Ngày 18/2, anh Hoàng Tuấn Long (46 tuổi, ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, anh chưa từng rơi vào tình thế oái oăm khi F1 phải cách ly trong phòng riêng, còn F0 thì đi lại tự do trong nhà.
Theo anh Long, sau khi tiếp xúc với một bạn học cùng lớp là F0, ngày 15/2, con trai lớn của anh học lớp 12 có biểu hiện ho nhẹ. Sau test nhanh, vợ và hai con trai anh đều dương tính với SARS-CoV-2, còn anh Long vẫn âm tính. Để bảo vệ F1 duy nhất, vợ con anh Long yêu cầu anh phải cách ly tại phòng riêng, sử dụng riêng nhà vệ sinh và nhường không gian sinh hoạt rộng rãi hơn cho 3 F0 còn lại.
Anh Long được các F0 phục vụ ăn uống
Anh Long chia sẻ, ngày đầu tiên, vợ anh đảm nhận nhiệm vụ nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa vì không có triệu chứng của bệnh. Đồ nấu xong chia làm hai, một suất đặt trước cửa phòng cho anh Long, còn ba mẹ con được ăn ở phòng ăn. Những ngày sau đó anh Long nấu thay vợ.
“Khi tôi nấu nướng, 3 mẹ con lại vào phòng riêng, nấu xong tôi bê cơm về phòng ăn một mình còn mấy mẹ con lại vui vẻ kéo nhau ra bàn ăn. Phải ở trong phòng một mình cũng bí bách nên thi thoảng tôi mở hé cửa nhìn vợ con ăn cho đỡ buồn”, anh Long cười nói.
Anh Long cho biết, từ lúc phải cách ly tại nhà, anh thường xuyên chia sẻ những hình ảnh tươi vui khi anh là F1 lên trang cá nhân với mong muốn truyền tải những thông điệp tích cực, vui vẻ đến mọi người trong những ngày dịch bệnh.
“Tôi chỉ mong cả gia đình được ăn bữa cơm đầm ấm như trước kia chứ không phải mỗi người một phòng như hiện tại”, anh Long nói.
Anh Long cho biết, phải cách ly ở trong phòng 1 mình cũng bí bách nên thi thoảng anh mở hé cửa nhìn vợ con ăn cho đỡ buồn.
Còn chị Quỳnh An (31 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, ngày 5/2, chồng chị dương tính với SARS-CoV-2, nhưng nhà chị ở chung cư, có 2 phòng ngủ, một nhà vệ sinh nên chị rất lo lắng làm sao để 3 người còn lại trong gia đình an toàn, trong đó có mẹ già 65 tuổi và con gái 3 tuổi.
Theo chị An, sau khi chồng dương tính SARS-CoV-2, chị đã cách ly chồng trong một phòng riêng, còn mẹ con chị sinh hoạt chung ở ngoài. Hằng ngày, chị An phục vụ đồ ăn, nước uống để trước cửa phòng cho chồng, còn mỗi khi chồng muốn đi vệ sinh, tắm gội sẽ nhắn tin cho chị bế con nhỏ vào phòng riêng.
“Mỗi lần như vậy con gái tôi khóc hết nước mắt vì cháu thích chạy nhảy, chơi đùa ở không gian rộng và đặc biệt thích xem tivi ở phòng khách”, chị An kể.
Con gái chị An đeo khẩu trang ngồi xem tivi ở phòng khách khi đang là F1
Chị An cho hay, do dùng chung nhà vệ sinh cùng F0 nên rất bất tiện, chị phải mua rất nhiều xịt khuẩn, găng tay, khẩu trang để sử dụng 1 lần. Chỉ 3 ngày chị đã dùng gần hết 280 đôi găng tay, vì khi bật công tắc nhà tắm hay vào nhà vệ sinh đều phải sử dụng găng tay. Thậm chí, khi lấy đồ ăn, rửa bát cho F0 cũng phải sử dụng găng tay.
Sau 3 lần test nhanh thì chị An, mẹ và con gái đều âm tính. Đến ngày 11/2, mẹ chị An có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Lúc này, nhà có 2 phòng, chồng chị An và mẹ cách ly tại phòng riêng, còn chị An và con gái chuyển đồ ra phòng khách. Lo sợ con gái 3 tuổi bị mắc covid-19 do dùng chung nhà vệ sinh nên chị An và con đã sang ở nhờ nhà hàng xóm, khi gia đình này đang ở quê.
Hai ngày sau, con gái chị An cũng nhiễm bệnh, còn chị vẫn âm tính. Nghĩ đã tiếp xúc trực tiếp với F0, con bé lại quấn mẹ không thể tự cách ly, chị An đành dọn về nhà để tiện chăm sóc cho 3 F0 và xác định dương tính chỉ là chuyện sớm muộn.
"3 F0 mời một F1 ra ăn cơm trưa", câu nói của chồng khiến chị An bật cười, phá tan không khí nặng nề của gia đình. Từ ngày dọn về nhà, cách hai ngày chị An lại test nhanh, nhưng kết quả vẫn âm tính dù vẫn sinh hoạt chung với F0, khiến chị hay đùa bản thân là F1 “bất tử".
“Ngày 18/2, mẹ và con gái tôi có kết quả âm tính, nhưng tôi lại dương tính với SARS-CoV-2. Dù nhiễm bệnh nhưng tôi vẫn lạc quan, giờ cả gia đình tôi vẫn sinh hoạt chung bình thường. Tôi chỉ mong mau khỏi bệnh để được ra ngoài, đi làm”, chị An chia sẻ.
Nồi nước xông không thể thiếu khi những gia đình có người dương tính với SARS-CoV-2.
Tương tự, chị Hồng (ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, ngày 14/2, hai vợ chồng chị có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, còn con gái 16 tuổi âm tính nên được cách ly tại phòng riêng, đồ ăn sẽ được bố mẹ đưa đến tận cửa.
Theo chị Hồng, hằng ngày 2 vợ chồng chị đều xông gừng, chanh, sả và tập thể dục thường xuyên. Bên cạnh đó, vợ chồng chị cũng nhờ bác sĩ theo dõi sức khoẻ từ xa.
“Vợ chồng tôi tiêm rồi nên khi mắc bệnh không có triệu chứng nhiều. Cả 2 vẫn tự nấu ăn, làm việc nhà được. Hằng ngày tôi nấu cơm cho con gái, khi nấu ăn tôi đeo găng tay, đeo khẩu trang, tuân thủ 5K, xịt khuẩn đầy đủ, đồng thời hạn chế tiếp xúc với con để tránh lây nhiễm”, chị Hồng nói.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế cho biết, việc lây nhiễm SARS-CoV-2 buộc phải có tiếp xúc trực tiếp, chứ chưa có nguyên cứu nào cho rằng virus có thể lây nhiễm qua đường đồ ăn.
Theo ông Nga, trước tình hình số lượng ca nhiễm tăng mạnh như hiện nay, việc một gia đình có số lượng F0 nhiều hơn F1 không còn là cá biệt, thậm chí là phải chấp nhận "sống chung với lũ". Sinh hoạt trong cùng một không gian, không thể tránh khỏi khả năng lây nhiễm chéo, nhưng nếu các thành viên trong gia đình biết tuân thủ các quy tắc phòng dịch, ăn đủ chất, tập luyện sức khỏe điều độ, khả năng lây nhiễm sẽ giảm đáng kể.