viên, người lao động là F0 không vi phạm quy định về phòng, chống dịch được nhận hỗ trợ. Về nguyên tắc, mỗi trường hợp F0 chỉ được hỗ trợ một lần dù nhiều lần dương tính.

1. Đoàn viên, người lao động là ca bệnh F0, không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19 được hỗ trợ:

- Tối đa là 3 triệu đồng/người nếu có triệu chứng bệnh nặng, phải điều trị từ 21 ngày trở lên tại bệnh viện, cơ sở y tế được thu dung điều trị Covid-19 theo các giấy tờ xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.

- Tối đa là 1,5 triệu đồng/người nếu phải điều trị ngoại trú từ 21 ngày trở lên hoặc điều trị nội trú dưới 21 ngày tại bệnh viện, cơ sở y tế được thu dung điều trị Covid-19 theo các giấy tờ xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.

2. Đoàn viên, người lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn bị tử vong do Covid-19 thì thân nhân được hỗ trợ 5 triệu đồng/người.

3. Người bị ảnh hưởng bởi Covid-19 khác cần hỗ trợ giao ban thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương. 

4. Tiền lương do người sử dụng lao động trả

Trong trường hợp người lao động vẫn còn ngày nghỉ phép năm thì thời gian nghỉ việc để điều trị Covid-19 có thể trừ vào ngày nghỉ phép năm. Do đó, trong những ngày này người lao động vẫn được hưởng nguyên lương từ người sử dụng lao động.

Theo  khoản 1, điều 113 Bộ luật lao động 2019, người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

- 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường.

- 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

- 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

 

 

Tuệ Nhi (t/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại